Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 11/01/2025 13:52 (GMT +7)
Thiết lập kỷ cương, bảo đảm an toàn cho người tham gia giao thông
Chủ nhật, 13/02/2022 | 14:28:32 [GMT +7] A A
Đó là nhận định của một số đại biểu Quốc hội, của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam… tại Hội thảo khoa học “Hoàn thiện pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ - Những vấn đề lý luận và thực tiễn” vừa được Bộ Công an tổ chức tại Học viện CSND.
Hiện đại hóa công tác đảm bảo an toàn giao thông gắn với đấu tranh phòng, chống tội phạm
Thẳng thắn nêu quan điểm, TS. Vương Quốc Thắng, Ủy viên Chuyên trách Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường nói: “Việc tách lĩnh vực trật tự an toàn giao thông đường bộ để xây dựng thành hai dự án luật chuyên ngành là phù hợp, đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn hiện nay. Việc xây dựng, ban hành Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ còn nhằm triển khai chỉ đạo của Ban Bí thư, nội luật hoá các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, khắc phục những tồn tại, bất cập trong quản lý về trật tự an toàn giao thông đường bộ, xác định rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành trong phòng ngừa tai nạn giao thông, chống ùn tắc giao thông, phát hiện và xử lý vi phạm, nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông, thiết lập kỷ cương trong thực thi pháp luật, hiện đại hoá công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông gắn với đấu tranh phòng, chống tội phạm trên các tuyến giao thông…”.
Đại diện Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường nhấn mạnh thêm, trong thời điểm hiện nay, tình hình trật tự an toàn giao thông đường bộ có những diễn biến phức tạp và đang phát sinh nhiều vấn đề bất cập, bức xúc như: Quản lý phương tiện, người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ còn nhiều tồn tại; tình hình tai nạn giao thông đường bộ và ùn tắc giao thông đường bộ diễn biến phức tạp, trong đó tai nạn giao thông đường bộ chiếm hơn 95% trong tổng số vụ, số người chết, số người bị thương do tai nạn giao thông nói chung, để lại hậu quả rất lớn cho xã hội; công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm còn chồng chéo, gây phiền hà và làm giảm niềm tin trong nhân dân… Những bất cập đó đòi hỏi phải xây dựng Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ để đáp ứng yêu cầu cấp bách của thực tiễn hiện nay.
Đánh giá tác động cụ thể về một số nhiệm vụ của Bộ Công an trong dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, TS. Vương Quốc Thắng cũng bày tỏ, hiện tại Bộ Công an được tổ chức ở 4 cấp nên việc chuyển giao nhiệm vụ quản lý người điều khiển phương tiện từ Bộ Giao thông Vận tải sang Bộ Công an thì việc phát sinh thêm biên chế, phát sinh bộ máy cần được đánh giá.
Song, theo mô hình này, khi tiếp nhận nhiệm vụ quản lý người điều khiển phương tiện thì Bộ Công an có lợi thế là sẽ chủ động điều chỉnh, sắp xếp số lượng biên chế hiện có trong ngành để thực hiện nhiệm vụ mới. Đội ngũ cán bộ Cảnh sát giao thông đã được trang bị kiến thức cơ bản và có kinh nghiệm để thực hiện nhiệm vụ. Đồng thời, theo vị này, đối với người dân, tổ chức, cá nhân thực hiện các hoạt động có liên quan đến dịch vụ đào tạo, sát hạch lái xe thì việc thay đổi cơ quan quản lý Nhà nước trong lĩnh vực này sẽ không ảnh hưởng đến người dân, các cá nhân, tổ chức kinh doanh dịch vụ.
Hướng đến mục tiêu lớn nhất là bảo đảm an toàn tính mạng, sức khoẻ cho người tham gia giao thông
Theo ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, việc xây dựng dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ thể hiện sự quan tâm và quyết tâm giải quyết triệt để, mạnh mẽ hơn trật tự, an toàn giao thông đường bộ - một trong những vấn đề nổi cộm và gay gắt hiện nay. Do vậy, dưới góc nhìn của người tham gia giao thông, việc tập trung giải quyết vấn đề này, trước hết từ khía cạnh xây dựng pháp luật là phù hợp và cần thiết. Trong đó, Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ hướng đến mục tiêu lớn nhất là bảo vệ quyền con người, bảo đảm an toàn tính mạng, sức khoẻ cho người tham gia giao thông. Đây là điều cần được ghi nhận vì mục tiêu và lợi ích tốt đẹp cho người dân và xã hội.
Ông Ngọ Duy Hiểu cũng nhấn mạnh, Dự án Luật đã bổ sung nhiều điểm mới góp phần đảm bảo tính pháp lý cho việc thực thi nhiệm vụ của cơ quan có thẩm quyền cũng như người tham gia giao thông như: Luật hoá các quy tắc giao thông đường bộ, tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với lĩnh vực này, nhất là kỹ năng điều khiển phương tiện, ý thức chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông của người tham gia giao thông; các biện pháp tổ chức an toàn giao thông, chỉ huy, điều khiển giao thông, giải quyết ùn tắc giao thông; các biện pháp, trách nhiệm giải quyết tai nạn giao thông đường bộ của cơ quan Công an…
Bên cạnh đó, đại diện Liên đoàn Lao động Việt Nam đánh giá, Dự thảo Luật đã xác định rõ trách nhiệm Bộ Công an chịu trách nhiệm trước Chính phủ về công tác quản lý nhà nước về trật tự, an toàn giao thông đường bộ, phù hợp với thực tiễn Cảnh sát giao thông đang là lực lượng chủ lực trong quản lý trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Tuy nhiên, vị này cũng nhấn mạnh, để đảm bảo tính khả thi của Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, dự án luật cần đảm bảo được tính minh bạch, rõ ràng, dễ hiểu, dễ thực hiện trong các quy định; đảm bảo rõ thẩm quyền, tránh chồng chéo trong công tác quản lý; hạn chế phát sinh thủ tục hành chính gây phiền hà cho người dân và đảm bảo sự nghiêm minh trong thực hiện.
Nhìn nhận vấn đề xây dựng Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ ở Việt Nam hiện nay, dưới góc tiếp cận quyền con người, PGS.TS Tường Duy Kiên, Viện trưởng Viện Quyền con người, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh chia sẻ: Xây dựng Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ cần phải làm rõ mối quan hệ giữa chủ thể quyền và chủ thể nghĩa vụ trong bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Theo đó chủ thể có nghĩa vụ là nhà nước. Đồng thời chủ thể quyền là mọi người tham gia giao thông.
Trong đó quyền quan trọng nhất của người tham gia giao thông là được bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khoẻ, tài sản, danh dự, bí mật đời tư… Tiếp cận quyền con người trong xây dựng luật bên cạnh quy định thẩm quyền của cơ quan nhà nước thì cần quy định trách nhiệm, nghĩa vụ; đặc biệt cần liệt kê các hành vi cấm nhằm hạn chế sự lạm dụng quyền lực trong quá trình bảo đảm trật tự an toàn giao thông, có thể dễ dẫn tới vi phạm quyền và tự do của người tham gia giao thông. Hay phải dựa trên cơ sở nhân đạo, bảo vệ quyền của cả người gây tai nạn và người bị hại. Cần cụ thể hoá nghĩa vụ của lực lượng thực thi công vụ, trước hết là Cảnh sát giao thông từ khâu tin báo, đến quá trình xử lý, giải quyết vụ việc, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các bên liên quan…
Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội ôtô Việt Nam khi đóng góp ý kiến về vấn đề “thực trạng và tác động của việc ban hành, áp dụng Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ đến hoạt động vận tải đường bộ”, cũng nêu rõ: Công tác kiểm soát, xử lý vi phạm trong hoạt động giao thông là nội dung hết sức quan trọng. Hiện nay các nước trên thế giới đã áp dụng phổ biến phương thức kiểm soát hoạt động giao thông bằng áp dụng công nghệ, xử phạt nguội thay cho phương thức truyền thống. Đề nghị nghiên cứu luật theo hướng thúc đẩy sử dụng công nghệ để ghi nhận bằng chứng vi phạm và áp dụng hình thức xử phạt nguội là chính. Ngoài ra, để khuyến khích người tham gia giao thông chấp hành nghiêm luật giao thông, cần nghiên cứu, ban hành cơ chế chính sách theo hướng những doanh nghiệp, chủ phương tiện chấp hành tốt luật giao thông, ít gây tai nạn giao thông trong một thời gian nhất định, thì được hưởng chính sách là mức bảo hiểm trách nhiệm dân sự thấp hơn mức quy định chung và ngược lại, hoặc có nước quy định các doanh nghiệp áp dụng các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính, được tổ chức có thẩm quyền công nhận thì được gắn nhãn hiệu để quảng bá và khuyến khích người sử dụng dịch vụ lựa chọn.
Theo cand.com.vn
Liên kết website
Ý kiến ()