Tất cả chuyên mục
Thứ Năm, 14/11/2024 16:31 (GMT +7)
Đề xuất thành lập Ban quản lý dự án y tế trực thuộc Sở Y tế
Chủ nhật, 14/05/2023 | 19:01:34 [GMT +7] A A
Thời gian qua, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, các bộ, ngành liên quan đã đưa ra những giải pháp cụ thể tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để các bệnh viện kịp thời mua sắm được thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế. Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 07/2023/NÐ-CP và Nghị quyết số 30/NQ-CP, đề ra các giải pháp quan trọng giải quyết vấn đề thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế.
Tuy vậy, cũng giống như các đơn vị y tế khác trong cả nước, ngành Y tế tỉnh Quảng Ninh cũng chưa giải quyết được những khó khăn, vướng mắc về cung ứng thuốc, trang thiết bị y tế, vật tư, hóa chất phục vụ khám, chữa bệnh.
Trong đó, các đơn vị trong quá trình thực hiện công tác mua sắm trang thiết bị, vật tư, hóa chất tại đơn vị gặp nhiều khó khăn vướng mắc như thiếu cơ sở, căn cứ để xây dựng dự toán mua sắm, dự toán giá gói thầu. Vật tư y tế tiêu hao cũng phải mua sắm như trang thiết bị y tế chuyên dùng. Xây dựng cấu hình kỹ thuật trang thiết bị y tế dễ vi phạm quy định về đảm bảo tính cạnh tranh. Trang thiết bị mua sắm bổ sung thông qua đấu thầu không đồng bộ với trang thiết bị y tế hiện có, nhân viên y tế gặp khó khăn khi sử dụng, bất cập khi phải mua sắm nhiều loại vật tư, hoá chất tiêu hao để dùng cho thiết bị. Cùng với đó, phải thực hiện hàng chục, hàng trăm gói thầu trong năm, nên không đủ nhân lực, không có thời gian thực hiện công tác quản lý, chuyên môn khác.
Đối với việc mua sắm, cung ứng thuốc, trên địa bàn tỉnh có tình trạng thiếu cục bộ hoặc gián đoạn cung ứng xảy ra đối với một số loại thuốc tại một số cơ sở y tế, tập trung chủ yếu vào các nhóm thuốc điều trị ung thư, thuốc điều trị rối loạn chuyển hóa (Insulin), thuốc chống đông máu và một số thuốc đường hô hấp… Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ cho công tác khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Nguyên nhân chủ yếu của việc thiếu thuốc điều trị là do ảnh hưởng đại dịch COVID-19, ảnh hưởng của chiến tranh, biến động địa chính trị gây ra tình trạng đứt gẫy, gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu dẫn tới thiếu nguồn cung nguyên liệu sản xuất thuốc trong nước, thuốc nhập khẩu khan hiếm, giá cả biến động. Cùng với đó, tình trạng hết hạn số đăng ký lưu hành của một số loại thuốc, số lượng thuốc cấp số đăng ký phép lưu hành mới hạn chế; việc chậm công bố kết quả đấu thầu tập trung, đàm phán giá quốc gia (kết quả thầu tập trung quốc gia chậm 9 tháng so với dự kiến, kết quả đàm phán giá chậm 11 tháng so với dự kiến). Mặt khác, nhiều thuốc không lựa chọn được nhà thầu trong quá trình đấu thầu rộng rãi, các đơn vị phải áp dụng nhiều hình thức lựa chọn nhà thầu khác nhau để cung ứng thuốc nên dẫn đến gián đoạn trong cung ứng. Tình hình nợ tiền thuốc, đôi lúc kéo dài ở một số đơn vị làm ảnh hưởng đến cung ứng thuốc.
Tại Quảng Ninh, năm 2022-2023, năm đầu tiên các cơ sở y tế tự triển khai tổ chức đấu thầu mua sắm thuốc, do đó nhiều đơn vị lúng túng trong công tác xây dựng kế hoạch và triển khai đấu thầu mua sắm thuốc; hơn nữa nhân lực có kinh nghiệm trong công tác đấu thầu mua sắm thuốc tại CSYT trên địa bàn tỉnh rất ít, khó khăn trong quá trình đánh giá hồ sơ dự thầu để lựa chọn nhà thầu cung cấp thuốc.
Trước những vấn đề này, tỉnh Quảng Ninh đã có nhiều giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho ngành Y tế. Ngày 13/5, UBND tỉnh đã họp về vấn đề này, đồng chí Cao Tường Huy, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh, yêu cầu các cấp, ngành của tỉnh phải cùng ngành Y tế vào cuộc gỡ khó, hướng tới mục tiêu cuối cùng là đảm bảo năng lực y tế, chăm sóc, bảo vệ tốt nhất sức khỏe nhân dân.Trước mắt, tỉnh Quảng Ninh sẽ tiến hành mua sắm tập trung để đảm bảo việc cung ứng thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế cho thời gian tiếp theo, để các đơn vị tập trung làm chuyên môn và gỡ khó các đơn vị vùng sâu, vùng xa.
Tỉnh cũng đồng hành cùng ngành Y tế có những báo cáo, đề xuất với Chính phủ, Bộ Y tế để có chính sách phù hợp với thực tiễn. Trong đó, đề nghị Bộ Y tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm ban hành văn bản hướng dẫn công tác đấu thầu thuốc, trang thiết bị y tế theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết 30/NQ-CP ngày 04/3/2023 làm cơ sở để địa phương tổ chức thực hiện.
Tỉnh cũng đề nghị Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương cho tỉnh Quảng Ninh thành lập Ban quản lý dự án y tế trực thuộc Sở Y tế, với chức năng tổ chức mua sắm, đấu thầu tập trung thuốc, vật tư, hóa chất, trang thiết bị và các dự án đầu tư trang thiết bị y tế của ngành y tế trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Cơ cấu tổ chức, bộ máy; chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của Ban quản lý dự án y tế trực thuộc Sở Y tế do UBND tỉnh Quảng Ninh quyết định bảo đảm phù hợp với quy định của pháp luật và tình hình thực tiễn của tỉnh.
Những đề xuất này đều xuất phát từ yêu cầu thực tiễn, giúp tháo gỡ những khó khăn lâu dài của ngành Y tế. Bởi lẽ, hằng năm, ngành y tế Quảng Ninh triển khai công tác mua sắm thuốc, vật tư, hóa chất, trang thiết bị y tế; quản lý, bảo dưỡng, sửa chữa trang thiết bị y tế và cơ sở vật chất từ nguồn chi thường xuyên vốn ngân sách tỉnh, nguồn thu dịch vụ khám chữa bệnh với tổng kinh phí khoảng hơn 1.000 tỷ đồng/năm. Trong đó, mua sắm thuốc toàn ngành khoảng 700 tỷ đồng; mua sắm trang thiết bị y tế khoảng 150 tỷ đồng; mua sắm vật tư, hóa chất, sinh phẩm khoảng 400 tỷ đồng. Trước đây, việc mua sắm thuốc, vật tư, hóa chất, trang thiết bị y tế do Ban quản lý dự án đầu tư các công trình Y tế trực thuộc Sở Y tế thực hiện mua sắm tập trung. Tuy nhiên, thực hiện Nghị định số 59/2015/NĐ-CP ngày 18/6/2015 của Chính phủ, tỉnh đã sắp xếp, kiện toàn, thành lập các ban quản lý dự án chuyên ngành của tỉnh, không còn Ban quản lý dự án đầu tư các công trình Y tế trực thuộc Sở Y tế. Do vậy, việc mua sắm thuốc, vật tư, hóa chất, trang thiết bị y tế chuyển về cho các đơn vị, cơ sở y tế thực hiện theo nhu cầu của từng đơn vị, nên việc thực hiện của các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh gặp rất nhiều khó khăn như: Thiếu nhân lực có kinh nghiệm; cùng một sản phẩm nhưng giá khác nhau hoặc chủng loại khác nhau do đơn vị trúng thầu khác nhau; các cơ sở y tế ở vùng sâu, vùng xa, hải đảo khó khăn trong việc mua hàng do giá cao so với giá ở khu vực trung tâm do mua với số lượng ít, chi phí vận chuyển cao...
Với tính chất đặc thù trong mua sắm thuốc, vật tư, hóa chất, trang thiết bị y tế cần có chuyên môn sâu của nhiều ngành, nghề lĩnh vực khác ngoài ngành Y tế (tài chính, đầu tư, đấu thầu, luật, tư pháp), trong khi nhân lực hiện tại của ngành Y tế chủ yếu là chuyên ngành y (bác sỹ, y tá, điều dưỡng) không có chuyên môn sâu về lĩnh vực mua sắm, đấu thầu. Do vậy, việc thành lập Ban quản lý dự án y tế trực thuộc Sở Y tế là cần thiết hiện nay.
Bảo Bình
Liên kết website
Ý kiến ()