Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 05/11/2024 06:17 (GMT +7)
Thông cáo báo chí số 15, Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV
Thứ 5, 08/06/2023 | 22:29:31 [GMT +7] A A
Quốc hội tiếp tục ngày làm việc thứ 15 của Kỳ họp thứ 5 với các phiên họp toàn thể tại Nhà Quốc hội dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.
Thứ năm, ngày 8/6/2023, Quốc hội tiếp tục ngày làm việc thứ 15 của Kỳ họp thứ 5 với các phiên họp toàn thể tại Nhà Quốc hội dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.
Buổi sáng, dưới sự chủ trì điều hành của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội tiếp tục chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.
Phiên họp được truyền hình, phát thanh trực tiếp trên Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Truyền hình Quốc hội Việt Nam.
Từ 8-9 giờ 20, Quốc hội tiếp tục chất vấn Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng về nhóm vấn đề thứ tư thuộc lĩnh vực giao thông vận tải.
Từ 9 giờ 20-9 giờ 30, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu kết thúc nhóm vấn đề thứ tư, trong đó nêu rõ: tại phiên chất vấn đã có 20 đại biểu đặt câu hỏi, 17 đại biểu tranh luận; các đại biểu Quốc hội bám sát nội dung chất vấn, tích cực tranh luận để làm rõ thực trạng, trách nhiệm; Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng trả lời đầy đủ, giải trình khá rõ các vấn đề còn bất cập, hạn chế, đề xuất một số giải pháp để thực hiện tốt hơn chức trách, nhiệm vụ của Bộ và ngành giao thông vận tải.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, các Bộ trưởng, Trưởng ngành có liên quan tiếp thu tối đa ý kiến của đại biểu Quốc hội; chỉ đạo quyết liệt việc thực hiện đồng bộ các giải pháp đã đề ra nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế, trong đó tập trung vào một số vấn đề chính sau đây:
Thứ nhất, tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc thi công các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, nhất là các dự án quan trọng quốc gia và trọng điểm của ngành giao thông vận tải, bảo đảm tiến độ, chất lượng và hiệu quả; phối hợp chặt chẽ với các địa phương kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư, di dời hạ tầng kỹ thuật, bảo đảm nguồn vật liệu trong quá trình triển khai các dự án; nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nước, huy động tối đa các nguồn lực ngoài ngân sách, áp dụng linh hoạt các hợp đồng đầu tư theo phương thức đối tác công tư phù hợp với đặc điểm lợi thế của từng địa phương, dự án; tổ chức triển khai việc thu phí đối với các tuyến đường cao tốc đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước theo các Nghị quyết của Quốc hội; tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian, thủ tục đầu tư; tăng cường công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, bảo đảm công khai, minh bạch, khả thi, hiệu quả trong việc huy động, phân bổ, sử dụng các nguồn lực trong đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông.
Thứ hai, tiếp tục tái cơ cấu thị trường vận tải theo hướng giảm thị phần vận tải đường bộ, tăng thị phần các phương thức vận tải đường thủy nội địa và đường sắt; phát triển ngành logistics để giảm chi phí logistics cho doanh nghiệp, tăng tỷ trọng logistics trong GDP; đẩy nhanh tiến độ đầu tư phát triển hệ thống vận tải công cộng đô thị và liên tỉnh gắn với lộ trình hợp lý, hạn chế sử dụng phương tiện cơ giới, cá nhân trong các đô thị lớn; nâng cao chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của phương tiện giao thông vận tải; hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật cho phương tiện, linh kiện, vật liệu và hạ tầng để tạo thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh và lưu hành đối với phương tiện giao thông thân thiện môi trường.
Thứ ba, chủ trì xây dựng dự án Luật Đường bộ; phối hợp với Bộ Công an, các bộ, ngành liên quan xây dựng dự án Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ để trình Quốc hội xem xét tại Kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023), thông qua tại Kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2024); chú trọng nâng cao năng lực, hiệu quả thực thi pháp luật về bảo đảm trật tự an toàn giao thông, triển khai quyết liệt các giải pháp kiểm soát tải trọng phương tiện; đổi mới công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về bảo đảm trật tự an toàn giao thông; tiếp tục triển khai hiệu quả công tác thu phí không dừng; bảo trì, sửa chữa kết cấu hạ tầng giao thông gắn với rà soát, xử lý dứt điểm các điểm đen về tai nạn giao thông.
Thứ tư, tách bạch chức năng quản lý Nhà nước và chức năng cung cấp dịch vụ công trong lĩnh vực do Bộ Giao thông Vận tải phụ trách, trước hết và trọng điểm là lĩnh vực đăng kiểm, đào tạo cấp phép lái xe; tăng cường xã hội hóa trong lĩnh vực cung ứng dịch vụ đăng kiểm, tập trung khắc phục tình trạng đình trệ trong hoạt động đăng kiểm, xử lý triệt để các sai phạm và sớm đưa hoạt động đăng kiểm trở lại bình thường; chỉ đạo rà soát, kịp thời sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật, quy trình, quy phạm trong lĩnh vực đăng kiểm; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong quản lý Nhà nước và cung ứng dịch vụ công do Bộ Giao thông Vận tải phụ trách.
Thứ năm, tiếp tục hoàn thiện các quy định của pháp luật, rà soát, hoàn thiện về nội dung, phương pháp đào tạo, tiêu chuẩn, điều kiện về cơ sở vật chất đối với các cơ sở đào tạo nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch, cấp lại giấy phép lái xe; chấm dứt tình trạng cấp giấy phép lái xe cho những người không đủ sức khỏe, năng lực hành vi; nghiên cứu giải pháp quản lý lái xe sau đào tạo.
Từ 9 giờ 50-11 giờ 20, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái báo cáo, làm rõ các vấn đề liên quan và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.
Từ 11 giờ 20-11 giờ 30, Chủ tịch Quốc hội phát biểu kết thúc phiên chất vấn và trả lời chất vấn, trong đó, nêu rõ sau 2,5 ngày làm việc khẩn trương, sôi nổi, tập trung, trí tuệ, trách nhiệm cao, Quốc hội đã hoàn thành tốt đẹp phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 5.
Phiên chất vấn diễn ra trong không khí dân chủ, thẳng thắn, thu hút được sự quan tâm và chú ý rộng rãi của cử tri và nhân dân cả nước, với 454 lượt đại biểu Quốc hội đăng ký tham gia chất vấn, 112 lượt đại biểu Quốc hội đã thực hiện quyền chất vấn, 49 lượt đại biểu Quốc hội đã tiến hành tranh luận để làm rõ hơn những vấn đề mà đại biểu quan tâm, nâng tổng số đại biểu tham gia chất vấn của 2 năm đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV lên 831 lượt người; tiếp tục khẳng định chất vấn và trả lời chất vấn là hình thức giám sát tối cao trực tiếp được đại biểu Quốc hội rất quan tâm và đạt hiệu quả cao.
Qua phiên chất vấn cho thấy các vị đại biểu Quốc hội đã thực hiện nghiêm túc các quy định tại Nội quy kỳ họp năm 2022, nhất là các nguyên tắc về cách thức chất vấn, trao đổi, tranh luận, bảo đảm đúng thời gian quy định, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, phản ánh sát với diễn biến thực tế đời sống, cũng như tâm tư, nguyện vọng, tình cảm của nhân dân và cử tri cả nước.
Các nội dung hỏi và trả lời nhìn chung ngắn gọn, cụ thể, rõ ràng, có sự đối thoại, tranh luận thẳng thắn, mang tính xây dựng, tận dụng tối đa, hiệu quả thời gian để chất vấn và làm rõ thêm vấn đề.
Diễn biến phiên chất vấn cho thấy việc lựa chọn 4 nhóm vấn đề chất vấn lần này là cần thiết, đáp ứng nhu cầu thực tiễn, mong muốn của nhân dân và cử tri.
Phiên chất vấn và trả lời chất vấn đã tiếp tục phát huy tích cực tinh thần tận tâm, tận lực, tích cực, tâm huyết và trách nhiệm của các vị đại biểu Quốc hội, của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ, các vị Bộ trưởng và trưởng ngành.
Tuy nhiên, trong từng lĩnh vực, bên cạnh những kết quả đã đạt được, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, thách thức, cần phải có quyết tâm cao, có nhiều giải pháp đột phá, hành động quyết liệt, cụ thể, sâu sát để khắc phục trong thời gian tới.
Quốc hội đề nghị Chính phủ, các cấp, các ngành triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm thực hiện tốt hơn nữa, tạo chuyển biến tích cực, rõ rệt đối với những vấn đề vừa được chất vấn tại kỳ họp.
Trên cơ sở chất vấn của các vị đại biểu Quốc hội, trả lời của các thành viên Chính phủ, kết luận đối với nội dung chất vấn về từng nhóm vấn đề, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo các cơ quan nghiên cứu chuẩn bị Nghị quyết về hoạt động chất vấn để trình Quốc hội xem xét thông qua vào cuối kỳ họp, làm cơ sở để tổ chức thực hiện và giám sát theo quy định.
Tại Kỳ họp thứ 6, tháng 10/2023 theo quy định của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng Nhân dân, Quốc hội sẽ xem xét, thảo luận Báo cáo tổng hợp của các thành viên Chính phủ, Báo cáo của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán Nhà nước và những người được chất vấn khác về việc thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về chất vấn và các vấn đề đã hứa tại kỳ họp này và các kỳ họp Quốc hội, các phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.
Đây vừa là cách thức giám sát lại, thể hiện sự đi đến cùng vấn đề giám sát, vừa là kênh thông tin quan trọng để Quốc hội xem xét, phục vụ việc lấy phiếu tín nhiệm các chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn tại Kỳ họp thứ 6.
Đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành chuẩn bị và gửi báo cáo trước ngày 15/7/2023 theo Kế hoạch 435/KH-UBTVQH ngày 16/3/2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Bên cạnh đó, các cơ quan của Quốc hội cần đổi mới cách thức thẩm tra báo cáo để đảm bảo đánh giá chính xác mức độ hoàn thành; các vị đại biểu Quốc hội qua theo dõi, giám sát từ đầu nhiệm kỳ đến nay tiếp tục nghiên cứu, tìm hiểu kỹ để chuẩn bị câu hỏi có chất lượng và mang tính xây dựng cao.
Buổi chiều, nội dung 1: Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Quốc hội nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2024.
Sau đó, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết bằng hình thức biểu quyết điện tử, kết quả như sau: có 459 đại biểu tham gia biểu quyết (bằng 92,91% tổng số đại biểu Quốc hội), trong đó có 451 đại biểu tán thành (bằng 91,3% tổng số đại biểu Quốc hội); có 7 đại biểu không tán thành (bằng 1,42% tổng số đại biểu Quốc hội); có 1 đại biểu không biểu quyết (bằng 0,2% tổng số đại biểu Quốc hội).
Nội dung 2: Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh.
Tại phiên thảo luận đã có 19 đại biểu phát biểu, trong đó ý kiến các đại biểu cơ bản nhất trí về sự cần thiết ban hành Nghị quyết thay thế Nghị quyết số 54/2017/QH14 thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh nhằm tăng cường nguồn lực tài chính, cơ chế tự chủ và tạo cơ sở pháp lý để phát huy tiềm năng, lợi thế, tạo đột phá về phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh trở thành Thành phố văn minh, hiện đại, đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đóng góp ngày càng lớn đối với khu vực và cả nước.
Bên cạnh đó, các đại biểu đã tập trung thảo luận về: tên gọi, phạm vi điều chỉnh, quan điểm, nguyên tắc ban hành, phạm vi của Nghị quyết; các chính sách về tài chính, ngân sách, tiền lương, thu nhập tăng thêm; tính khả thi của việc nâng mức vay không quá 120% số thu theo phân cấp; chính sách về quản lý đô thị, tài nguyên môi trường; điều chỉnh cục bộ quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị; các chính sách tương đồng với dự thảo Luật Đất đai, Luật Nhà ở đang sửa đổi; bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất; cho phép các tổ chức kinh tế thế chấp, chuyển nhượng đất hoặc cho thuê quyền thuê đất; trình tự, thủ tục chuẩn bị thu hồi đất; quy trình, thủ tục đầu tư công; danh mục ngành nghề, điều kiện ưu đãi thu hút đầu tư, các nhà đầu tư chiến lược, các dự án FDI lớn; quản lý khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, phát triển công nghệ cao; tổ chức bộ máy của Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Thủ Đức và các cơ chế phân cấp, ủy quyền; việc sử dụng nguồn tăng thu cho đầu tư công; quy hoạch đô thị theo định hướng phát triển giao thông công cộng; đầu tư theo phương thức PPP, các dự án BT, BOT; quy hoạch, bố trí nhà ở xã hội; thành lập Sở An toàn thực phẩm; phát triển hệ thống y tế dưới hình thức đối tác công tư; mô hình hoạt động và cơ chế công ty đầu tư tài chính nhà nước; việc sử dụng mái nhà các trụ sở là tài sản công để đặt hệ thống điện mặt trời; thời điểm thông qua Nghị quyết; việc áp dụng pháp luật và các điều khoản chuyển tiếp; thời gian thực hiện thí điểm.
Kết thúc phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Thứ sáu, ngày 9/6/2023: Sáng, Quốc hội nghe: Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi); Kết quả lấy ý kiến nhân dân về dự án Luật Đất đai (sửa đổi); Báo cáo thẩm tra dự án Luật Đất đai (sửa đổi); sau đó, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật Đất đai (sửa đổi).
Chiều, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn (sửa đổi); thảo luận ở tổ về dự án Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự./.
Theo TTXVN/Vietnam+
Liên kết website
Ý kiến ()