Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 25/12/2024 20:39 (GMT +7)
Thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính
Thứ 5, 28/12/2023 | 13:23:06 [GMT +7] A A
Thời gian qua, công tác xử lý vi phạm hành chính trên địa bàn tỉnh luôn được các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo thực hiện bằng nhiều giải pháp đồng bộ và đạt kết quả tích cực, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, ổn định an ninh trật tự, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.
Để công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trên địa bàn thực hiện đảm bảo đúng nguyên tắc “kịp thời”, “nhanh chóng”, “đúng quy định pháp luật” theo quy định, tỉnh chỉ đạo Sở Tư pháp ban hành văn bản hướng dẫn các sở, ngành và địa phương, người có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính trên địa bàn tỉnh trong việc xác định thẩm quyền và thủ tục chuyển biên bản vi phạm hành chính/chuyển hồ sơ vụ việc vi phạm hành chính, nhất là các vụ việc thuộc thẩm quyền của Chủ tịch UBND tỉnh. Sở Tư pháp và các sở, ngành rà soát các hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính có nội dung phức tạp thuộc thẩm quyền của Chủ tịch UBND tỉnh để đảm bảo việc xử lý vi phạm hành chính chặt chẽ, đúng quy định pháp luật.
Công tác xây dựng và hoàn thiện pháp luật về xử lý vi phạm hành chính luôn được tỉnh quan tâm, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thường xuyên rà soát, phản ánh, kiến nghị những khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thi hành các văn bản pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật.
Việc kiểm tra thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính cũng được quan tâm thực hiện. Năm 2023, Thanh tra các sở đã thành lập 535 đoàn thanh tra, kiểm tra chuyên ngành và thực hiện hoạt động thanh tra, kiểm tra thường xuyên trên các lĩnh vực như bảo vệ môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm, kinh doanh dược phẩm, xây dựng nhà ở, công trình, an toàn bức xạ, chất thải y tế, kinh doanh dịch vụ du lịch, giao thông vận tải, an toàn lao động…
UBND cấp huyện đã ban hành kế hoạch kiểm tra công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính đối với UBND các xã, phường, thị trấn thuộc phạm vi quản lý. Qua đó đã kịp thời phát hiện, chấn chỉnh các sai sót, đồng thời hướng dẫn, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, góp phần nâng cao chất lượng công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.
Năm 2023, trên địa bàn toàn tỉnh có 107.465 vụ vi phạm bị xử phạt vi phạm hành chính, trong đó UBND các cấp xử lý 7.557 vụ, các cơ quan ngành dọc đóng trên địa bàn xử lý 99.908 vụ vi phạm; giảm 38.020 vụ so với năm 2022. Tổng tiền phạt thu được trên 298,7 tỷ đồng. Tổng tiền thu được từ bán, thanh lý tang vật, phương tiện bị tịch thu hơn 11,8 tỷ đồng.
Bằng các giải pháp đồng bộ, công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trên địa bàn tỉnh đã đạt được kết quả tích cực. Cơ bản các vụ việc vi phạm hành chính được phát hiện và xử lý kịp thời; trình tự, thủ tục xử phạt thực hiện đảm bảo theo quy định, đúng đối tượng, đúng hành vi vi phạm, đáp ứng yêu cầu quản lý Nhà nước trên các lĩnh vực, góp phần bảo đảm an ninh, TTATXH trên địa bàn tỉnh.
Mặc dù vậy, theo đánh giá của tỉnh, mặc dù đạt nhiều kết quả tích cực, công tác xử lý vi phạm hành chính vẫn còn một số hạn chế như: Một số quyết định xử phạt vi phạm hành chính không thể hiện rõ mức phạt với từng hành vi; viện dẫn điều, khoản, điểm văn bản pháp luật để xử phạt chưa phù hợp; hình thức quyết định xử phạt vi phạm hành chính không đúng biểu mẫu…
Ngoài ra, trong quá trình thi hành còn nhiều khó khăn, tồn tại xuất phát từ các quy định của Luật, các văn bản quy định chi tiết thi hành. Đơn cử, Điều 81 của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2020) về thủ tục tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, quy định: “Khi tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 26 của Luật này, người có thẩm quyền xử phạt phải lập biên bản”. Trên thực tế, việc tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính chỉ áp dụng được đối với các vụ việc thuộc thẩm quyền của người có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính thuộc cơ quan phát hiện, bắt giữ, xử lý ban đầu. Đối với các vụ việc thuộc thẩm quyền của Chủ tịch UBND cấp tỉnh, cấp huyện gặp nhiều khó khăn.
Hay quy định tại khoản 5 Điều 58 Luật này, thời hạn chuyển giao tài liệu, biên bản từ người lập biên bản đến người có thẩm quyền xử phạt cũng gây vướng mắc. Bởi, theo quy định trên thì thời gian 24 giờ là thời hạn liên tục, thực tế, có những trường hợp phát sinh vụ việc vào ban đêm, vào ngày nghỉ, ngày lễ, tại vùng sâu, vùng xa, ngoài đảo thì việc bàn giao biên bản và tài liệu cho người có thẩm quyền xử phạt đảm bảo thời hạn 24 giờ là rất khó khăn; mặt khác, nhiều vụ việc phức tạp cần phải có thời gian xác minh làm rõ hành vi vi phạm để xác định đúng thẩm quyền và chuyển hồ sơ cho người có thẩm quyền ban hành quyết định xử phạt trong thời gian quy định... Một số nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chuyên ngành chưa bao quát được hết các tình hình phát sinh trong thực tiễn, thường xuyên được sửa đổi, bổ sung trong thời gian ngắn, gây khó khăn cho việc tra cứu, áp dụng.
Từ thực tiễn thực hiện, để tháo gỡ những “nút thắt” này, cần sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của các cấp, ngành có thẩm quyền.
Thanh Hoa
Liên kết website
Ý kiến ()