Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 18:47 (GMT +7)
Thi thạc sĩ phải có chứng chỉ ngoại ngữ Bậc 3?
Thứ 6, 31/12/2021 | 08:49:31 [GMT +7] A A
Cơ sở đào tạo có thể yêu cầu ứng viên chứng minh năng lực ngoại ngữ đầu vào là văn bằng, chứng chỉ ngoại ngữ của ứng viên; hoặc cơ sở đào tạo tổ chức thi đánh giá năng lực ngoại ngữ đầu vào theo quy chế của cơ sở đào tạo.
Vừa qua bà Nguyễn Thị Hoàng Yến (Hà Nội) tham gia kỳ thi tuyển lớp cao học của Đại học Y Hà Nội. Dù bà đã đủ điều kiện xét tuyển của Trường, nhưng kết quả cuối cùng vẫn đang bị bỏ ngỏ vì theo Thông tư số 23/2021/TT-BGDĐT ngày 30/8/2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về ban hành Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ thạc sĩ, có hiệu lực từ ngày 15/10/2021 thì người thi phải có chứng chỉ ngoại ngữ đạt trình độ tương đương Bậc 3 trở lên theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc của Việt Nam.
Do ngày bắt đầu kỳ thi tuyển trước ngày Thông tư có hiệu lực, nên tất cả quy chế thi của Trường vẫn theo quy định cũ, bà Yến và các thí sinh tham gia kỳ thi tiếng Anh tại Trường mà không cần có chứng chỉ tiếng Anh từ trước.
Theo bà Yến, việc áp dụng chuẩn đầu vào thạc sĩ theo Thông tư mới là hợp lý. Tuy nhiên, sẽ là bất hợp lý nếu được áp dụng không đúng thời điểm. Kể từ ngày ban hành Thông tư cho đến khi có hiệu lực là 45 ngày. Vậy 45 ngày để hàng ngàn thí sinh như bà Yến tham gia các kỳ thi chứng chỉ tiếng Anh thì có hợp lý không, nhất là trong mùa dịch.
Trong giai đoạn dịch bệnh căng thẳng, Bộ Y tế đã có công văn chỉ đạo các bác sĩ tạm dừng mọi hoạt động học tập, nghiên cứu để phục vụ cho công tác chống dịch. Hàng ngàn bác sĩ đã lên đường chống dịch, rất nhiều trong số đó đã kịp trở về từ miền Nam trước ngày đi thi. Vậy nếu chỉ vì chưa có chứng chỉ tiếng Anh Bậc 3/6 mà lý do chủ yếu lại là vì quy định đưa ra quá gấp, gần như không có cơ hội để chuẩn bị mà các bác sĩ mất đi cơ hội được học tập thì có công bằng hay không?
Qua Cổng TTĐT Chính phủ, bà Yến đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét, tháo gỡ vướng mắc này.
Bộ Giáo dục và Đào tạo trả lời vấn đề này như sau:
Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ thạc sĩ ban hành kèm theo Thông tư số 23/2021/TT-BGDĐT ngày 30/8/2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo (Quy chế 23) thực hiện theo tinh thần nâng cao quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình của các cơ sở giáo dục đại học theo Luật Giáo dục đại học hiện hành.
Quy chế 23 hướng đến sự bình đẳng, công bằng và chuẩn mực chung trong hệ thống. Quy chế chỉ đưa ra các quy định khung để quản lý chất lượng và giao cơ sở đào tạo quy định cụ thể hơn với các yêu cầu bằng hoặc cao hơn các quy định tại Quy chế (Điều 17 Quy chế 23).
Về việc bảo đảm năng lực ngoại ngữ đầu vào theo Điểm b Khoản 1 Điều 5, cơ sở đào tạo có quyền chủ động trong việc yêu cầu ứng viên dự tuyển về năng lực ngoại ngữ đầu vào tại Quy chế của cơ sở đào tạo (Khoản 5 Điều 6).
Theo Quy chế 23, yêu cầu ngoại ngữ đầu vào là từ Bậc 3 trở lên theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam. Cơ sở đào tạo có thể yêu cầu ứng viên chứng minh năng lực ngoại ngữ đầu vào là văn bằng, chứng chỉ ngoại ngữ của ứng viên theo Điểm a, b và c Khoản 3 Điều 5; hoặc cơ sở đào tạo tổ chức thi đánh giá năng lực ngoại ngữ đầu vào theo quy chế của cơ sở đào tạo (Điểm b Khoản 5 Điều 6).
Cơ sở đào tạo và người học lưu ý: Quy chế 23 quy định yêu cầu ngoại ngữ để công nhận tốt nghiệp và cấp bằng (chuẩn ngoại ngữ đầu ra) phải là văn bằng hoặc chứng chỉ để minh chứng về trình độ ngoại ngữ đạt từ Bậc 4 trở lên theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam. Quy chế không cho cơ sở đào tạo tự đánh giá năng lực ngoại ngữ đầu ra mà phải sử dụng văn bằng hoặc chứng chỉ tối thiểu như quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 12.
Trên đây là trả lời của Bộ Giáo dục và Đào tạo về câu hỏi của bà Nguyễn Thị Hoàng Yến và đề nghị bà tham khảo Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ thạc sĩ của Trường Đại học Y Hà Nội cho trường hợp cụ thể tại câu hỏi của bà về việc áp dụng chuẩn đầu vào ngoại ngữ trong tuyển sinh trình độ thạc sĩ của Trường.
Theo chinhphu.vn
Liên kết website
Ý kiến ()