Tất cả chuyên mục
Thứ Năm, 14/11/2024 16:30 (GMT +7)
Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác PCCC
Thứ 7, 13/05/2023 | 18:22:33 [GMT +7] A A
Những năm qua, công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC&CNCH) trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh luôn được cấp uỷ, chính quyền và các ngành chức năng quan tâm, nhằm bảo đảm an toàn, giảm thiểu thiệt hại về tính mạng và tài sản cho nhân dân. Nhờ đó, tình hình cháy, nổ trên địa bàn qua các năm đã dần được kiềm chế, số vụ cháy có chiều hướng giảm.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy tình hình cháy, nổ tại các chợ (đặc biệt là các chợ cũ, đã xuống cấp), khu dân cư, nhà ở hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh có diễn biến phức tạp, khó lường. Cháy có nguyên nhân do sự cố hệ thống, thiết bị điện vẫn chiếm ty lệ cao (khoảng 50%). Ý thức, trách nhiệm của một bộ phận quần chúng nhân dân đối với công tác PCCC chưa tốt, chưa nhận thức được tầm quan trọng của công tác PCCC; còn chủ quan, lơ là trong việc sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt, đặc biệt là thiết bị điện trong sinh hoạt. Trên địa bàn tỉnh còn nhiều công trình có vi phạm, tồn tại về PCCC, nhất là các công trình đã đưa vào sử dụng nhưng chưa được nghiệm thu về PCCC; tiến độ việc xử lý còn chậm. Việc chấp hành quy định về mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc của nhiều cơ sở còn hạn chế.
Đặc biệt, việc xử lý các cơ sở không bảo đảm yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy được đưa vào hoạt động trước Ngày Luật PCCC năm 2001 có hiệu lực còn chậm. Đến nay, mới chỉ có 2/84 cơ sở hoàn thành việc khắc phục điều kiện PCCC; 5 cơ sở đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng mới để thay thế. Toàn tỉnh hiện có 17 chợ sử dụng vốn nhà nước phải khắc phục các điều kiện về PCCC nhưng theo quy định hiện hành không cho phép bố trí ngân sách nhà nước đầu tư xây dựng và cải tạo các chợ này. 7 cơ sở là khách sạn, nhà nghỉ đang tạm dừng hoạt động. 16 cơ sở chủ đầu tư đang triển khai thực hiện theo kế hoạch và cam kết lộ trình đã đề ra (xong trước tháng 8/2023). Bên cạnh đó, qua rà soát, thống kê của lực lượng Công an, toàn tỉnh có 328 công trình vi phạm chưa nghiệm thu về PCCC đã đưa vào hoạt động. Riêng đối với các sơ sở karaoke, vũ trường có đến 389 cơ sở phải dừng hoạt động do không đủ điều kiện phòng cháy, chữa cháy.
Thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh đã chủ động, kịp thời giải đáp, hướng dẫn đầy đủ, cụ thể chi tiết các quy định và giải pháp để cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, người dân khắc phục tổng thể các vi phạm, thiếu sót về PCCC của công trình, cơ sở, phục vụ có hiệu quả hoạt động đầu tư xây dựng, sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt, thực hiện Công điện số 220/CĐ-TTg ngày 05/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác PCCC, tỉnh đã rà soát các bất cập trong chính sách, pháp luật về PCCC, kịp thời đề xuất Chính phủ và các bộ, ngành sửa đổi, bổ sung. Cụ thể, tỉnh đề nghị Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành nghiên cứu, rà soát sửa đổi QCVN 06/2022/BXD quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về an toàn cháy cho nhà và công trình (ban hành kèm theo Thông tư số 06/2022/TT-BXD ngày 30/11/2022 của Bộ Xây dựng). Trong đó, cho phép giữ nguyên cầu thang hở trong nhà và bổ sung thêm yêu cầu của các phòng mở vào cầu thang là cửa chống cháy, tại các tầng phải có lối ra khẩn cấp qua ban công, lô gia tại đó bố trí các thang dây tự cứu, phía trên sân thượng phải đảm bảo thoáng để phục vụ cứu nạn, cứu hộ đối với các trường hợp không bố trí được hai lối thoát nạn; cho phép giữ nguyên cầu thang hở trong nhà và bổ sung yêu cầu của các phòng mở vào cầu thang là cửa chống cháy đối với công trình cho phép bố trí một lối thoát nạn từ từng tầng. Lý do là trên địa bàn tỉnh hiện có 2.582 cơ sở lưu trú, trong đó có khoảng 75% cơ sở có kết cấu dạng nhà ống, liền kề, diện tích xây dựng một sàn khoảng dưới 100m, nếu phải bố trí 2 lối thoát nạn thì không thể bố trí 2 lối thoát nạn phân tán do đa số nhà ống hiện nay mỗi tầng chỉ bố trí được 2 phòng nghỉ phía trước và phía sau và 1 cầu thang ở giữa nhà quấn quanh thang máy.
Tỉnh cũng đề nghị Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ, ngành liên quan nghiên cứu, rà soát sửa đổi quy định tiêu chuẩn, quy chuẩn về PCCC liên quan đến nội dung cấp nước chữa cháy ngoài nhà tại được quy định tại Phụ lục C, TCVN 3890:2023 theo hướng chỉ yêu cầu đối với các công trình hạ tầng kỹ thuật có liên quan đến PCCC của đô thị, khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao và các khu chức năng khác theo Luật Quy hoạch thuộc thẩm quyền phê duyệt của cấp huyện trở lên khi tiến hành xây dựng mới hoặc cải tạo. Việc trang bị hệ thống cấp nước chữa cháy ngoài nhà này là việc của Chủ đầu tư hạ tầng kỹ thuật. Đối với các khu dân cư hiện hữu thì trách nhiệm đầu tư hệ thống cấp nước chữa cháy ngoài nhà là của nhà nước. Lý giải cho điều này, Quảng Ninh nêu rõ, việc trang bị hệ thống cấp nước chữa cháy ngoài nhà đối với các công trình đặc thù được quy định tại Phụ lục C, TCVN 3890:2023 Phòng cháy chữa cháy - phương tiện phòng cháy và chữa cháy cho nhà và công trình. Tuy nhiên quy định này dẫn đến công trình phải xây dựng một bể nước có khối tích rất lớn, khó thực hiện và chi phí cao, thực tế không khả thi, nhất là đối với các công trình dân dụng có quy mô nhỏ, dạng nhà ống liền kề ở các đô thị hiện nay.
Ngoài việc chủ động tháo gỡ những khó khăn về PCCC, đề xuất Chính phủ, các bộ, ngành bổ sung, sửa đổi những quy định, chính sách về PCCC, ngày 15/5 tới đây, tỉnh Quảng Ninh sẽ tổ chức hội nghị đánh giá thực trạng công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn trên địa bàn tỉnh, đối thoại, hướng dẫn cộng đồng doanh nghiệp để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn. Theo đó, tỉnh sẽ mời 250 doanh nghiệp ở 13/13 địa phương đến dự để lắng nghe, tổng hợp và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác PCCC trên địa bàn tỉnh.
Bảo Bình
Liên kết website
Ý kiến ()