Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 03/11/2024 04:21 (GMT +7)
Thu hút, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao
Thứ 5, 30/09/2021 | 06:15:57 [GMT +7] A A
Với những giải pháp quyết liệt, chất lượng nguồn nhân lực trên địa bàn Quảng Ninh được nâng lên rõ rệt; tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng từ 60% (năm 2015) lên 85% (năm 2020).
Phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao luôn được Quảng Ninh xác định là một trong 3 đột phá chiến lược, là yếu tố quan trọng, nền tảng vững chắc tạo đà cho sự phát triển bền vững. Ngay từ rất sớm, tỉnh đã quan tâm phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, với việc ban hành cơ chế, chính sách riêng, nhằm thu hút lao động và phát triển nguồn nhân lực trên địa bàn. Tiêu biểu là Nghị quyết số 15-NQ/TU ngày 9/6/2014 của Tỉnh uỷ về đẩy mạnh cải cách hành chính và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. HĐND tỉnh cũng ban hành cơ chế, chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao về làm việc tại trường Đại học Hạ Long (Nghị quyết 178/2014/NQ-HĐND, Nghị quyết 93/2017/NQ-HĐND); chính sách thu hút, hỗ trợ học tập đối với sinh viên học các chuyên ngành tỉnh cần (Nghị quyết 190/2015/NQ-HĐND; Nghị quyết 187/2019/NQ-HĐND); chính sách hỗ trợ học nghề thuộc danh mục nghề khuyến khích đào tạo và hỗ trợ học phí học văn hóa cho học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở học tiếp lên trình độ trung cấp, cao đẳng trên địa bàn tỉnh (Nghị quyết 220/2015/NQ-HĐND; Nghị quyết 140/2018/NQ-HĐND, Nghị quyết 310/2020/NQ-HĐND)...Các chính sách đã góp phần tích cực đối với việc đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trên địa bàn tỉnh, đáp ứng yêu cầu và cung ứng nguồn nhân lực có kỹ năng cho thị trường và các doanh nghiệp, đóng góp vào cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh.
Theo thống kê, giai đoạn 2015-2020, tỉnh chi gần 22.000 tỷ đồng cho lĩnh vực giáo dục đào tạo, qua đó, đưa tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng liên tục từ 63% (năm 2015) lên 85% (năm 2020), trong đó lao động có bằng cấp, chứng chỉ đạt 45,5%, thuộc nhóm dẫn đầu cả nước.
Tuy nhiên, theo cơ quan chức năng, kết quả thu hút, đào tạo nguồn nhân lực đối với một số ngành nghề còn chưa cao; một số ngành nghề tỉnh cần thu hút, đào tạo chưa có nhiều người học; số lượng lao động qua đào tạo có kỹ năng, tay nghề cao chưa đáp ứng nhu cầu sử dụng của các doanh nghiệp trên địa bàn... Tại Báo cáo Chính trị Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV cũng chỉ rõ, Quảng Ninh chưa có nhiều đột phá trong phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao.
Theo đánh giá của các chuyên gia, dự kiến năm 2025 số lượng lao động cho các KKT, KCN trên địa bàn tỉnh là hơn 132.000 người. Trong đó, nhu cầu về lao động có trình độ đại học trở lên khoảng 10.600 người, cao đẳng khoảng 7.600 người, trung cấp 7.500 người, sơ cấp và dạy nghề dưới 3 tháng là 7.400 người, lao động chưa qua đào tạo 99.000 người.
Với sự tăng trưởng ấn tượng những năm gần đây, đặc biệt là định hướng phát triển KT-XH của Quảng Ninh đặt ra yêu cầu lớn về nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao. Tháo gỡ nút thắt này, nhiều giải pháp được xây dựng, triển khai. Tỉnh chỉ đạo xây dựng đề án Phát triển nguồn nhân lực tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2020-2025, định hướng đến 2030. Đồng thời, tiếp tục xây dựng cơ chế, chính sách thu hút, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Điển hình là việc ban hành Nghị quyết 35/2021/NQ-HĐND ngày 27/8/2021 của HĐND tỉnh khóa XIV về chính sách thu hút, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao tại Trường Đại học Hạ Long, Trường Cao đẳng Việt - Hàn Quảng Ninh và Trường Cao đẳng Y tế Quảng Ninh giai đoạn 2021-2025. Theo đó, học sinh theo học tại các trường trên đảm bảo các điều kiện quy định trong Nghị quyết sẽ được hỗ trợ tiền học phí hằng tháng, tiền ăn, chi phí học tập, hỗ trợ chỗ ở, được thưởng khi đạt thành tích cao.
Đơn cử, đối với học sinh, sinh viên học hệ chính quy tại Trường Cao đẳng Việt - Hàn Quảng Ninh trình độ trung cấp, cao đẳng học các nghề trọng điểm cấp độ quốc tế (cắt gọt kim loại, hàn, điện tử công nghiệp, điện công nghiệp, công nghệ ô tô) được hỗ trợ 100% tiền đóng học phí hằng tháng, hỗ trợ tiền mua đồ dùng học tập 150.000 đồng/người/tháng nếu có điểm trung bình học tập và điểm rèn luyện trong kỳ đạt loại khá trở lên; được thưởng 1,5 triệu đồng/người/tháng nếu có điểm trung bình chung học tập và điểm rèn luyện trong học kỳ đạt loại giỏi, số tiền tăng lên thành 2,2 triệu đồng/người/tháng nếu đạt loại xuất sắc.
Trường hợp được doanh nghiệp tuyển dụng vào làm việc sau 12 tháng và có cam kết làm việc tại Quảng Ninh từ đủ 36 tháng trở lên, được thưởng 15 triệu đồng/người nếu tốt nghiệp loại giỏi, thưởng 30 triệu đồng nếu tốt nghiệp loại xuất sắc... Đối với các trường hợp thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, thuộc các xã khu vực I vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, tốt nghiệp các trường phổ thông dân tộc nội trú trên địa bàn tỉnh, người hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an không căn cứ vào học lực đều được hỗ trợ 100% học phí, hỗ trợ chỗ ở, tiền ăn.
Cùng với đó là xây dựng, triển khai các chính sách chuyển đổi cơ cấu lao động tại địa phương, chính sách về đào tạo và đào tạo lại lao động để phát triển nhân lực có kỹ năng nghề góp phần tăng năng suất lao động, nâng cao năng lực cạnh tranh trong tình hình mới. Đẩy mạnh truyền thông, tạo sự chuyển biến về nhận thức, sự đồng thuận và huy động sự tham gia của toàn xã hội đối với việc đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp; tăng cường gắn kết giáo dục nghề nghiệp với thị trường lao động và việc làm bền vững.
Việc mở rộng các mô hình cơ sở đào tạo, dạy nghề chất lượng cao, ưu tiên lĩnh vực ngành nghề đang thiếu, tạo dựng chuỗi liên kết lao động sau đào tạo với doanh nghiệp cũng được tỉnh và các trường chú trọng. Tỉnh cũng quan tâm đào tạo chuyển đổi nghề và nâng cao kỹ năng nghề cho lao động nông thôn, lao động trong doanh nghiệp nhỏ và vừa; khuyến khích khu vực tư nhân và các doanh nghiệp tham gia đào tạo nhân lực chất lượng cao; gắn kết chặt chẽ giữa nghiên cứu, đào tạo với nhu cầu của thị trường lao động và tăng nhanh quy mô, chất lượng dân số...
Trần Thanh
Liên kết website
Ý kiến ()