Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 23:03 (GMT +7)
Ý kiến chỉ đạo của Thường trực Tỉnh uỷ, Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống dịch Covid-19 tại hội nghị ngày 8/11/2021
Thứ 3, 09/11/2021 | 16:30:07 [GMT +7] A A
Tỉnh ủy Quảng Ninh vừa ban hành Thông báo số 419-TB/TU thông báo ý kiến chỉ đạo của Thường trực Tỉnh uỷ, Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống dịch Covid-19 tại hội nghị ngày 8/11/2021.
Ngày 8/11/2021, Thường trực Tỉnh ủy và Ban Chỉ đạo cấp tỉnh tổ chức hội nghị trực tuyến với Ban Chỉ đạo, Trung tâm Chỉ huy cấp huyện, cấp xã về việc triển khai các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19.
Sau gần 1 tháng thực hiện Chiến lược thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19; các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh đã và đang bám sát Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ, Chỉ thị số 18-CT/TU ngày 18/10/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy để chủ động triển khai thực hiện các nội dung công việc nhằm đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch trong tình hình mới.
Trong tuần, thành phố Uông Bí, thị xã Đông Triều đã phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chức năng, ngành Than, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn triển khai kịp thời, có hiệu quả các giải pháp phòng, chống dịch bệnh; chỉ sau 1 tuần “thần tốc” truy vết, xét nghiệm, bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng, đến nay đã cơ bản kiểm soát được tình hìnhkhông để dịch lây lan, bùng phát…
Tuy nhiên, từ thực tế xuất hiện đồng thời 2 ổ dịch tại thị xã Đông Triều, thành phố Uông Bí đã cho thấy công tác phòng, chống dịch bộc lộ nhiều lỗ hổng: (1) Khâu tổ chức thực hiện các chủ trương của Trung ương, của tỉnh vẫn là khâu yếu, nhất là cấp cơ sở; (2) Công tác tầm soát chủ động, xét nghiệm sàng lọc trong doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ; việc chỉ định xét nghiệm để tầm soát chủ động đối với các đối tượng nguy cơ cao chưa đạt yêu cầu, đặc biệt là những người sốt, ho, khó thở có biểu hiện dịch tễ liên quan đến Covid-19, dẫn đến bị động trong việc phát hiện các ca nhiễm trong cộng đồng; (3) Việc thực hiện nguyên tắc 5K và phòng, chống dịch trong cộng đồng, nhất là tại các trường học, trong nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ chưa tốt; (4)Việc chủ động thực hiện phương châm “3 trước, 4 tại chỗ”, từ xa, từ sớm, từ cơ sở chưa được phát huy triệt để, chưa sẵn sàng ứng phó với các tình huống nảy sinh;(5)Công tác nhận định, đánh giá, phân tích, dự báo tình hình ở cấp cơ sở còn hạn chế, bị động; công tác lãnh đạo, chỉ đạo, ứng phó tổng thể với dịch bệnh trên địa bàn cấp huyện có thời điểm còn lúng túng, chưa kịp thời ban hành các biện pháp hành chính để khống chế, ngăn chặn đà lây lan của dịch bệnh; (6) Nhiều người dân ý thức phòng, chống dịch chưa cao, còn lơ là, chủ quan, mất cảnh giác trong việc bảo vệ sức khỏe bản thân, gia đình, cộng đồng; (7) Công tác kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm trong công tác phòng, chống dịch của các lực lượng chức năng chưa được quan tâm.
Bài học kinh nghiệm rút ra từ đợt dịch này là: (1) Công tác lãnh đạo, chỉ đạo phải kịp thời, tập trung, quyết liệt, sâu sát cơ sở của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19, nhất là của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền cơ sở các cấp; sự tham gia tổng lực của các lực lượng nòng cốt (y tế, công an, quân đội, chính quyền cơ sở) cùng với sự ủng hộ, đồng thuận, chia sẻ của doanh nghiệp và nhân dân trên địa bàn đóng vai trò quyết định trong việc ứng phó với các tình huống nảy sinh về dịch bệnh. (2) Coi trọng công tác giám sát, quản lý dân cư, quản lý lao động, quản lý cư trú, quản lý di chuyển, đặc biệt là giám sát những trường hợp ho, sốt, khó thở trong cộng đồng... để phát hiện sớm các trường hợp F0; không để bị động, bất ngờ về ca bệnh, ổ dịch. (3)Khi phát hiện ca F0, phải kích hoạt ngay cơ chế chỉ đạo ở mức cao nhất ngay từ xã, phường, thị trấn với tinh thần nhanh nhất, hiệu quả nhất, an toàn nhất; nhanh chóng quyết định đối tượng, địa bàn để tập trung xét nghiệm, lấy mẫu, trả kết quả trong thời gian ngắn nhất để bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng; thực hiện truy vết nhanh, cách ly sớm, điều trị sớm nhằm giảm thiểu số ca mắc, số ca trở nặng, tử vong; khoanh vùng gọn nhất, giảm thiểu khu vực phải phong tỏa, hạn chế mức thấp nhất ảnh hưởng kinh tế xã hội và sinh hoạt của người dân. (4) Thực hiện điều trị F0 thể nhẹ không triệu chứng và cách ly F1 tại nhà có kiểm soát, giám sát chặt chẽ; kịp thời đưa dịch vụ y tế, an sinh xã hội đến gần dân nhất, sát dân nhất và sớm nhất có thể nhằm không để F1 trở thành F0 mà chính quyền không biết.
Sau khi thảo luận, Thường trực Tỉnh ủy và Ban Chỉ đạo cấp tỉnh cơ bản thống nhất với các giải pháp trọng tâm trong thời gian tới theo đề xuất của Ban cán sự đảng UBND tỉnh tại báo cáo ngày 8/11/2021.Trong đó lưu ý:
1. Các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục tuyên truyền, quán triệt sâu rộng Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ, Chỉ thị số 18-CT/TU ngày 18/10/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và các chỉ đạo có liên quan của Trung ương, của Tỉnh về công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Ban cán sự đảng UBND tỉnh chỉ đạo UBND tỉnh chỉ đạo thành phố Uông Bí, thị xã Đông Triều tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị chức năng triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19; tập trung xét nghiệm diện rộng có trọng tâm, trọng điểm để bóc tách triệt để các trường hợp F0 ra khỏi cộng đồng; chủ động khống chế, ngăn chặn đà lây lan của dịch bệnh, dập tắt các ổ dịch, kiểm soát hoàn toàn tình hình để nhanh chóng phục hồi các hoạt động sản xuất kinh doanh, ổn định đời sống của nhân dân; phấn đấu trước ngày 15/11/2021 học sinh tiếp tục được tới trường học tập trực tiếp.
2. Bí thư cấp ủy, Chủ tịch UBND cấp huyện, cấp xã tập trung nâng cao hơn nữa năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, chỉ huy, điều hành “tại chỗ” trong thực hiện Chiến lược thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19; đặc biệt phải tập trung ngay việc nâng cao năng lực y tế cho tuyến y tế cơ sở, xã, phường, thị trấn, trọng tâm là đội ngũ nhân lực y tế tại chỗ nhằm bảo đảm đáp ứng được khả năng xử lý các tình huống khẩn cấp trên diện rộng; sẵn sàng phương án cách ly phân tán tại các xã, phường, nơi lưu trú với số lượng lớn trong thời gian ngắn nhất.
Chỉ đạo tăng cường tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn người dân biết tự xét nghiệm bằng phương pháp test nhanh, trong đó cán bộ, công chức, người lao động trong ngành than, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, giáo viên, nhân viên trong các cơ sở giáo dục là nòng cốt để sẵn sàng đáp ứng yêu cầu xét nghiệm “thần tốc” trên diện rộng khi có tình huống phát sinh nhằm nhanh chóng cô lập ca bệnh, chặn đứng nguồn lây, khóa chặt ổ dịch trong thời gian ngắn nhất.
3. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong phòng, chống, kiểm soát dịch Covid-19. Thực hiện nghiêm và triệt để việc khai báo điện tử, khai báo di chuyển nội địa trước khi đi qua các chốt kiểm soát thông tin ra, vào tỉnh nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý, theo dõi thông tin nhưng vẫn phải đảm bảo thuận lợi trong lưu thông hàng hóa, dịch vụ và đi lại của nhân dân. Thực hiện nghiêm túc việc quét mã QR đối với người vào, ra tại các cơ quan, công sở, địa điểm công cộng, sử dụng phương tiện giao thông công cộng, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, cơ sở giáo dục, cơ sở y tế, sự kiện đông người, hội nghị, hội thảo…Thực hiện nghiêm việc test nhanh, xét nghiệm PCR khi tham gia các sự kiện và phải được theo dõi, cập nhật đầy đủ thông tin trên hệ thống đảm bảo việc quản lý được đồng bộ, hiệu quả.
Ban cán sự đảng UBND tỉnh chỉ đạo UBND tỉnh yêu cầu Sở Thông tin - Truyền thông, Sở Y tế và các đơn vị chức năng liên quan khẩn trương xây dựng ứng dụng theo dõi, quản lý kết quả xét nghiệm đồng bộ, thống nhất trong toàn tỉnh; kết nối liên thông, đồng bộ với nền tảng công nghệ, nhất là ứng dụng PC-COVID để tất cả kết quả mẫu xét nghiệm test nhanh, PCR do các chủ thể quản lý và cá nhân thực hiện đều được cập nhật kịp thời, chính xác, làm cơ sở để các cơ quan chức năng nhận định, đánh giá sát, đúng diễn biến tình hình dịch tễ trên địa bàn, đưa ra các khuyến cáo, biện pháp ứng phó kịp thời. Trước mắt, thực hiện cấp tài khoản cho các xã, phường, thị trấn, các đơn vị ngành than, các đơn vị sự nghiệp công lập để chủ động cập nhật kết quả test nhanh lên hệ thống. Phấn đấu Quảng Ninh là địa phương đi đầu cả nước về việc tạo ra dữ liệu lớn về nền tảng xét nghiệm.
Công an tỉnh phối hợp chặt chẽ với ngành y tế, các địa phương tập trung triển khai hoàn thành kế hoạch kết nối, đồng bộ dữ liệu tiêm chủng, xét nghiệm với cơ sở dữ liệu dân cư đến tận cấp xã; kết hợp với ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) phục vụ công tác quản lý, kiểm soát phòng, chống dịch.
4. Bí thư cấp ủy, Chủ tịch UBND cấp huyện, cấp xã chỉ đạo tăng cường kiểm tra, giám sát, phát hiện, xử lý nghiêm và công khai các trường hợp cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, cơ sở giáo dục, cơ sở y tế,... vi phạm các quy trình, quy định phòng, chống dịch, việc thực hiện yêu cầu 5K và khai báo y tế, nhất làviệc đeo khẩu trang và quét mã QR; quyết tâm không để xảy ra ổ dịch trong trụ sở cơ quan, trường học, bệnh viện, các khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, các nhà máy, xí nghiệp,…
5. Khẩn trương hoàn thành tiêm vét cho trẻ em từ 12 - 17 tuổitới dưới 18 tuổi trong và ngoài trường học. Đối với các đối tượng trên 18 tuổi chưa tham gia tiêm chủng, nhất là người cao tuổi, có bệnh nền, yêu cầu các địa phương cấp huyện, cấp xã phải tập trung rà soát, vận động, thực hiện tiêm chủng tối đa cho người dân nhằm bảo đảm an toàn sức khỏe trước dịch bệnh Covid-19; đồng thời, lập danh sách cụ thể, chính xác những trường hợp chưa tiêm, không thể tiêm (lý do) chi tiết đến từng thôn, khu theo từng địa bàn xã, phường, thị trấn để có phương án hỗ trợ y tế phù hợp, kịp thời khi cần thiết và báo cáo Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch cấp tỉnh trước ngày 20/11/2021.
6. Tăng cường truyền thông chủ động, truyền thông định hướng để nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân trong phòng, chống dịch bệnh nhằm tự bảo vệ sức khỏe bản thân, gia đình và cộng đồng; tuyệt đối không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác.
Liên kết website
Ý kiến ()