Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 12:01 (GMT +7)
Tháo gỡ khó khăn trong thu tiền sử dụng đất
Thứ 2, 02/10/2023 | 12:26:58 [GMT +7] A A
Nguồn thu tiền sử dụng đất có vai trò quan trọng trong đầu tư phát triển hàng năm của tỉnh. Theo báo cáo của Sở Tài chính, dự kiến số thu tiền sử dụng đất năm 2023 không đạt theo kế hoạch giao đầu năm. Vì vậy, các đơn vị được giao cần những giải pháp cụ thể đẩy mạnh các khoản thu có dư địa để bù đắp hoặc điều chỉnh, bổ sung nguồn đầu tư phát triển từ nguồn thu tiền sử dụng đất.
Theo
Chỉ duy nhất có TP Móng Cái đạt tốc độ thu bình quân tiền sử dụng đất, còn lại 12/13 địa phương chưa đạt tốc độ thu bình quân. Một số địa phương có tỷ lệ thu thấp: Cô Tô (1%), Cẩm Phả (3%), Bình Liêu (4%), Ba Chẽ (5%), Hải Hà (6%), Vân Đồn (7%), Đầm Hà (9%).
Nguyên nhân thu tiền sử dụng đất của tỉnh không đạt theo yêu cầu, do một số dự án đang trong quá trình thanh tra, dự kiến trình sau khi có kết quả thanh tra; một số dự án đã trình hội đồng thẩm định giá nhưng chưa thông qua do cần điều chỉnh, bổ sung thông tin; một số dự án đang trong quá trình xây dựng giá. Đối với các dự án được UBND tỉnh ủy quyền cho các địa phương thực hiện đấu giá hoặc đấu thầu dự án, tiến độ thực hiện còn chậm do phải thực hiện nhiều thủ tục pháp lý, phải điều chỉnh quy hoạch, phê duyệt chủ trương đầu tư. Đặc biệt, tại một số địa phương tồn tại vấn đề do thị trường bất động sản đóng băng nên nhiều phiên đấu giá quyền sử dụng đất không có tổ chức, cá nhân tham gia đăng ký, ảnh hưởng đến kế hoạch thu.
Ông Trần Văn Lâm, Giám đốc Sở Tài chính, cho biết: Trước vấn đề hụt thu tiền sử dụng đất năm 2023, Sở Tài chính đã báo cáo, đề xuất UBND tỉnh trình HĐND tỉnh điều chỉnh giảm dự toán chi đầu tư phát triển từ nguồn thu tiền sử dụng đất ngân sách tỉnh trên 1.564 tỷ đồng và điều chỉnh tăng dự toán chi đầu tư phát triển từ nguồn cân đối thuế, phí để bù đắp cho khoản hụt tiền sử dụng đất ngân sách tỉnh.
Trước thực trạng số thu tiền sử dụng đất không đảm bảo theo kế hoạch, nhiều địa phương đã không có nguồn chi đầu tư phát triển, dẫn đến tình trạng tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 chậm.
Để bù khoản hụt thu tiền sử dụng đất, UBND tỉnh chỉ đạo các đơn vị thu ngân sách tăng thu các khoản thu còn nhiều dư địa, tiềm năng khai thác tăng thu, như: Tài nguyên, khoáng sản, du lịch, dịch vụ, thương mại, nhà hàng, khách sạn, vận tải, xây dựng, xăng dầu, thương mại điện tử,… Đồng thời, mở rộng nguồn thu đối với các khoản thu còn tiềm ẩn thất thu, như: Thuê đất rừng và đất nuôi trồng thủy sản; phí tạm thời sử dụng lòng đường, hè phố; thu tiền khu vực biển;… Đồng thời, kiểm tra chặt chẽ các dự án đang nợ đọng thuế, hết thời gian ưu đãi thuế, các dự án mới phát sinh để kịp thời quản lý thu các khoản thuế đầy đủ vào NSNN; kiên quyết áp dụng các biện pháp đôn đốc, cưỡng chế thu hồi nợ đọng thuế theo quy định, phấn đấu giảm tỷ lệ nợ thuế trên tổng dự toán thấp hơn chỉ tiêu trung ương giao (dưới 8%).
Các địa phương có nguồn thu tiền sử dụng đất không đạt theo Nghị quyết HĐND tỉnh, thì phải chủ động bố trí nguồn tăng thu, tiết kiệm chi thường xuyên nguồn vốn ngân sách tỉnh để bổ sung cũng như huy động các nguồn vốn hợp pháp khác để bù đắp. Sau khi đã bố trí hết các nguồn vốn nêu trên nhưng vẫn không đảm bảo bù đắp số hụt thu tiền sử dụng đất, UBND các địa phương phải trình HĐND cùng cấp điều chỉnh giảm kế hoạch vốn đầu tư công tương ứng theo quy định tại Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư công.
UBND các địa phương khẩn trương rà soát, đánh giá tình hình thực hiện thu tiền sử dụng đất của cả năm 2023, có cam kết về khả năng thu trong năm 2023, làm căn cứ tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh trình HĐND tỉnh phương án điều chỉnh dự toán ngân sách.
Mạnh Trường
Liên kết website
Ý kiến ()