Thịt đỏ, củ cải đường, cải bó xôi, gan có chứa các chất dinh dưỡng cần cho quá trình tạo hồng cầu, tốt cho người thiếu máu.
Thiếu máu dinh dưỡng xảy ra khi hàm lượng hemoglobin (Hb) trong máu xuống thấp hơn so với định mức bình thường. Khi đó, cơ thể thiếu một hay nhiều dưỡng chất cần thiết cho quá trình tạo máu. Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Anh Duy Tùng, Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng Nutrihome, cho biết người bệnh cần ưu tiên bổ sung chất dinh dưỡng cần thiết cho việc cấu tạo hồng cầu (protein, sắt, axit folic...).
Thịt đỏ
Hầu hết loại thịt, nhất là thịt đỏ, đều có lượng lớn sắt heme. Phức hợp sắt heme được cơ thể hấp thụ dễ dàng. Thực phẩm nhiều sắt như thịt bò, thịt cừu, thịt nai, thịt lợn, gia cầm. Ví dụ, 100 g thịt bò nạc có khoảng 3,1 mg sắt. Thịt đỏ cũng cung cấp lượng vitamin B12 rất dồi dào.
Ăn thịt đỏ góp phần thúc đẩy quá trình sản sinh hồng cầu, hỗ trợ chữa thiếu máu. Ăn thịt cùng thực phẩm chứa sắt nonheme như trái cây giàu vitamin C, rau lá xanh gia tăng khả năng hấp thu sắt của cơ thể. Tuy nhiên thịt đỏ cũng nhiều cholesterol nên hạn chế dùng quá nhiều.
Củ cải đường
100 g củ cải đường có 1,1 mg sắt. Hàm lượng khoáng chất sắt cao của củ cải đường góp phần kích hoạt, sửa chữa các tế bào hồng cầu. Khi kích hoạt được tế bào hồng cầu, lượng oxy mang đến cho các bộ phận khác cũng gia tăng.
Cải bó xôi
Cải bó xôi nhiều sắt, canxi, vitamin A, B9, E, C, beta-carotene và chất xơ. 100 g cải bó xôi có khoảng 2,7 mg sắt, hỗ trợ phòng ngừa chứng thiếu máu.
Trứng
100 g trứng có khoảng 1,2 mg sắt, 13 g protein. Trứng còn giàu chất chống oxy hóa. Người bị thiếu máu có thể ăn một quả trứng mỗi ngày để cải thiện triệu chứng.
Cá
Hầu hết loại cá đều chứa sắt, tốt cho người thiếu máu. Những loại cá có hàm lượng sắt tốt điển hình là cá rô, cá nục, cá thu, cá ngừ, cá hồi. Ví dụ, 100 g cá ngừ vây vàng có khoảng 0,9 mg sắt.
Gan và nội tạng động vật
Nội tạng động vật có chứa nhiều sắt. 100 g gan bò chứa khoảng 6,5 mg sắt. Nên tiêu thụ ở mức vừa phải vì gan và nội tạng động vật có chứa lượng cholesterol cao.
Hải sản và động vật có vỏ
Hải sản có vỏ điển hình là tôm, cua, sò điệp, trai, nghêu, hàu đều nhiều sắt. Ví dụ, 100 g hàu chứa khoảng 5,5 mg sắt. Hải sản còn chứa nhiều axit folic, kẽm, canxi, phốt pho tốt cho tạo máu, giúp xương khớp khỏe mạnh.
Trái cây, rau củ giàu vitamin C
Ổi, dâu tây, cam, chanh, cà chua, xoài, nho, bông cải trắng, đu đủ, ớt chuông, khoai lang giàu vitamin C, cần cho người bị thiếu máu. 100 g dâu tây có khoảng 58,8 mg vitamin C. Bổ sung lượng vitamin C tự nhiên từ trái cây, rau củ giúp cơ thể hấp thu và lưu giữ sắt tối ưu. Nhờ đó, chuyển hóa các chất được hồng cầu vận chuyển cũng diễn ra thuận lợi hơn.
Các loại hạt
Hạt cung cấp sắt gồm hạt óc chó, hạt điều, hạt thông, hướng dương. 100 g quả óc chó có khoảng 2,9 mg sắt. Kết hợp các loại hạt với rau để tạo ra món salad thơm ngon, bổ dưỡng, hỗ trợ nâng cao sức đề kháng, cải thiện chứng thiếu máu. Hàm lượng axit folic trong hạt giúp cơ thể hấp thụ sắt tốt hơn.
Các loại đậu
Các loại đậu cung cấp sắt, vitamin, protein, ngăn ngừa thiếu máu. Một số loại đậu điển hình giàu sắt gồm đậu đen, đậu gà, đậu xanh, đậu hà lan. Ví dụ, 100 g đậu đen có khoảng 7,2 mg sắt.
Bác sĩ Tùng cho biết thêm khi ănmón ăn bổ máu, không nên uống cà phê hay trà vì hàm lượng polyphenol trong những thức uống này khiến cơ thể giảm hấp thu sắt. Người bệnh hạn chế ăn thực phẩm chứa gluten như mì ống, lúa mạch đen vì có thể làm thành ruột tổn thương, ngăn cản quá trình hấp thu sắt. Người bị thiếu máu nên khám, làm xét nghiệm để bác sĩ chẩn đoán chính xác nguyên nhân, chữa trị hiệu quả.
Ý kiến ()