Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 18:47 (GMT +7)
Thấy gì từ doanh nghiệp Việt Nam?
Chủ nhật, 17/12/2006 | 08:11:37 [GMT +7] A A
Chúng ta có thể rất tự hào về sự lớn mạnh về nhiều mặt của doanh nghiệp Việt Nam. Trước đổi mới, cả nước chỉ có hơn chục nghìn doanh nghiệp nhà nước và cũng chỉ có khoảng hơn chục nghìn hợp tác xã, không có doanh nghiệp tư nhân, hộ cá thể cũng rất ít.
Mặc dù cũng có thể được coi là "doanh nghiệp", bởi cũng có lao động, tiền lương, vốn, lãi, lỗ, có giám đốc, có kế toán trưởng…; nhưng về thực chất, thì đó chỉ là các đội/phân xưởng, giám đốc/chủ nhiệm chỉ là quản đốc/đội trưởng dưới sự điều hành tập trung bao cấp của ông giám đốc "duy ý chí" là nhà nước: Lao động do nhà nước tuyển, tiền lương do nhà nước cấp, lãi nhà nước thu, lỗ nhà nước chịu, việc mua nguyên nhiên vật liệu và bán sản phẩm đều theo sự chỉ định theo kiểu "mua như cướp, bán như cho". Chẳng thế mà bước vào đổi mới, có hàng nghìn "doanh nghiệp" chết không có chỗ chôn, hàng chục nghìn hợp tác xã chỉ còn là cái "vỏ" còn ruột là kinh tế hộ tự chủ. Chỉ sau vài chục năm chuyển đổi sang sản xuất hàng hóa hoạt động theo cơ chế thị trường, đặc biệt từ sau khi có Luật công ty, rồi Luật Doanh nghiệp, số lượng doanh nghiệp nhà nước giảm mạnh, hàng loạt doanh nghiệp ngoài nhà nước ra đời cùng với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Đến đầu năm 2006, bên cạnh hơn 3 triệu cơ sở kinh doanh cá thể và hơn chục triệu hộ nông nghiệp tự chủ, cả nước đã có 113,4 nghìn doanh nghiệp (chia theo nhóm ngành nông, lâm nghiệp - thủy sản chiếm 2,1%, công nghiệp - xây dựng chiếm 36%, dịch vụ chiếm 55,9%; chia theo loại hình kinh tế thì doanh nghiệp nhà nước còn gần 4,1 nghìn, doanh nghiệp ngoài nhà nước có 105,6 nghìn, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài gần 3,7 nghìn). Khối doanh nghiệp đã đóng góp 53% GDp, 55% vốn đầu tư, tạo việc làm mới 541 nghìn người/ năm… Có hai điều quan trọng, một là nếu trước đây nhà nước phải đi vay để nuôi doanh nghiệp thì nay quy trình đã đảo lại: doanh nghiệp đã nuôi nhà nước; hai là doanh nghiệp, doanh nhân đã trở thành hạt nhân cơ bản, là đội quân xung kích trong cơ chế thị trường ở trong nước cũng như khi mở cửa hội nhập với thế giới.
Tuy nhiên, từ kết quả điều tra doanh nghiệp của Tổng cục Thống kê, có thể rút ra một số nhận xét đáng lưu ý. Số lượng doanh nghiệp vẫn còn ít, bình quân trên 700 người dân mới có một doanh nghiệp; mục tiêu 500 nghìn doanh nghiệp vào năm 2010 sẽ trở thành xa vời, nếu các cản trở cho việc ra đời và phát triển của doanh nghiệp không được quyết liệt dỡ bỏ. Hiện có hàng trăm nghìn trang trại trong nông nghiệp, hàng trăm nghìn cơ sở kinh tế cá thể nhưng có quy mô khá về lao động, vốn, nhưng lại không muốn hoặc "ngại" lên doanh nghiệp. Doanh nghiệp hiện gặp nhiều khó khăn thách thức ngoài tầm tay của mình bởi còn nhiều giấy phép con, thời gian gia nhập thị trường còn dài, giá đất và tiền thuê mặt bằng chiếm quá lớn trong doanh thu, mặt bằng lãi suất vay vốn vào loại rất cao, còn cao hơn cả tỷ suất lợi nhuận trên vốn, doanh nghiệp còn mất nhiều chi phí giao dịch không chính thức... Quy mô doanh nghiệp vẫn rất nhỏ và siêu nhỏ (96,8% doanh nghiệp vừa và nhỏ, trong đó dưới 10 lao động chiếm 53,1%). Trình độ kỹ thuật - công nghệ thấp (số doanh nghiệp có giá trị tài sản cố định dưới 5 tỉ đồng chiếm 86%, mức trang bị tài sản cố định bình quân 1 lao động chỉ có 153 triệu đồng, trong đó của doanh nghiệp ngoài quốc doanh chỉ có 66 triệu đồng). Hiệu quả hoạt động thấp (tỷ suất lợi nhuận trên vốn bình quân năm chỉ đạt 4,42%, số doanh nghiệp bị lỗ chiếm 27,4%). Doanh nghiệp nhà nước chiếm 54,1% nguồn vốn, 51,1% tài sản cố định, nhưng chỉ chiếm 41,2% lợi nhuận và 40,8% nộp ngân sách; doanh nghiệp ngoài quốc doanh chiếm 26,3% nguồn vốn nhưng chỉ chiếm 8,8% lợi nhuận, 18,9% nộp ngân sách.
Cần tạo điều kiện cho doanh nghiệp tăng mạnh hơn nữa về số lượng và quan trọng hơn là nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh, nhất là tới đây phải đứng trước sự cạnh tranh khốc liệt hơn khi mở cửa hội nhập sâu, rộng hơn.
Liên kết website
Ý kiến ()