Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 23/11/2024 02:59 (GMT +7)
Thót tim với ngữ liệu đề thi văn: Bộ Giáo dục và Đào tạo nói gì?
Thứ 6, 12/01/2024 | 15:03:29 [GMT +7] A A
Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) khẳng định "một vài sự cố không có nghĩa là quy định về yêu cầu chọn ngữ liệu đề thi văn trong công văn 3175 là máy móc".
Sau sự cố ê kíp ra đề kiểm tra môn ngữ văn bị kiểm điểm ở huyện Thanh Bình (Đồng Tháp), nhiều giáo viên ngữ văn cho biết họ "thót tim" khi ra đề thi với yêu cầu bắt buộc phải chọn ngữ liệu ngoài sách giáo khoa (SGK) theo công văn 3175 ngày 21-7-2022 của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT).
Xung quanh vấn đề này, phóng viên đã trao đổi với PGS.TS Nguyễn Xuân Thành - vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD-ĐT).
Ông Thành khẳng định: "Những hướng dẫn về đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá môn ngữ văn ở trường phổ thông theo công văn 3175 rất mạch lạc".
Đánh giá năng lực, phẩm chất học sinh
* Thưa ông, có ý kiến cho rằng yêu cầu trong công văn 3175 về việc khi ra đề kiểm tra, giáo viên ngữ văn phải chọn ngữ liệu ngoài SGK là máy móc, thậm chí khiến giáo viên lo lắng về các sự cố nghề nghiệp?
- Tôi rất chia sẻ với những giáo viên gặp sự cố, bị dư luận phản ứng trong chọn ngữ liệu ra đề thi ngữ văn gần đây. Đó chắc chắn là những sự cố ngoài mong muốn của nhà giáo và sẽ là kinh nghiệm cho các thầy cô giáo.
Nhưng tôi phải khẳng định rằng một vài sự cố đó không có nghĩa là quy định về yêu cầu chọn ngữ liệu đề thi văn trong công văn 3175 là máy móc...
Văn bản ghi rất rõ rằng: "Trong đánh giá học kỳ cuối năm, cuối cấp học tránh dùng các văn bản đã học trong SGK làm ngữ liệu xây dựng các đề kiểm tra đọc hiểu và viết".
Điều này nhằm đánh giá chính xác năng lực học sinh, khắc phục tình trạng học sinh chỉ học tủ, học thuộc. Vì nếu kiểm tra khả năng đọc hiểu của học sinh mà kiểm tra đúng văn bản đã học trong SGK thì kiểm tra học thuộc chứ không phải kiểm tra năng lực đọc hiểu của học sinh.
Mục đích là đánh giá chính xác năng lực học sinh và khắc phục tình trạng học sinh chỉ học thuộc bài, sao chép nội dung có sẵn.
* Tiêu chí lựa chọn ngữ liệu được nêu trong chương trình ngữ văn 2018 cũng bị kêu là chỉ dừng ở những định hướng chung, khái quát, chưa được cụ thể hóa để thành những chỉ dẫn chuyên môn thiết thực, khiến giáo viên mơ hồ trong chọn ngữ liệu?
- Bộ GD-ĐT đã làm nhiều việc để chương trình đến gần với giáo viên, bởi giáo viên hiểu càng sâu về chương trình càng đạt được mục tiêu của chương trình.
Nhưng chúng ta cần nhìn nhận rằng những chỉ dẫn chuyên môn cần được các địa phương tiếp tục bồi dưỡng giáo viên và bản thân giáo viên cũng phải tự bồi dưỡng. Chúng ta phải biến quá trình đào tạo thành tự đào tạo, tự bồi dưỡng.
Đặc biệt, giáo viên phải nâng cao năng lực hiểu về chương trình. Khi kiểm tra đánh giá nội dung nào, yêu cầu nào cần đạt của chương trình thì chọn những văn bản, ngữ liệu tương ứng để có những câu hỏi đặt ra cho học sinh.
Có thể dùng trích đoạn khác của tác phẩm trong SGK
* Trong bối cảnh giáo viên vừa thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới 2018 với nhiều thay đổi và lại yêu cầu phải chọn ngữ liệu mới hoàn toàn so với SGK, điều này có thúc đẩy sự sáng tạo của giáo viên trong ra đề kiểm tra, đánh giá của giáo viên hay không, thưa ông?
- Bước đầu đâu đó vẫn còn những giáo viên bỡ ngỡ, bối rối nhưng với sự tập huấn, hướng dẫn chuyên môn... từ trường, sở và bộ, giáo viên ngày càng vững vàng hơn, tự tin hơn trong ra đề sáng tạo.
Bên cạnh những đề kiểm tra, đề thi được nhắc đến như sự cố thì ngay trên báo chí cũng phát hiện và phản ánh không ít những đề ngữ văn hay, đổi mới.
Thực tế, không phải đến nay đề thi, đề kiểm tra mới yêu cầu chọn ngữ liệu ngoài SGK. Ở cấp toàn quốc, nội dung này đã được thực hiện trong đề thi tốt nghiệp THPT ngữ văn mấy năm qua ở phần đọc hiểu.
Văn bản kiểm tra năng lực đọc hiểu của học sinh luôn luôn là văn bản mới. Vì kiểm tra năng lực đọc hiểu của học sinh phải kiểm tra ở văn bản mới. Nếu đề thi lấy một đoạn văn đã được cô giáo, thầy giáo phân tích kỹ, dạy kỹ, học sinh hiểu rõ ở trong SGK rồi thì lúc này năng lực đọc hiểu của học sinh có còn chính xác không?
Tôi cho rằng đây là năng lực học thuộc chứ không phải kiểm tra năng lực đọc hiểu.
* Ông nghĩ sao về việc giáo viên nói rằng yêu cầu của công văn 3175 khi ra đề kiểm tra đánh giá phải lấy văn bản ngoài SGK là đáng tiếc khi tác phẩm kinh điển, chất lượng (được chọn lọc đưa vào SGK) bị bỏ qua trong ra đề thi?
- Tôi cần nhấn mạnh rằng công văn 3175 ghi rõ "Tránh dùng lại văn bản đã học trong SGK" có nghĩa là giáo viên không được dùng văn bản đã in trong SGK để ra đề thi trong đọc hiểu, viết cho học sinh.
Như vậy, không phải giáo viên không được dùng văn bản khác của những tác phẩm đã được học trong SGK.
Ví dụ, một tác phẩm văn học dài mà trong SGK đã đưa trích đoạn đó vào dạy học thì giáo viên không lấy trích đoạn đó để ra đề đọc hiểu, viết chứ không phải là không được lấy trích đoạn khác trong tác phẩm văn học đó để ra đề.
Vì thế, không có chuyện quy định này sẽ khiến cho đề kiểm tra đánh giá của học sinh sẽ thiếu bóng dáng của những tác phẩm văn học kinh điển.
2 lưu ý khi lựa chọn ngữ liệu * Bộ GD-ĐT có những lưu ý nào để giáo viên ngữ văn an tâm hơn trong ra đề thi theo yêu cầu công văn 3175? - Ngữ liệu để ra đề văn là không thiếu. Kho tàng văn học Việt Nam rất đa dạng, phong phú, giáo viên có thể lựa chọn để ra đề. Thầy cô giáo cũng có thể lựa chọn những trích đoạn văn bản khác với văn bản đã in trong SGK của cùng một tác phẩm, một tác giả... để làm ngữ liệu đọc hiểu và viết. Các yêu cầu về lựa chọn ngữ liệu đã được các văn bản nêu rõ. Thứ nhất, giáo viên muốn đánh giá năng lực đọc hiểu của học sinh ở thể loại văn bản nào thì phải chọn thể loại văn bản đó để đánh giá học sinh. Thứ hai, nội dung của văn bản phải đảm bảo thuần phong mỹ tục, phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi của học sinh... Thầy cô giáo cần nghiên cứu kỹ chương trình, hiểu sâu về chương trình thì việc chọn ngữ liệu không còn khó khăn. |
Theo tuoitre.vn
Liên kết website
Ý kiến ()