Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 16:47 (GMT +7)
Thế giới sẽ biến dạng nếu nhiệt độ tăng thêm 1,5 độ C
Chủ nhật, 11/09/2022 | 07:45:57 [GMT +7] A A
Nghiên cứu vừa đăng trên tạp chí Science cho biết nếu nhiệt độ trung bình tăng thêm 1,5 độ C thì sẽ dẫn đến những tình huống không thể đảo ngược được và gây ra tác động vô cùng khủng khiếp cho hành tinh chúng ta.
Theo nghiên cứu của nhóm nhà khoa học ở Đại học Exeter (Anh) do giáo sư Tim Lenton dẫn dắt, một khi nhiệt độ toàn cầu tăng thêm 1,5 độ C thì chúng ta sẽ gặp phải những tình huống không thể đảo ngược được và nó sẽ "làm thay đổi bộ mặt của thế giới", nhiều khu vực sẽ bị biến dạng về khung cảnh và địa hình.
Theo đó, các hệ lụy sẽ xảy ra thảm khốc đối với hành tinh và đương nhiên là tới cuộc sống của loài người. Nghiên cứu đăng tải trên tạp chí Science ngày 8-9 cho biết mực nước biển sẽ dâng lên đến 10m.
Trong khi đó kết quả nghiên cứu của Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) và Văn phòng Khí tượng Vương quốc Anh (Met Office) công bố ngày 9-5-2022 cho biết trong 5 năm tới, nhiệt độ toàn cầu có thể tăng 1,5 độ C do mức độ phát thải khí nhà kính cao kỷ lục.
WMO và Met Office cảnh báo từ nay đến năm 2026, có 48% khả năng nhiệt độ hằng năm của Trái đất sẽ tăng vượt mức 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.
Trên Science, giáo sư Tim Lenton khẳng định chỉ còn mỗi cách là loài người phải giảm thiểu phát thải gây hiệu ứng nhà kính càng nhiều và càng nhanh càng tốt.
Mới đây, một nghiên cứu mới tiết lộ một khả năng rất có thể xảy ra khi mực nước biển dâng cao và gây ngập lụt các thành phố ven biển.
Nghiên cứu đầu tiên được công bố trên tạp chí Nature Geoscience, với chủ đề liên quan đến sông băng Thwaites, một kỳ quan thiên nhiên của miền tây Nam Cực có kích thước gần bằng bang Florida của Mỹ.
Sông băng rộng nhất thế giới này còn được gọi là "Sông băng của ngày tận thế", bởi vì nếu nó tan chảy, mực nước biển toàn cầu tăng cao, sẽ khiến hàng triệu người phải rời bỏ nhà cửa.
Các nhà nghiên cứu đã xác định sông băng Thwaites đang tan chảy ở mức nguy hiểm và nghiên cứu mới cho thấy mức độ nghiêm trọng của vấn đề.
Các nhà khoa học đã tiến hành nghiên cứu đáy biển để xác định các chuyển động của sông băng Thwaites trong thế kỷ trước. Họ xác định được diện tích của sông băng đã thu hẹp khoảng 2km mỗi năm trong thời kỳ đó.
Mức đó là gấp đôi tốc độ tan chảy lại của hiện tại, có nghĩa là mặc dù tốc độ tan chảy hiện tại không quá nhanh, nhưng tảng băng thực sự có khả năng sẽ tan chảy đến mức bản thân sông băng Thwaites sẽ sụp đổ.
Nếu tất cả băng tồn tại ở thượng nguồn lưu vực thoát nước của sông băng Thwaites tan chảy, mực nước biển toàn cầu sẽ tăng hơn 3m.
Nghiên cứu thứ hai được công bố trên tạp chí Nature Climate Change, do tiến sĩ Jason Box - nhà băng học tại Cơ quan Khảo sát địa chất Đan Mạch và Greenland - thực hiện. Nghiên cứu phát hiện ra rằng tảng băng tan nhanh chóng của Greenland sẽ làm mực nước biển toàn cầu tăng lên ít nhất 27cm. Tốc độ này nhanh hơn gấp đôi so với những gì các chuyên gia nghĩ trước đây.
Như đồng tác giả nghiên cứu, tiến sĩ William Colgan giải thích với Hãng tin AP: "Đó là một tảng băng chết. Nó chắc chắn sẽ tan chảy và biến mất khỏi tảng băng. Không gì có thể thay đổi sự thật đó, bất kể chúng ta có cố gắng bảo vệ môi trường tới mức nào đi nữa".
Tiến sĩ William Sweet - nhà khoa học tại Cục Quản lý khí quyển và đại dương quốc gia (NOAA) của Mỹ - đã có một báo cáo kỹ thuật mực nước biển dâng. Báo cáo được công bố vào tháng 2 năm nay dường như củng cố thêm những lo ngại được đưa ra bởi hai nghiên cứu gần đây.
Báo cáo của William Sweet dự đoán mực nước biển dọc theo đường bờ biển của Mỹ sẽ tăng từ 25 đến 30cm trong vòng 30 năm tới. Dọc theo bờ biển phía đông, mức tăng dự kiến là từ 20 đến 35cm; đối với bờ biển phía tây, nó được dự kiến là từ 10 đến 20cm; và đối với bờ biển vùng vịnh, con số lên đến từ 35 đến 45cm.
Không cần phải nói, các đô thị lớn từ San Francisco cho đến New York đều có thể bị ngập lụt nghiêm trọng.
Theo Tuổi trẻ
Liên kết website
Ý kiến ()