Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 23/12/2024 15:51 (GMT +7)
Thời tiết giao mùa dễ mắc bệnh về mũi họng
Thứ 3, 28/11/2023 | 17:24:50 [GMT +7] A A
Thời tiết thay đổi tạo điều kiện cho nhiều bệnh đường hô hấp xuất hiện, trong đó phải kể đến viêm mũi họng cấp.
Trời vừa trở lạnh được vài ngày, con gái của chị Mai Anh (ở quận Đống Đa, Hà Nội) đã bị sốt, sổ mũi và ho nhiều ngày không khỏi. Ban đầu, chị nghĩ bé chỉ bị ốm do thay đổi thời tiết và sẽ sớm khoẻ nhưng đến khi tình trạng con trở nặng chị mới vội vàng đưa con tới gặp bác sĩ.
Tại Bệnh viện Đa khoa An Việt, bác sĩ Hà Tố Như thăm khám cho bệnh nhi và cho biết thời điểm giao mùa như hiện nay rất nhiều người đến khám khi mắc các bệnh lý tai mũi họng, trong đó có viêm mũi họng cấp. Đặc biệt là trẻ nhỏ vốn có sức đề kháng yếu. Viêm mũi họng cấp là bệnh khá phổ biến ở trẻ em. Nếu bệnh không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể gây ra các biến chứng viêm đường hô hấp, viêm tai giữa, viêm cầu thận cấp...
Bác sĩ Như cũng giải thích thêm với người nhà bệnh nhi, nguyên nhân khiến trẻ mắc viêm mũi họng cấp có thể do môi trường sống như thời tiết thay đổi đột ngột, mưa ẩm, khói xe, khói thuốc lá, thuốc lào, than, bụi bẩn… cũng có thể do virus, vi khuẩn, nấm.
Triệu chứng điển hình của bệnh như ngứa mũi, hắt hơi, nặng đầu, mỏi tay chân. Sau đó mũi bắt đầu nghẹt chảy nước trong và loãng, kèm sốt cao, đột ngột (39 - 40 độ C), ớn lạnh, nhức đầu, nuốt đau, đau mỏi thân mình, ăn, ngủ kém. Trẻ quấy khóc, biếng ăn, khó ngủ và thường thở bằng miệng do ngạt mũi. Trẻ có thể thở nhanh hơn bình thường, đôi khi co rút lồng ngực (hay gặp ở trẻ nhỏ, lúc đó có thể tình trạng viêm đã lan xuống đường hô hấp dưới).
Cũng theo bác sĩ Hà Tố Như, bệnh viêm mũi họng cấp khi thời tiết chuyển mùa thường diễn ra trong vòng 3 - 4 ngày, nếu sức đề kháng tốt bệnh sẽ lui dần, các triệu chứng trên sẽ mất đi rất nhanh. Nhưng khi sức đề kháng yếu (trẻ em, người cao tuổi) thì bệnh diễn biến phức tạp hơn, nặng hơn và có thể gây biến chứng như viêm tai, viêm mũi, phế quản phế viêm và trở thành viêm mũi họng mạn tính; hoặc thấp tim tiến triển, viêm cầu thận cấp nếu tác nhân gây bệnh là vi khuẩn liên cầu nhóm A (S.pyogenes).
Về việc điều trị viêm mũi họng cấp, BS Như cho biết việc này phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh và hầu hết không cần phải điều trị phức tạp. Với viêm mũi họng do virus không cần thiết phải điều trị bằng kháng sinh mà có thể dùng một số thuốc như thuốc giảm ho, giảm đau họng, chống ngạt mũi và xịt rửa mũi.
Với nguyên nhân do vi khuẩn hoặc do virus nhưng xuất hiện tình trạng bội nhiễm cần điều trị với kháng sinh liều phù hợp, thuốc thông mũi, thuốc giảm ho, thuốc hạ sốt…
BS Như lưu ý, ngoài việc dùng thuốc chữa viêm mũi họng cấp thì người bệnh có thể áp dụng một số cách để giảm các triệu chứng cũng như việc phụ thuộc vào thuốc như súc họng với nước muối, xông hơi, uống nước mật ong pha ấm, ngậm chanh đường mật ong… và nên nghỉ ngơi, uống nhiều nước khi bị bệnh.
Cha mẹ cần giữ ấm cho trẻ vào mùa đông, cho con có chế độ dinh dưỡng tốt để tăng sức đề kháng, tránh xa những người đang bị ốm như cảm cúm hay các bệnh viêm mũi họng, chú ý con khi có bất cứ dấu hiệu bất thường nào để tránh diễn tiến nặng nguy hiểm tới sức khoẻ của trẻ.
Theo laodong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()