Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 23/12/2024 11:17 (GMT +7)
Thời điểm trẻ bị tay chân miệng buộc phải nhập viện
Thứ 4, 07/06/2023 | 14:09:20 [GMT +7] A A
Bệnh tay chân miệng có 4 cấp độ. Phụ huynh cần nhận biết sớm các triệu chứng ban đầu để kịp thời đưa trẻ đến khám, điều trị sớm.
Tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm thường gặp ở trẻ, nhất là các bé dưới 5 tuổi. Bệnh có tốc độ lây lan nhanh. Đỉnh dịch thường kéo dài trong tháng 4-6 và 9-12.
Chia sẻ với Tri thức trực tuyến, bác sĩ chuyên khoa II Dư Tuấn Quy, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), trẻ mắc tay chân miệng thường sốt, phát ban lòng bàn tay, chân, đầu gối, mông... Ngoài ra, phụ huynh cũng nên để ý những vị trí kín đáo như rìa móng tay, móng chân...
"Từng có trường hợp trẻ đột nhiên chảy nước bọt, biếng ăn, tiêu chảy nhưng phụ huynh nhầm lẫn là mọc răng, vài ngày, sau sốt cao không hạ. Khi đến bệnh viện khám, bác sĩ đã phát hiện bé mắc tay chân miệng mức độ nặng", bác sĩ Quy cho hay.
Bốn cấp độ của bệnh tay chân miệng
Bệnh tay chân miệng có 4 mức độ tùy theo giai đoạn bệnh. Mỗi mức độ có một biện pháp xử trí phù hợp riêng.
- Độ 1: Trẻ có dấu hiệu sốt nhẹ, loét miệng, phát ban bóng nước, phát ban lòng bàn tay, lòng bàn chân, đầu gối, vùng mông, rìa miệng, khóe miệng…
- Độ 2: Được phân thành 2 mức độ. Trong đó, trẻ mắc tay chân miệng độ 2A có dấu hiệu sốt cao kèm giật mình, tần suất dưới 2 lần trong vòng 30 phút. Trẻ mắc bệnh này độ 2B lại sốt kéo dài từ ngày thứ 2 trở lên, sốt cao khó hạ, giật mình trên 2 lần. Đây là dấu hiệu cho thấy trẻ có nguy cơ chuyển biến nặng, cần đưa đến phòng cấp cứu để xử trí.
- Độ 3: Ngoài các triệu chứng nói trên, trẻ có tình trạng tăng huyết áp, nhịp tim tăng.
- Độ 4: Đây là giai đoạn nặng nhất, trẻ rơi vào tình trạng phù phổi cấp, sốc và nguy cơ tử vong cao.
"Trong bệnh lý tay chân miệng, thông thường, chúng tôi cho chỉ định nhập viện điều trị đối những trẻ ở độ 2A. Đến độ 2B, trẻ cần được khẩn cấp can thiệp cấp cứu không để chuyển biến nặng hơn. Khi bé đã diễn tiến độ 3, chúng tôi cần làm mọi cách để can thiệp, xử trí không để tiếp tục tăng độ 4", bác sĩ Quy chia sẻ.
Nếu được chẩn đoán tay chân miệng độ 1, phụ huynh nên đưa trẻ về nhà điều trị. Tuy nhiên, khi sốt từ ngày thứ 2 không hạ, giật mình, chới với, run rẩy khi cầm nắm, nôn ói, con cần được nhập viện ngay.
Nếu bé đột ngột sốt không hạ, ngủ giật mình, nôn 3-4 lần/ngày, chán ăn, phụ huynh cần đưa con đến bệnh viện ngay lập tức.
Chuyên gia lưu ý cha mẹ cần thực sự quan tâm trẻ, kịp thời nhận biết thời điểm chuyển nặng, không để quá muộn.
Bệnh tay chân miệng diễn tiến nặng trong 5 ngày đầu, đặc biệt 3 ngày đầu tiên. Khi qua ngày thứ 5, phụ huynh có thể yên tâm. Trong 3 ngày đầu, trẻ sốt, uống hạ sốt không hạ là cảnh báo nguy hiểm.
Có nên kiêng gió, kiêng nước?
Khi trẻ mắc tay chân miệng, cha mẹ cần cho bé uống paracetamol khi sốt từ 38,5 độ C. Nếu trẻ đau miệng, người thân nên cho bé uống 6 giờ/lần. Trẻ mắc tay chân miệng cũng có thể uống ibuprofen, có tác dụng hạ sốt, giảm đau, chống viêm. Nếu miệng đau, phụ huynh có thể cho bé dùng thuốc dạng nhũ tương, gel trét vào miệng.
Trẻ nhỏ chống chỉ định với thuốc tê. Trẻ dưới 5 tuổi mắc tay chân miệng nhiều nên càng không được dùng thuốc này.
Bên cạnh đó, do trẻ đau miệng nên không ăn được, cha mẹ cần ưu tiên cho con ăn những thức ăn bé thích, thức ăn nguội, soup mát... Thức ăn mát, lạnh nhưng không nên cho ăn kem. Đặc biệt, bé cần uống nhiều nước, thiếu nước gây khô môi, càng khiến tình trạng tăng nặng.
Cách ly 10 ngày là thời gian an toàn khi trẻ mắc tay chân miệng, lúc này, sự đào thải virus không còn, trẻ có thể trở lại lớp học.
Ngoài ra, chuyên gia này cũng nhận định việc kiêng gió, kiêng nước với trẻ mắc bệnh tay chân miệng là quan niệm rất sai lầm.
"Tôi cũng nhiều lần chứng kiến những phụ huynh có biện pháp tương tự và hậu quả là trẻ chuyển nặng hơn. Do đó, phụ huynh vẫn nên tắm rửa sạch sẽ bình thường cho trẻ", bác sĩ Quy nhấn mạnh.
Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1, khuyến cáo với trẻ tay chân miệng, gia đình nên cho con tắm rửa sạch sẽ, sinh hoạt trong điều kiện thoáng mát, vệ sinh cơ thể bình thường.
Nếu không được vệ sinh sạch sẽ, các nốt loét và bóng nước càng dễ nhiễm trùng hơn, lúc này, trẻ dễ bị nhiễm trùng da, nhiễm trùng máu.
Theo zingnews.vn
Liên kết website
Ý kiến ()