Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 21:28 (GMT +7)
Thấy gì từ kết quả thăm dò khảo cổ học tại Quảng Yên?
Chủ nhật, 18/07/2021 | 13:58:27 [GMT +7] A A
Từ cuối tháng 4/2021, Bảo tàng tỉnh Quảng Ninh phối hợp với Trường Đại học Khoa học xã hội & Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) tiến hành các cuộc thăm dò khảo cổ tại những vị trí sẽ thi công tuyến đường ven sông kết nối từ cao tốc Hạ Long - Hải Phòng đến TX Đông Triều đi qua khu vực khoanh vùng bảo vệ di tích Bạch Đằng.
Các nhà khoa học đã tiến hành mở 5 hố thăm dò với tổng diện tích 243m2 tại khu vực Bãi cọc Yên Giang, đồng Vạn Muối, đồng Má Ngựa. Việc lựa chọn vị trí mở hố thăm dò dựa trên các tiêu chí hố nằm trong khu vực khoanh vùng bảo vệ di tích, đồng thời nằm trên vị trí tuyến đường ven sông sẽ đi qua.
Cụ thể, hố thăm dò tại khu vực Yên Giang có diện tích 100m2, nằm cách bãi cọc Yên Giang 110m về phía Đông. Khi làm đường ven sông, vị trí này dự kiến sẽ là mố cầu bắc qua sông Chanh. Trong quá trình khai quật, các di vật xuất lộ rải rác cả trên bề mặt và trong các lớp đất đào, trong đó có các đồ gia dụng như mảnh nắp, mảnh nồi, vò, sành niên đại khoảng thế kỷ XIII-XV. Tại hố thăm dò này chưa xuất lộ di tích bãi cọc.
Với khu vực đồng Vạn Muối, 3 hố thăm dò đã được mở dựa trên kết quả địa từ trường do Viện Khảo cổ học - Đại học Quốc gia Australia phối hợp với các chuyên gia khảo cổ Việt Nam thực hiện từ năm 2009-2010. Trong đó, hố thăm dò 1 ở đồng Vạn Muối có diện tích 25m2, cách bãi cọc đồng Vạn Muối 500m về phía Đông Bắc. Tại đây chưa phát hiện di tích hay di vật nào nhưng có thể xác định khu vực này trước đây là bãi bồi ven biển.
Hố thăm dò 2 ở đồng Vạn Muối có diện tích 12m2, cách hố thứ nhất khoảng 34m về phía Bắc. Hố nằm trên đượng cao gần dòng chảy sông Kênh. Di vật thu được tại đây chủ yếu gồm: Gốm thô, gốm men, sành và 2 hiện vật thời thuộc Pháp gồm tiền đồng, lọ gốm có chữ tiếng Pháp.
Đáng chú ý, gần giữa hố xuất lộ một cọc gỗ có đường kính 7cm, dài 42cm, cắm xiên 45 độ. Kết hợp với các tư liệu về cọc gỗ đã được phát hiện trước đây ở đồng Vạn Muối, các nhà khoa học thấy có nhiều điểm tương đồng về đường kính, độ dài của cọc, tuy nhiên cần có thêm những nghiên cứu chuyên sâu để kết luận chính xác.
Hố thăm dò 3 tại đồng Vạn Muối được mở với diện tích 56m2, trong dòng sông Kênh. Tại đây, tìm thấy các mảnh di vật đồ sành, đồ gốm men và các cụm gỗ, mảnh gỗ trôi nổi, có dấu vết gỗ cháy. Tuy nhiên, chưa thể kết luận dấu vết gỗ cháy có liên quan đến các thuyền chiến bị cháy trong trận Bạch Đằng hay không.
Khu vực đồng Má Ngựa hố thăm dò có diện tích 50m2, cách bãi cọc đồng Má Ngựa hơn 200m. Di vật ở đây có 1 đĩa tráng men màu xanh lam và chưa phát hiện dấu vết cọc gỗ.
Nhận định về kết quả khai quật khảo cổ, Tiến sĩ Nguyễn Văn Anh, giảng viên Khoa Lịch sử, Trường Đại học KHXH&NV (Đại học Quốc gia Hà Nội) - người trực tiếp thực hiện các cuộc thăm dò khảo cổ lần này, cho biết: Trong 5 hố thăm dò thì 3 hố có hiện vật từ thời Trần (thế kỷ XIII-XIV) đến thời Lê Trung Hưng (thế kỷ XVII-XVIII). Về cơ bản, chúng tôi đánh giá các vị trí mà tuyến đường ven sông sẽ đi qua không xâm phạm vào vùng lõi của di tích. Tuy nhiên, do phạm vi thăm dò chiếm chưa đến 1% so với tổng diện tích khu vực khoanh vùng mà tuyến đường chạy qua nên vẫn phải tiếp tục giám sát khảo cổ học trong quá trình thi công. Đặc biệt, cần chú ý đến những vị trí được dự báo là có dấu vết vật chất như cọc, thuyền mà tuyến đường chạy qua nhưng không nằm trong khu vực bảo vệ di tích nên chưa thuộc phạm vi khảo sát thăm dò lần này.
Tiến sĩ Lê Thị Liên (Hội Khảo cổ học Việt Nam) cũng đánh giá cao việc Quảng Ninh chọn hướng của tuyến đường dựa trên những kết quả khảo sát trước đó của các nhà khảo cổ để tránh việc xâm hại di tích. Đồng thời quá trình khảo cổ cũng đi trước một bước so với quá trình thi công. Điều này đã thể hiện trách nhiệm của tỉnh đối với việc phát triển kinh tế - xã hội nhưng vẫn song hành với bảo tồn di tích.
Đợt khảo cổ lần này cũng củng cố thêm những nghiên cứu trước đó của các nhà khoa học khi kết quả khảo cổ khá tương đồng với những dự báo bằng công nghệ địa từ trường trước đó. Từ kết quả này, cũng cho thấy cần cho phép điều tra tổng thể dọc tuyến đường đi qua nhằm đánh giá trữ lượng di tích và những tác động có thể khi xây dựng đường để có phương án di dời hoặc bảo tồn di tích cho phù hợp.
Xuân Hòa
Liên kết website
Ý kiến ()