Bà Nguyễn Thị Hồng cho biết, 4 ngân hàng quốc doanh thống nhất dành 120.000 tỷ, lãi suất thấp hơn 1,5-2% cho nhà ở xã hội.
Các bộ ngành, địa phương đã nêu quan điểm, cam kết hỗ trợ cho lĩnh vực bất động sản tạiHội nghịtháo gỡ khó khăn cho thị trường sáng 17/2. Các nội dung tháo gỡ tập trung chủ yếu vào hai nút thắt lớn của thị trường gồm vốn và vướng mắc pháp lý. Đây là thông tin được toàn bộ doanh nghiệp mong chờ sau gần một năm thị trường ảm đạm, nhiều đơn vị kinh doanh phải phá sản, người lao động bị sa thải, giảm lương hàng loạt.
Để khơi thông nguồn vốn trên thị trường bất động sản, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, 4 ngân hàng quốc doanh đã thống nhất có một gói tín dụng 120.000 tỷ đồng dành cho xây dựng dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân. Lãi suất cho vay với người xây dựng và người mua nhà sẽ thấp hơn 1,5-2% lãi suất cho vay bình quân của các ngân hàng trên thị trường trong từng thời kỳ.
Gói tín dụng này về sau có thể nhiều hơn nếu có thêm ngân hàng tham gia, theo Thống đốc. Bà cũng khẳng định nếu các nhà băng tham gia mà bị thiếu hụt về thanh khoản, Ngân hàng Nhà nước sẵn sàng tái cấp vốn.
Gói tín dụng được bà Hồng đưa ra sáng 17/2 có quy mô lớn hơn 10.000 tỷ đồng so với đề xuất của Bộ Xây dựng. Trước đó, nói về đề xuất của Bộ Xây dựng, bà Hồng cho biết, việc có một gói tín dụng riêng cho lĩnh vực nhà ở xã hội, nhà ở công nhân là cần thiết, giúp đồng thời tăng cung và giảm mất cân đối trên thị trường. Tuy nhiên, cần cân nhắc nguồn vốn đến từ đâu, tức với nguồn từ tái cấp vốn, là cung ứng tiền ra với thời gian dài hạn, có thể làm giảm tính linh hoạt trong điều hành chính sách tiền tệ.
Tính chung cho toàn ngành, Thống đốc cho biết, ngân hàng tiếp tục dành nguồn vốn cho các dự án có đủ điều kiện pháp lý, có khả năng tiêu thụ sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thực về nhà ở. Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ tìm cách để cố gắng giảm mặt bằng lãi suất.
"Năm nay, chúng tôi tăng trưởng 14-15%, cao hơn mức 14,17% của năm ngoái. Ngân hàng Nhà nước cũng không có room kiểm soát riêng tín dụng về bất động sản", bà nói.
Còn Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, đang đề xuất những giải pháp hỗ trợ giúp thị trường trái phiếu phát triển lành mạnh, an toàn. Kênh trái phiếu bị tắc thời gian qua đã ảnh hưởng mạnh đến việc huy động vốn của các doanh nghiệp bất động sản.
Cơ quan này đang trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số quy định tại Nghị định 65 về phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ để góp phần tháo gỡ các khó khăn hiện tại của thị trường trái phiếu. Bộ Tài chính cũng hoàn thiện chính sách phát triển các nhà đầu tư chuyên nghiệp, nhà đầu tư dài hạn (quỹ đầu tư) để tạo cầu đầu tư bền vững cho thị trường; Bộ cũng tìm cách sớm đưa hệ thống giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ vào hoạt động nhằm phát triển thị trường thứ cấp minh bạch, an toàn, tăng cường khả năng quản lý, giám sát, giảm thiểu rủi ro.
Bên cạnh đó, ông cho biết, Bộ sẽ tiếp tục tăng cường truyền thông, tạo dựng lại niềm tin của nhà đầu tư, giúp họ an tâm tham gia huy động và đầu tư trên thị trường vốn; đồng thời tăng cường sự tham gia của các định chế, nhà đầu tư chuyên nghiệp, ưu tiên phát triển nhà đầu tư dài hạn như các quỹ đầu tư, quỹ hưu trí tự nguyện, doanh nghiệp bảo hiểm.
Với các vấn đề pháp lý, các bộ ngành địa phương đều thống nhất sẽ sửa chữa, loại bỏ những rào cản, quy định, thủ tục không hợp lý.
Ví dụ, với bất cập trong đấu giá, đấu thầu dự án bất động sản, Bộ Kế hoạch & Đầu tư cho biết đang cùng Bộ Tài nguyên và Môi trường hoàn thiện quy định nhằm lấp khoảng trống pháp lý, nhưng tránh mâu thuẫn, chồng chéo trong luật.
Bộ này cũng đang hoàn thiện Dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi), đưa ra tiêu chí chọn nhà đầu tư, gồm phương pháp, tiêu chuẩn đánh giá hồ sơ dự thầu, điều chỉnh chủ trương đầu tư và chuyển nhượng dự án.
Bộ Xây dựng cũng đề xuất sửa đổi các vấn đề hoàn thiện thể chế, pháp lý trên thị trường bất động sản liên quan đến Luật Đầu tư, Luật Đất đai, Luật Thuế, Luật Chứng khoán. Cơ quan này đang chủ trì sửa đổi hai dự án luật về nhà ở và kinh doanh bất động sản, đồng thời trình Quốc hội Nghị quyết tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp kịp thời. Bộ cũng đề xuất các địa phương phải nâng cao tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu, khắc phục tâm lý sợ sai, sợ chịu trách nhiệm; đẩy mạnh thủ tục hành chính.
Tại điểm cầu TP HCM, Phó chủ tịch Bùi Xuân Cường cho biết, thành phố sẽ tháo gỡ vướng mắc về thủ tục đầu tư đối với dự án nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân, cải tạo nhà chung cư cũ. Thành phố đang tập trung 18 dự án nhà ở xã hội ưu tiên cũng như 16 dự án chung cư xuống cấp để thúc đẩy trong năm 2023. Việc điều chỉnh quy hoạch của thành phố cũng sớm được hoàn tất, theo ông Cường.
Ngoài ra, thành phố cũng tập trung phát triển các công trình hạ tầng kỹ thuật để kết nối vành đai 2, vành đai 3, cao tốc TP HCM - Mộc Bài, các dự án cải tạo vành đai trung tâm, tập trung thúc đẩy các dự án lớn.
"Thành phố sẽ lập tổ công tác để tháo gỡ những vướng mắc của dự án bất động sản. Hiện nay khoảng 116 dự án, trong đó có 3 dự án ưu tiên tập trung giải quyết, xử lý dứt điểm", ông nói.
Trong lúc chờ đợi các giải pháp của bộ ngành đi vào thực thi,các doanh nghiệp bất động sản được khuyến nghị phải "tự cứu lấy mình". Bởi nhiều phân tích tại hội nghị cũng chỉ ra, bên cạnh vấn đề ngoại cảnh, khó khăn của thị trường hiện nay cũng một phần do doanh nghiệp tạo ra.
TS. Lê Xuân Nghĩa nói, tình trạng thị trường hiện nay chủ yếu là thiếu cung, thừa cầu. Các doanh nghiệp cần bỏ thói quen kinh doanh chộp giật, thiếu chuyên nghiệp, chưa có tầm quốc tế. Còn GS Hoàng Văn Cường cho biết, hiện nhiều doanh nghiệp đang chuyển dư nợ sang thành nợ tiêu dùng dân cư thông qua phương thức bán hàng kèm theo gói tài trợ vốn vay lên đến 70% giá trị bất động sản. Đây là hiện tượng đầu cơ chờ tăng giá, chứ không phải vay mua nhà để ở.
Nói thêm, ông Cường cho rằng, ngân hàng cần kiểm soát không cho vay mua bất động sản núp bóng tiêu dùng dân cư với các bất động sản không phải là nhà ở thu nhập thấp. Việc này sẽ buộc các doanh nghiệp phải hạ giá bán.
Còn ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc, Công ty Gp.Invest nói, thị trường trái phiếu bất ổn là do một số doanh nghiệp đã "quá đà" trong việc phát hành để "ôm dự án". Điều này gây ra biến động phức tạp cho thị trường tài chính và ảnh hưởng lớn đến niềm tin của thị trường bất động sản.
Thủ tướng Phạm Minh Chínhtrong kết luận hội nghị nhận định, doanh nghiệp phải có trách nhiệm với chính mình, giải quyết các khó khăn do mình gây ra vì đã dự báo không sát, phát triển thị trường không tốt, đầu tư vốn không hiệu quả. Các doanh nghiệp theo đó phải cơ cấu lại các phân khúc, giá cả hợp lý để thúc đẩy thanh khoản, hướng tới kinh doanh có lãi nhưng hài hòa.
"Lúc làm ăn có lãi bù trừ với lúc làm ăn thua lỗ, không thể lúc nào cũng có lãi được, không thể khó khăn cũng đòi có lãi, không có ai nắm tay đến tối, gối tay đến sáng, phải góp phần vì cái chung", Thủ tướng nói.
Tuy nhiên, ông cũng không phủ nhận việc các cơ quan quản lý phản ứng chậm trong việc gỡ vướng cho thị trường. Cán bộ nhiều nơi còn sợ trách nhiệm, không dám làm. Thủ tướng nhìn nhận, lúc này các bên liên quan cần cùng nhau giải quyết, tháo gỡ các nút thắt".
"Tinh thần ở đây là lợi ích hài hòa, chia sẻ rủi ro giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp", ông nói và nhấn mạnh, cấu trúc này nếu không hài hòa thì sẽ không ổn định, không ai phát triển được.
Thủ tướng cho biết sau Hội nghị, Chính phủ sẽ ban hành Nghị quyết. Chính phủ sẽ có đề án riêng về phát triển nhà ở, nhà ở công nhân, người thu nhập thấp; đồng thời xem xét đến gói tín dụng vừa được nêu ra.
Ý kiến ()