Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 13/11/2024 13:49 (GMT +7)
Thời Lý và sự ra đời của Thương cảng Vân Đồn
Chủ nhật, 12/03/2023 | 10:00:01 [GMT +7] A A
Sử liệu về thời Lý còn lại quá ít ỏi, không cho phép chúng ta hiểu đầy đủ về quá trình biến đổi của đất Hải Đông (nay là Quảng Ninh). Chỉ có thể biết năm 1023, nhà Lý cho đổi trấn Triều Dương thành châu Vĩnh An. Ít lâu sau, cả vùng Ninh Hải - Lục Châu cũ được đặt thành một phủ là phủ Hải Đông.
Theo An Nam chí lược của Lê Tắc (1263-1342) biên soạn khi sống lưu vong tại Trung Quốc ở khoảng nửa đầu thế kỷ 14, sau chiến thắng quân Tống của Lê Hoàn (981) khiến nhà Tống nể sợ, vùng đất Hải Đông vì thế luôn bình yên.
Năm 1009, sau khi giành được quyền lực từ nhà Tiền Lê, Lý Công Uẩn lên ngôi, lập ra nhà Lý (1009-1225). Kinh đô đặt ở Thăng Long (Hà Nội). Cùng với sự phát triển của đất nước, cư dân vùng Hải Đông cũng ngày càng tăng, ruộng đất, làng xóm được mở rộng. Các đơn vị hành chính như huyện Hoa Phong, Hoành Bồ, Yên Hưng, Đông Triều, các châu Tiên Yên, Vĩnh An, Vân Đồn, Vạn Ninh đã được hình thành.
Thời Lý, Phật giáo đã phát triển mạnh. Tới nay, chúng ta chưa phát hiện công trình Phật giáo nào từ thời Lý ở Quảng Ninh nhưng tại bia đá chùa Quỳnh Lâm (Đông Triều), có chi tiết khiến các nhà khoa học bối rối, đó là nội dung bia và một số trang trí thì thời Trần nhưng trang trí hình rồng trên bia thì mang đặc trưng nghệ thuật thời Lý. Câu hỏi đặt ra là phải chăng tấm bia này gốc có từ thời Lý? Và như thế, chùa Quỳnh Lâm có từ thời Trần?
Trong bài viết trước, chúng tôi đã nêu rất có thể từ những thế kỷ 6-8, nghề gốm sứ đã phát triển ở Quảng Ninh qua minh chứng là các di vật gốm sứ từng tìm thấy ở Tuần Châu. Ngoài Móng Cái, dấu tích các lò gốm cổ cũng từng được phát hiện ở Móng Cái, Nam Sơn (Ba Chẽ)… Cần nhớ, đây là một trong các mặt hàng chủ lực trong giao thương thời các triều đại phong kiến. Phải chăng, đó cũng là tiền đề cho thương mại ngày càng phát triển, vượt khỏi ranh giới quốc gia Đại Việt để rồi tới thế kỷ 12 - theo Đại Việt Sử ký Toàn thư “Năm Kỷ Tỵ (1149), mùa xuân, tháng hai, thuyền buôn ba nước Trảo Oa, Lộ Lạc, Xiêm La vào Hải Đông (tức Quảng Ninh ngày nay) xin cư trú buôn bán, bèn cho lập trang ở nơi hải đảo, gọi là Vân Đồn, để mua bán hàng hoá quý, dâng tiến sản vật địa phương”. Thương cảng Vân Đồn - thương cảng quốc tế đầu tiên của Việt Nam đã ra đời trên đất Quảng Ninh như thế.
Ban đầu, những năm 60 của thế kỷ trước, khi mới nghiên cứu về Thương cảng Vân Đồn, không ít nhà khoa học cả Việt Nam và quốc tế đã lầm tưởng Thương cảng chỉ có các bến bãi ở Quan Lạn và đảo Cống Đông (nay là xã Thắng Lợi), huyện Vân Đồn. Cho đến khoảng hơn chục năm gần đây, sau nhiều cuộc khai quật, khảo cứu, với những chứng tích rõ ràng, di tích Thương cảng Vân Đồn mới được nhận diện rõ ràng hơn đó là bao gồm hệ thống các bến bãi rải rác từ Móng Cái, một số đảo trên Vịnh Bái Tử Long, Vịnh Hạ Long, ven Cửa Lục, đến TX Quảng Yên ngày nay. Trong đó, Quan Lạn, Cống Đông là những điểm trọng tâm, bến chính. Các bến bãi khác ven bờ là những điểm, tuyến trung chuyển hàng hoá.
Chưa thể biết các mặt hàng buôn bán qua Thương cảng Vân Đồn ngày đó gồm những gì, chỉ có thể khẳng định gốm sứ là một trong các mặt hàng chủ đạo, gồm cả gốm nội địa cho đến gốm sứ cao cấp các triều đại Trung Quốc. Chính các mảnh vỡ gốm sứ là minh chứng chủ đạo để các nhà khoa học xác minh quy mô, phân bố các vị trí của Thương cảng Vân Đồn xưa.
Từ thời Lý, Thương cảng Vân Đồn đã phát triển cực thịnh, sang đến thời Trần và suy tàn vào thời Hậu Lê khi mà những Phố Hiến, Hội An dần thay thế. Các địa danh bến Cống Cái, Cái Làng, Cống Quy, Cống Đông, Vạn Ninh, Gạo Rang, Giếng Hệu; những di tích chùa Lấm, bảo tháp, chùa vụng Cây Quéo… trên các đảo và ven bờ Hạ Long còn mãi với thời gian.
Với vị trí, vai trò trong lịch sử, Thương cảng Vân Đồn giờ đã được xếp hạng di tích cấp quốc gia đặc biệt; đã và đang được nhiều nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu, tìm hiểu. Giá trị lịch sử, văn hoá của thương cảng là tiền đề để Quảng Ninh tiếp tục phát triển, coi kinh tế biển là một trong các mũi nhọn cả hôm nay và tương lai.
Trần Minh
Liên kết website
Ý kiến ()