Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 09:34 (GMT +7)
Thấy gì từ các nhà lưu niệm, nhà truyền thống hiện nay?
Chủ nhật, 06/10/2024 | 13:18:57 [GMT +7] A A
Một trong những mục tiêu của Nghị quyết số 17-NQ/TU ngày 30/10/2023 của BCH Đảng bộ tỉnh ban hành “Về xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Quảng Ninh trở thành nguồn lực nội sinh, động lực cho phát triển nhanh, bền vững” là khuyến khích phát triển bảo tàng ngoài công lập, các cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương xây dựng và khai thác nhà truyền thống, phòng truyền thống phát triển đúng yêu cầu định hướng chính trị của Đảng.
Xây dựng các mô hình nhà lưu niệm, nhà truyền thống sẽ góp phần xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Quảng Ninh trở thành nguồn lực nội sinh, động lực cho phát triển nhanh, bền vững.
Quảng Ninh đã từng có 2 bảo tàng tư nhân nhưng đều đã ngừng hoạt động. Bảo tàng ngoài công lập là câu chuyện rất khó nhưng các phòng truyền thống với quy mô như bảo tàng thu nhỏ thì hoàn toàn khả dĩ. Trong khi đó, nhu cầu xây dựng phòng truyền thống của các địa phương, đơn vị, doanh nghiệp trong tỉnh là rất cao. Trên địa bàn tỉnh, mỗi công ty than hiện nay đều có nhà truyền thống. Nhà truyền thống Công ty CP Địa chất mỏ - TKV trưng bày hàng trăm mẫu vật về than đá và đất sét. Đây có thể coi là một bảo tàng thu nhỏ, độc đáo ở Vùng mỏ. Nhà truyền thống mỏ than Hà Tu cũng được coi là một bảo tàng thu nhỏ với nhiều tư liệu và hiện vật liên quan đến công nghệ khai thác than của Pháp, lịch sử đấu tranh cách mạng của công nhân mỏ.
Tại Công ty CP Than Đèo Nai - Cọc Sáu, có 2 nhà truyền thống. Nhà truyền thống mỏ Cọc Sáu như một bảo tàng thu nhỏ đang trưng bày nhiều hiện vật tái hiện những ký ức hào hùng về người thợ mỏ. Đặc biệt có nhiều hiện vật quý như: Bút tích thư Bác Hồ gửi công nhân và cán bộ mỏ Cọc Sáu năm 1968, Cờ thưởng luân lưu của Bác Hồ năm 1968, khẩu pháo tự vệ phòng không đã bắn rơi 1 máy bay AD4 của Mỹ vào ngày 7/11/1966; mảnh bom, đạn pháo, xác máy bay của địch thả xuống Vùng mỏ đã được công nhân thu hồi; mìn, đạn 14,5, đạn B41, mìn POM Z2, súng được lực lượng tự vệ Cọc Sáu sử dụng; Cờ thưởng của Trung ương các công đoàn Liên Xô năm 1987, Thư khen của đồng chí Nguyễn Văn Linh, đồng chí Phạm Thế Duyệt; các danh hiệu anh hùng, huân, huy chương, bằng khen các loại, khối than lớn khai thác ở độ sâu -150m vào năm 2005 được trao bằng Xác lập kỷ lục Khối than kíp-lê nguyên khối lớn nhất Việt Nam năm 2015...
Tại mỏ Đèo Nai, công trình nhà lưu niệm Bác Hồ được xây dựng trên khu đất thuộc khu vực bảo vệ II của khu Di tích lịch sử quốc gia “Bác Hồ về thăm Mỏ Đèo Nai, ngày 30/3/1959”. Nhà tưởng niệm Bác Hồ trưng bày các hiện vật về Bác với ngành Than cũng như Mỏ than Đèo Nai và kết hợp đón tiếp các đoàn khách đến tham quan khu di tích.
Có vai trò như một bảo tàng lịch sử, Nhà lưu niệm Chiến khu Đông Triều đang lưu giữ nhiều hiện vật, tư liệu có giá trị lịch sử về Cách mạng Tháng Tám ở Quảng Ninh. Hệ thống hiện vật đa phần là vũ khí của nghĩa quân và lực lượng vũ trang cách mạng đơn sơ. Hiện vật tuy không nhiều nhưng cũng là những bằng chứng sinh động về tinh thần và trí tuệ, sức mạnh của chiến tranh nhân dân; là sản phẩm của ý chí tự lực, tự cường, trí thông minh, óc sáng tạo của quân và dân ta.
Năm 2020, huyện Ba Chẽ đã khánh thành Nhà truyền thống cộng đồng người Dao ở thôn Sơn Hải, xã Nam Sơn. Ngôi nhà có không gian gồm nhiều bức tượng sáp kích thước bằng người thật, miêu tả lễ cấp sắc và sinh hoạt hằng ngày của người Dao, cùng với nhiều vật dụng, dụng cụ của người Dao xưa và nay, rất ý nghĩa trong việc bảo tồn văn hóa Dao. Nhà truyền thống là niềm tự hào của nhiều thế hệ người Dao ở Ba Chẽ - nơi phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc một thời tưởng như bị mai một.
Thực tế cho thấy, hiện nay trên địa bàn TP Hạ Long chưa có nhà truyền thống để phục vụ công tác lưu trữ, trưng bày những kỷ vật của TX Hòn Gai xưa, cũng như những thành tựu phát triển của TP Hạ Long nay. Thành phố từng có chủ trương nghiên cứu xây dựng nhà truyền thống thuộc khu vực quỹ đất Trung tâm Truyền thông và Văn hóa thành phố tại phường Hồng Gai. Nếu công trình này được triển khai thì khi hoàn thành sẽ là một thiết chế văn hóa mang đậm dấu ấn lịch sử và văn hóa của vùng đất Hạ Long.
Bên cạnh chức năng bảo quản, trưng bày phát huy giá trị hiện vật, Bảo tàng Quảng Ninh còn tăng cường nghiên cứu khoa học, hỗ trợ về chuyên môn là địa chỉ đáng tin cậy cho việc xây dựng các nhà truyền thống tại các địa phương. Trước đây, Bảo tàng Quảng Ninh cũng đã hỗ trợ huyện Vân Đồn xây dựng Nhà truyền thống dân tộc Sán Dìu ở xã Bình Dân, hỗ trợ TP Uông Bí xây dựng Nhà trưng bày dân tộc Dao Thanh Y tại xã Thượng Yên Công. Thực tế những nhà truyền thống này đã gắn kết chặt chẽ hơn với hoạt động du lịch văn hóa, tăng cường hợp tác với các công ty lữ hành, đẩy mạnh hơn nữa việc hợp tác trên các lĩnh vực nghiên cứu khoa học, sưu tầm, bảo quản, trưng bày hiện vật, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa.
Huỳnh Đăng
Liên kết website
Ý kiến ()