Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 23/12/2024 15:30 (GMT +7)
Thu gom, xử lý rác thải từ các F0
Thứ 4, 09/03/2022 | 07:55:03 [GMT +7] A A
Trước thực trạng gia tăng số người mắc Covid-19 (F0) trong cộng đồng, được cách ly, điều trị tại nhà, dẫn tới phát sinh lượng lớn rác thải y tế, rác thải sinh hoạt tại các địa phương, mới đây đại diện Bộ Tài nguyên - Môi trường đã đưa ra một loạt giải pháp cấp bách, trong đó đề nghị các cấp chính quyền địa phương cần có phương án bố trí đơn vị thu gom rác thải từ các gia đình, địa điểm lưu trú có F0 đang cách ly để đưa đến nơi lưu giữ, xử lý.
Thực tế hiện nay cho thấy, số F0 cách ly, điều trị tại nhà đang tăng nhanh về số lượng tại một số tỉnh, thành phố. Trong khi đó do điều kiện cư trú khác nhau, nhất là tại các chung cư, nhà riêng lẻ, dẫn tới khó khăn trong việc thu gom, xử lý rác thải phát sinh từ các F0 (rác thải y tế, có nguy cơ lây nhiễm bệnh).
Để tháo gỡ khó khăn này, Bộ Tài nguyên - Môi trường đã họp với Bộ Y tế bàn hướng xử lý. Trước mắt, Bộ Tài nguyên - Môi trường đề nghị UBND các tỉnh, thành phố cần tăng cường các biện pháp tuyên truyền, hướng dẫn để người dân thực hiện nghiêm việc phân loại rác, thu gom rác thải y tế lây nhiễm theo hướng dẫn của Bộ Y tế, không để lẫn với rác thải sinh hoạt. Cùng với đó, UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các cơ quan tại địa phương phối hợp chặt chẽ với đơn vị thu gom rác để xây dựng, cập nhật phương án thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải phát sinh từ các F0 đang cách ly tại nhà trên địa bàn. Đặc biệt, các địa phương cần có phương án bố trí đơn vị thu gom rác thải từ các gia đình, địa điểm lưu trú có F0 đang cách ly để đưa đến nơi lưu giữ, chuyển giao kịp thời cho cơ sở xử lý để giảm thiểu nguy cơ phát tán mầm bệnh ra cộng đồng, môi trường...
Theo đại diện Bộ Tài nguyên - Môi trường, để đảm bảo hiệu quả việc thu gom, xử lý rác thải từ các F0, thì phương án thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải, đặc biệt là rác thải phát sinh tại gia đình có người đang cách ly tại nhà cần được xây dựng cụ thể đối với từng khu vực chung cư, khu đô thị tập trung và các nhà riêng lẻ trong khu dân cư.
Ngoài ra, các cơ quan chuyên môn cần tăng cường hướng dẫn, kiểm tra, giám sát các cơ sở, đơn vị công ích, thu gom, vận chuyển rác thải trên địa bàn; xây dựng lộ trình thu gom, vận chuyển hợp lý, bố trí các thùng chứa và phương tiện vận chuyển rác riêng biệt, đảm bảo vệ sinh môi trường để thu gom rác thải phát sinh từ gia đình có người cách ly tại nhà theo các khung giờ cố định và chuyển tới cơ sở xử lý...
Để đảm bảo rác thải được xử lý hiệu quả, triệt để, tránh quá tải, các địa phương, đơn vị cần liên hệ, phối hợp tốt trong công tác vận chuyển, xử lý chất thải y tế phát sinh do dịch Covid-19 tại địa phương. Đặc biệt, trong trường hợp các cơ sở xử lý tại địa phương không đảm bảo đủ năng lực xử lý, cần có phương án đề nghị các địa phương khác hỗ trợ xử lý. Trước mắt, các địa phương cần yêu cầu các cơ quan trên địa bàn chỉ đạo thực hiện nghiêm việc phân loại rác y tế theo hướng dẫn của Bộ Y tế; chủ động, linh hoạt điều chỉnh kế hoạch/phương án thu gom, vận chuyển, xử lý và phối hợp với các địa phương khác hỗ trợ xử lý, tránh tình trạng quá tải...
Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 vừa có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2022, trong đó có nội dung UBND cấp tỉnh có trách nhiệm quy định về việc thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải y tế phù hợp với điều kiện của địa phương. Bên cạnh đó, với trách nhiệm hướng dẫn, từ năm 2020 đến nay, Bộ Tài nguyên- Môi trường cũng đã có nhiều văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố về việc tăng cường quản lý, đảm bảo xử lý triệt để chất thải phát sinh do dịch bệnh Covid-19. Trong đó có hướng dẫn về một số biện pháp quản lý chất thải phát sinh do dịch Covid-19 trên địa bàn, nhất là các trường hợp cách ly tại nhà. Cụ thể, việc thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải phát sinh từ các cơ sở y tế, khu cách ly tập trung, cách ly tại nhà và các khu vực cách ly khác, UBND các tỉnh, thành phố chủ động xây dựng, điều chỉnh kế hoạch thu gom, xử lý chất thải y tế trên địa bàn phù hợp với tình hình thực tế theo quy định. Cùng với đó, các địa phương cần ưu tiên xử lý chất thải y tế theo mô hình cụm cơ sở y tế và các cơ sở xử lý chất thải nguy hại có chức năng xử lý chất thải y tế tại địa phương, đảm bảo khoảng cách thu gom ngắn nhất từ nơi phát sinh tới cơ sở xử lý...
Thu gom, xử lý chất thải phát sinh từ các F0 cách ly, điều trị tại nhà là vấn đề rất đáng quan tâm hiện nay, khi số ca mắc liên tục gia tăng trong cộng đồng. Theo số liệu thống kê của Bộ Y tế, trong những ngày gần đây, trung bình có hơn 100 ngàn ca mắc mỗi ngày trong toàn quốc. Điều này cho thấy lượng rác do các F0 thải ra cũng không phải là ít.
Với tính chất là rác thải nguy hại, có thể lây nhiễm bệnh, nên việc thu gom, xử lý rác thải từ các F0 phải đảm bảo tuyệt đối tuân thủ theo quy trình, quy định, không thể để lẫn với rác thải sinh hoạt thông thường. Do vậy, để đảm bảo không lây truyền bệnh từ rác thải của các F0, các cấp chính quyền và ngành Y tế cần sớm có các phương án, quy định, cách thức để phân loại, thu gom, xử lý loại rác đặc biệt này một cách khoa học, triệt để, tránh để phát tán, lây truyền dịch bệnh ra môi trường, cộng đồng, góp phần ngăn chặn, phòng chống dịch bệnh Covid-19 hiệu quả...
Thanh Tùng
Liên kết website
Ý kiến ()