Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 12:41 (GMT +7)
Thông qua Nghị quyết về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2025
Thứ 7, 08/06/2024 | 19:00:00 [GMT +7] A A
Chiều 8/6, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2025. Kết quả biểu quyết cho thấy, có 466/467 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành với việc thông qua Nghị quyết (đạt tỷ lệ 95,69%).
Theo Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường, trên cơ sở các ý kiến phát biểu tại hội trường và ý kiến của các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tại Phiếu xin ý kiến gửi qua App Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo tổng hợp để báo cáo Quốc hội về kết quả lựa chọn chuyên đề giám sát và tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội.
Căn cứ kết quả trên, Quốc hội quyết định sẽ giám sát tối cao chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường kể từ khi Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực thi hành”; giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển và sử dụng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao”, báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 10.
Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, trên cơ sở đề xuất của các cơ quan của Quốc hội, các Đoàn ĐBQH và căn cứ đặc điểm tình hình năm 2025, sau khi cân nhắc nhiều mặt, để bảo đảm chất lượng, tính khả thi của chương trình, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất trình Quốc hội và được đại đa số ĐBQH nhất trí, quyết định lựa chọn 01 chuyên đề để Quốc hội giám sát tối cao và Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành giám sát 01 chuyên đề.
Bên cạnh đó, một số nội dung như đề xuất của đại biểu đã được lồng ghép trong xem xét việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về: kế hoạch tài chính quốc gia và vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021-2025; kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025; nghị quyết về đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí…
Đồng thời, tiếp thu ý kiến ĐBQH, căn cứ tình hình thực tế, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiếp tục chỉ đạo các cơ quan của Quốc hội cân nhắc lựa chọn những vấn đề được cử tri, Nhân dân và ĐBQH quan tâm để tiến hành giám sát theo hình thức phù hợp.
Một số ý kiến đề nghị, khi xác định nội dung giám sát của các chuyên đề giám sát năm 2025 cần trọng tâm, tập trung một số vấn đề cụ thể; đồng thời, giới hạn phạm vi giám sát phù hợp để hoạt động giám sát hiệu quả, thiết thực. Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường nhấn mạnh: Tiếp thu ý kiến của ĐBQH, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo xác định trọng tâm, trọng điểm khi xây dựng dự thảo Nghị quyết thành lập Đoàn giám sát trình Quốc hội và khi xây dựng kế hoạch chi tiết của Đoàn giám sát.
Một số ý kiến đề xuất các giải pháp để tiếp tục cải tiến, đổi mới, nâng cao hơn nữa chất lượng hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các Đoàn ĐBQH và ĐBQH như: lựa chọn nội dung để giao cho Đoàn ĐBQH giám sát hoặc cho phép các Đoàn lựa chọn một số nội dung giám sát phù hợp với nguồn lực của Đoàn và tình hình thực tế của địa phương; tiếp tục hoàn thiện cơ chế hoạt động của tổ giúp việc, tổ công tác, hoạt động của các chuyên gia và sự tham gia của các tổ chức, cá nhân liên quan trong quá trình giám sát.
Tăng cường các báo cáo độc lập của các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan khác như Kiểm toán nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội nghề nghiệp; hoàn thiện cơ chế theo dõi, đánh giá việc thực hiện kết quả giám sát, trong đó nâng cao chất lượng công tác theo dõi, tổng hợp, đánh giá đối với kết quả thực hiện các kiến nghị giám sát của Đoàn ĐBQH.
Đẩy mạnh và thực hiện chặt chẽ hơn hoạt động giám sát việc chấp hành pháp luật về xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật; tăng cường hoạt động “giám sát lại”, giám sát việc giải quyết kiến nghị cử tri; tổ chức các phiên giải trình, giám sát văn bản quy phạm pháp luật có nội dung liên quan đến thủ tục hành chính; sớm hoàn thiện hồ sơ trình Quốc hội cho ý kiến về sửa đổi, bổ sung Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu ý kiến, kiến nghị của các ĐBQH để tiếp tục chỉ đạo các cơ quan, các Đoàn giám sát theo chức năng, nhiệm vụ, nghiên cứu đề xuất, cụ thể hóa các giải pháp trong quá trình triển khai các hoạt động, xây dựng báo cáo kết quả giám sát và nghị quyết giám sát chuyên đề.
Ngay sau khi được Quốc hội đồng ý đưa Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiếp tục chỉ đạo việc nghiên cứu sửa đổi và hoàn thiện hồ sơ trình Quốc hội cho ý kiến, bảo đảm thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng; tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn, bảo đảm tính khả thi, thống nhất của hệ thống pháp luật và yêu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động giám sát trong giai đoạn hiện nay.
Theo baochinhphu.vn
Liên kết website
Ý kiến ()