Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 10:27 (GMT +7)
Thắp sáng tương lai cho trẻ tự kỷ
Thứ 5, 04/04/2024 | 16:07:40 [GMT +7] A A
Việc phát hiện, can thiệp và điều trị sẽ giúp giảm thiểu hội chứng tự kỷ, giúp trẻ tự kỷ hòa nhập với cuộc sống, có được tương lai dễ dàng hơn. Vì vậy, nhiều trung tâm, cơ sở hỗ trợ, can thiệp, đồng hành với trẻ tự kỷ đã được ra đời trên địa bàn Quảng Ninh.
Trung tâm Tâm lý giáo dục Hoa Sao thành lập đến nay đã được 15 năm. Trung tâm hiện đang điều trị cho 60 trẻ rối loạn phổ tự kỷ, chậm nói, rối loạn ngôn ngữ từ 20 tháng đến 18 tuổi học theo nhóm hoặc 1-1 (1 giáo viên dạy 1 học sinh). Các giáo viên được tuyển vào dạy tại trung tâm đều phải có trình độ cao đẳng, đại học các ngành tâm lý học, công tác xã hội… Bên cạnh đó, mỗi giáo viên của trung tâm đều xây dựng giáo án riêng cho từng học sinh theo các giai đoạn.
Không chỉ dạy dỗ, điều trị, giáo viên ở đây còn chăm sóc cả vệ sinh cá nhân, ăn uống... cho các em. Đồng thời, thường xuyên tổ chức những giờ sinh hoạt, vui chơi tập thể, hoạt động dã ngoại. Nhằm đồng hành với các gia đình trong việc can thiệp, điều trị, giúp đỡ trẻ tự kỷ, trung tâm có nhiều chính sách hỗ trợ, như: Giảm học phí cho những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, đưa đón trẻ tại trường và gia đình, giảm học phí, miễn phí hướng dẫn kỹ năng làm bài, bố trí chỗ ở... Với 4 cơ sở tại TP Hạ Long, TP Uông Bí và TX Quảng Yên, Trung tâm Tâm lý giáo dục Hoa Sao đã khẳng định là một trong những cơ sở có uy tín về khám, sàng lọc, can thiệp điều trị trẻ tự kỷ, giúp trẻ hòa nhập cuộc sống, có một tương lai tốt đẹp hơn.
Chị Bùi Kiều Chinh, Giám đốc Trung tâm Tâm lý giáo dục Hoa Sao, cho biết: Tự kỷ không phải bệnh mà là hội chứng ảnh hưởng suốt đời do sự rối loạn của hệ thần kinh tác động lên não bộ, biểu hiện ra ngoài bằng những khiếm khuyết về tương tác xã hội, khó khăn về giao tiếp, sở thích và hoạt động mang tính lặp đi lặp lại. Do vậy, nếu hiểu đúng về tự kỷ thì trẻ sẽ được điều trị sớm, can thiệp nhanh chóng, dễ dàng hòa nhập hơn. Gắn bó với nghề đã gần 20 năm, tôi thực sự thấu hiểu được nỗi lòng của những người làm cha, làm mẹ và cả những đứa trẻ. Chỉ mong sao các con tiến bộ mỗi ngày để hòa nhập với cuộc sống bình thường như bao trẻ khác.
Cùng với các cơ sở tư nhân, từ tháng 7/2015, Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh đã thành lập Đơn nguyên Tâm bệnh - Phục hồi chức năng thực hiện việc khám, điều trị cho trẻ tự kỷ, chậm phát triển. Đơn nguyên Tâm bệnh - Phục hồi chức năng có đội ngũ nhân lực gồm 4 bác sĩ, 5 điều dưỡng, 8 kỹ thuật viên, 2 cử nhân chính trị - xã hội, 2 giáo viên và 2 thạc sĩ tâm lý học. Đơn vị hiện đang triển khai nhiều phương pháp hiện đại cho trẻ tự kỷ như: Vật lý trị liệu, âm nhạc trị liệu, hồng ngoại trị liệu, xoa bóp bấm huyệt điều trị liệt dây thần kinh VII, ngôn ngữ trị liệu, kích thích phát âm bằng máy, điện trị liệu… Cùng với đó, cơ sở vật chất được đầu tư đồng bộ, đầy đủ, hoàn thiện. Do đó, đơn vị đã đáp ứng được nhu cầu khám, chẩn đoán, can thiệp các rối loạn phát triển trẻ em, nhất là tự kỷ trên địa bàn tỉnh.
Được biết, thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết hiện đại, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng đơn vị trở thành địa chỉ khám chữa bệnh hàng đầu trong khu vực về các rối loạn phát triển trẻ em.
Các trung tâm, cơ sở hỗ trợ, can thiệp trẻ tự kỷ đi vào hoạt động đã góp phần quan trọng trong việc đồng hành, giáo dục, chăm sóc trẻ tự kỷ, giúp các em hòa nhập cộng đồng, từng bước có cuộc sống ổn định. Tuy nhiên, hiện nay, các trung tâm, cơ sở cũng đối mặt với nhiều khó khăn như: Chưa có chế độ đãi ngộ cho giáo viên, nhân viên; nhiều gia đình cố tình không chấp nhận khiếm khuyết, chưa nhận thức đầy đủ, không cần tới sự giúp đỡ từ các nhà chuyên môn; chưa có các chương trình giáo dục cụ thể; cơ sở vật chất hỗ trợ trẻ khuyết tật chưa được đầu tư; giáo viên có trình độ đào tạo về giáo dục đặc biệt để thực hiện hoặc hỗ trợ giáo dục hòa nhập còn hạn chế…
Hy vọng rằng, những khó khăn từ thực tiễn hiện nay sẽ sớm được tháo gỡ để tiếp tục thắp lên hi vọng hòa nhập và một tương lai tươi sáng cho trẻ tự kỷ.
Cao Quỳnh
Liên kết website
Ý kiến ()