Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 09:32 (GMT +7)
Thể thao trong đời sống đồng bào các dân tộc
Chủ nhật, 25/09/2022 | 08:27:15 [GMT +7] A A
Ở miền Đông Quảng Ninh, bà con rất thích thể thao. Ngoài việc rèn luyện sức khỏe, nó còn là những hoạt động được gắn với việc bảo tồn văn hóa dân tộc.
Những dịp lễ hội văn hóa, thể thao của bà con dân tộc ở các xã thuộc các huyện miền Đông, người ta thấy bà con chơi nhiều môn thể thao như bắn nỏ, đánh quay, chơi cầu trinh, đẩy gậy, đá bóng... mang nét riêng các bản sắc văn hóa dân tộc mình.
Chuyện đi săn thú của người dân từ xa xưa một thời nay không còn, nhưng vẫn còn đó môn thể thao bắn nỏ. Cây nỏ gắn liền với cuộc sống đời thường của đồng bào, nay được duy trì để luyện tập sự khéo léo, chính xác và sức mạnh cánh tay. Môn thể thao này không chỉ của cánh mày râu mà cả chị em cũng tham gia nhiệt tình. Cây nỏ vẫn được nhiều gia đình treo trong nhà giống như vật trang trí.
Nổi tiếng nhất môn thể thao miền Đông phải kể đến môn đá bóng nữ. Đa phần những phụ nữ đá bóng giỏi ở các xã vùng cao thì họ làm kinh tế cũng giỏi, vì tính họ mạnh mẽ dám nghĩ, dám quyết. Ngày thường họ cũng lên rừng thu hoạch keo, vác gỗ, khi làm ruộng họ cũng vác cày ra ruộng cày như đàn ông. Nơi có nhiều chị em đá bóng là xã Húc Động (huyện Bình Liêu), xã có 9 thôn thì có tới 6 đội bóng nữ. Chị em đá bóng trên sân nhưng vẫn mặc nguyên váy áo dân tộc mình, vừa bảo tồn được văn hóa dân tộc mình về trang phục, lại thu hút đông người xem hơn, thậm chí còn thu hút khách du lịch. Từ bóng đá của chị em phụ nữ Sán Chỉ huyện Bình Liêu đã lan rộng sang chị em phụ nữ Dao ở Móng Cái, Tiên Yên...
Môn đánh quay, một thời từng là môn chơi độc quyền của giới mày râu. Con quay là cả thân cây gỗ đường kính hơn 10cm được cắt ngang, thường là gỗ cứng như gỗ dẻ, gỗ gụ. Người chơi quấn dây dưới chân con quay rồi giơ lên cao quật mạnh xuống dưới nền sân, vừa mạnh mẽ nhưng cũng phải khéo léo để con quay quay đều. Người chơi tiếp theo phải tìm cách chọi trúng vào con quay của đối thủ đánh trước để khiến nó ngừng quay. Quay to và nặng, ngay cả đàn ông có sức khỏe tốt nếu không chơi quen thì chơi cũng còn khó. Vậy mà môn chơi này ngày nay ở Bình Liêu lại được nhiều chị em phụ nữ thể hiện vào các dịp lễ hội. Ở các xã vùng cao như Đồng Tâm, Lục Hồn, hầu như ở thôn bản nào cũng có đội đánh quay nữ. Chị em đánh quay cũng mặc nguyên quần áo dân tộc mình để chơi nom rất ấn tượng.
Môn kéo co cũng được người dân rất thích chơi trong các lễ hội, qua đó thể hiện tình đoàn kết làng bản rất cao. Người dân tộc thiểu số miền Đông thường sống thành từng cụm dân cư giống như quần thể không thể tách rời. Nếu ai đó đến Đại Dực (huyện Tiên Yên), thì rất dễ nhận thấy trên những quả đồi, nhiều ngôi nhà liền kề sát vách nhau. Đó là ngôi nhà lớn, có khi đến 4 thế hệ người Sán Chỉ cùng sống. Trong các ngôi nhà, tiếng nói của người cao tuổi rất được tôn trọng. Một thời khó khăn ở xã Đại Dực, bà con trong xã tự giúp nhau làm nhà, công việc được phân công rõ ràng, người biết xây, người làm mộc hay những người không biết kỹ thuật thì làm các việc khuân, bê, bưng, vác hoặc thổi cơm phục vụ. Cứ nhà nọ đến giúp nhà kia để ai trong xã đều làm được nhà mà không cần phải thuê thợ từ nơi khác đến mất nhiều tiền công. Ngay cả những ngày mùa bận rộn, bà con lại đến giúp nhau cày ruộng, cấy lúa, gặt hái. Phần lớn các thửa ruộng ở Đại Dực đều là ruộng bậc thang, nên việc bà con đổi công cho nhau thật hiệu quả. Do vậy bà con rất thích chơi môn kéo co nó thể hiện tính đoàn kết cộng đồng cao.
Tuy trong các lễ hội văn hóa, thể thao của bà con dân tộc thiểu số không có môn đi bộ, nhưng thực sự người dân vùng cao rất thích đi bộ. Họ đi bộ suốt ngày lên rừng ra ruộng, nhiều khi đoạn đường ra rừng ruộng dài đến vài km người ta cũng vẫn đi bộ chứ không đi xe máy, hay nhờ người khác chở đi. Ngay cả chuyện yêu đương tìm hiểu lẫn nhau cũng gắn với đi bộ. Ở miền Đông có ngọn đồi Tình trải dài các xã Đại Dực (Tiên Yên) và xã Húc Động (Bình Liêu) bà con thường cuốc bộ lên đó vui chơi ca hát, tạo thành nét văn hóa rất riêng ở miền Đông.
Công Thành
Liên kết website
Ý kiến ()