Đây là quyết định của Thanh tra Bộ Công Thương, sau quá trình thanh tra tại các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu từ hồi đầu năm. Lý do tước giấy phép được cơ quan này đưa ra là vi phạm quy định, không đáp ứng điều kiện về hệ thống phân phối.
5 doanh nghiệp bị phạt hành chính và tạm tước giấy phép kinh doanh xuất, nhập khẩu, gồm: Công ty cổ phần Thương mại dầu khí Đồng Tháp, Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu xăng dầu Tín Nghĩa, Công ty TNHH MTV Dầu khí TP HCM (Saigon Petro), Công ty TNHH Xăng dầu Hùng Hậu, Công ty cổ phần Dầu khí Đông Phương.
Các doanh nghiệp này bị tạm tước giấy phép trong một tháng, từ ngày 31/8. Tuy nhiên, đến cuối giờ chiều 5/9, thông tin này hiện chưa được Bộ Công Thương cập nhật trên cổng thông tin minh bạch kinh doanh xăng dầu.
Trước đó, 7 doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu cũng bị phạt hành chính và tạm tước giấy phép kinh doanh 1-1,5 tháng. Hiện có 5 doanh nghiệp đã được nhà chức trách trả giấy phép sau khi hết thời hạn xử phạt, 2 doanh nghiệp khác tới ngày 14/9 sẽ được hoàn trả giấy phép.
Công ty TNHH MTV Dầu khí TP HCM (Saigon Petro), một trong 5 doanh nghiệp bị tạm tước giấy phép lần này, vừa gửi văn bản tới Thủ tướng, Bộ Công Thương và cho rằng việc này sẽ gây ra hàng loạt hậu quả. Cụ thể, hệ thống phân phối của Saigon Petro sẽ bị mất nguồn cung trên 50.000 m3 một tháng và hơn 1.000 cửa hàng bán lẻ xăng dầu thuộc hệ thống phân phối có thể phải đóng cửa.
"Việc này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới nguồn cung thị trường, gây hậu quả tiêu cực tới hoạt động kinh tế xã hội khu vực mà hệ thống này cung cấp", văn bản của Saigon Petro nêu.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp đầu mối cũng sẽ đối diện việc bị phạt hợp đồng với Công ty Lọc hoá dầu Bình Sơn (BSR) và Chi nhánh phân phối sản phẩm lọc dầu Nghi Sơn (PVB) trong tháng 9, với khối lượng hợp đồng khoảng 40.000 m3 xăng dầu. Chưa kể, hợp đồng đã ký với đối tác nước ngoài giao hàng trong tháng 9 cũng bị phạt.
Hàng đã và đang trên đường về cảng Cát Lái của doanh nghiệp này sẽ bị phạt tàu do không thể mở tờ khai nhập hàng, thông quan hàng hoá...
Do đó, Saigon Petro kiến nghị cấp dừng quyết định tước giấy phép nhằm tránh ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, nguồn cung cho thị trường xăng dầu trong nước.
Thị trường xăng dầu trong nước từ sau kỳ điều hành ngày 22/8 đến nay có nhiều xáo trộn, khi nguồn cung hàng khan hiếm cục bộ, loạt cây xăng treo biển hết hàng, đóng cửa. Đại diện các cửa hàng lý giải là doanh nghiệp đầu mối không cấp hàng hoặc cấp số lượng ít; chiết khấu 0 đồng trên mỗi lít xăng dầu khiến họ thua lỗ.
Trước tình trạng này, Bộ Công Thương đã lập 3 đoàn công tác do 3 thứ trưởng phụ trách, kiểm tra tình hình xăng dầu tại các địa phương.
Hôm nay, giá xăng bán lẻ trong nước hạ nhiệt, nhưng dầu lại tăng giá mạnh. Theo đó, hiện mỗi lít xăng RON 95-III giảm về 24.230 đồng và E5 RON 92 là 23.350 đồng. Dầu diesel tăng 1.430 đồng một lít, lên mức 25.180 đồng. Mỗi lít dầu hoả cũng đắt thêm 1.390 đồng, tăng lên 25.440 đồng.
Với ngưỡng giá hiện tại thì lần đầu, giá bán lẻ dầu (diesel, dầu hoả) đã vượt giá xăng các loại.
Ý kiến ()