Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 25/11/2024 07:04 (GMT +7)
Thay đổi tư duy để sản xuất an toàn
Thứ 2, 06/03/2023 | 08:36:01 [GMT +7] A A
Nhằm xây dựng một nền nông nghiệp sạch, phát triển bền vững, các cấp hội nông dân của Quảng Ninh đang tích cực vận động, hướng dẫn, hỗ trợ hội viên, nông dân toàn tỉnh triển khai những mô hình sản xuất, kinh doanh an toàn, chất lượng.
Từ lâu, ổi Hoành Bồ đã trở thành thương hiệu OCOP nổi tiếng, mang lại thu nhập ổn định cho người dân địa phương. Với mong muốn nâng tầm thương hiệu, ông Vi Văn Tuyên (thôn Đồng Giang, xã Sơn Dương, TP Hạ Long) chủ động đổi mới, áp dụng quy trình trồng, chăm sóc theo hướng VietGAP để tạo đầu ra bền vững cho sản phẩm. Hiện gia đình ông có gần 1ha trồng ổi VietGAP đang cho thu hoạch với sản lượng trên 50 tấn/năm.
Ông Tuyên cho biết: Trồng ổi theo tiêu chuẩn VietGAP, các công đoạn về sử dụng phân bón, nước tưới, hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật phải đảm bảo thực hiện theo đúng quy định để cho ra sản phẩm an toàn, chất lượng. Nhờ đó vườn ổi của gia đình tôi có đầu ra tốt hơn, giá thành cũng cao hơn so với ổi trồng theo phương pháp truyền thống.
Hiện tại xã Sơn Dương (TP Hạ Long) đang có gần 50 hộ dân tham gia mô hình trồng ổi VietGAP với quy mô khoảng 10ha. Sự nhanh nhạy của người dân trong việc sản xuất nông nghiệp sạch, an toàn, đã từng bước khẳng định thương hiệu cho ổi Hoành Bồ và mang lại nguồn thu nhập hàng trăm triệu mỗi năm cho các hộ trồng.
Những cánh đồng, vùng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP hiện đang ngày càng nhân rộng trên địa bàn Quảng Ninh. Đơn cử như tại vùng trồng chè Hải Hà, những năm gần đây các hộ dân đã và đang áp dụng quy trình trồng, chăm sóc, chế biến theo hướng VietGAP, HACCP để sản phẩm chè Đường Hoa mở rộng thị trường ra quốc tế. Hay như vùng trồng vải Phương Nam (TP Uông Bí), vùng trồng lúa hữu cơ, trồng na VietGAP (TX Đông Triều), vùng trồng rau sạch (TX Quảng Yên), vùng trồng quế hữu cơ (huyện Đầm Hà)… cũng ngày càng thu hút sự tham gia chủ động từ phía người dân, với mục tiêu nâng cao giá trị nông sản và phát triển bền vững trong tương lai.
Đồng hành cùng các nông hộ trong quá trình sản xuất nông nghiệp sạch, an toàn, thời gian qua các cấp hội nông dân toàn tỉnh đã và đang đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, hỗ trợ hội viên, nông dân thông qua nhiều giải pháp tích cực. Tiêu biểu như hỗ trợ tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, quy trình chăm sóc; tạo điều kiện về vốn vay; cung cấp cây, con giống chất lượng; xây dựng bao bì sản phẩm; tìm kiếm, kết nối đầu ra nông sản cho hội viên, nông dân...
Mới đây, Hội Nông dân TX Quảng Yên đã phát động phong trào thi đua xây dựng mô hình “Cánh đồng 3 không” (không thuốc diệt cỏ; không sử dụng chất kích thích tăng trưởng trong sản xuất; không rác thải, vỏ thuốc bảo vệ thực vật, túi nilon ra môi trường) tại 19/19 cơ sở hội nông dân trên địa bàn thị xã. Theo lãnh đạo Hội Nông dân thị xã, với phong trào này, các hội viên, nông dân sẽ thực hiện ký cam kết xây dựng “Cánh đồng 3 không”, qua đó, nâng cao nhận thức và dần thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp của bà con nông dân theo hướng an toàn, bảo vệ môi trường, cũng như bảo vệ sức khỏe của chính người dân và người tiêu dùng.
Song song với việc tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân xây dựng các mô hình sản xuất an toàn, các cấp hội cũng chú trọng tập huấn, hướng dẫn nông dân lựa chọn, sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi có trong danh mục được phép sử dụng. Đồng thời, tổ chức các lớp dạy nghề nông nghiệp về chăn nuôi, trồng trọt, thủy sản cho nông dân; vận động thành lập tổ hợp tác, hợp tác xã chuyên ngành sản xuất thực phẩm an toàn.
Ngoài ra, hằng năm, các cấp hội nông dân trong tỉnh còn cử đại diện tham gia đoàn kiểm tra giám sát về an toàn thực phẩm của các hộ nông dân trong chăn nuôi, trồng trọt, bảo quản, chế biến, đảm bảo an toàn nông sản, thực phẩm; vận động nông dân tích cực đấu tranh, phát hiện, tố giác các hành vi vi phạm an toàn thực phẩm, đặc biệt là hành vi sử dụng chất cấm trong sản xuất, chế biến, kinh doanh nông sản, thực phẩm.
Nguyên Ngọc
Liên kết website
Ý kiến ()