Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 07:40 (GMT +7)
Thu hút vốn FDI: Nỗ lực tạo nên kỳ tích
Thứ 4, 06/12/2023 | 14:41:33 [GMT +7] A A
Tính từ đầu năm 2023 đến nay, các nhà đầu tư nước ngoài đã “rót vốn” vào Quảng Ninh trên 3,11 tỷ USD, tăng 42,3% so với cùng kỳ năm 2022. Kết quả này đã đưa Quảng Ninh dẫn đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Đây cũng là con số kỷ lục về thu hút FDI của tỉnh từ trước tới nay. Đây là thành quả của quá trình không ngừng nỗ lực với những đổi mới, sáng tạo trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo dựng niềm tin vững chắc cho cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư, kiến tạo chính quyền phục vụ.
Hút dòng vốn nước ngoài
Sau dự án đầu tư nhà máy sản xuất màn hình tinh thể lỏng và tivi đầu tiên tại KCN Đông Mai (TX Quảng Yên) vào năm 2019, tháng 6/2023, Tập đoàn Foxconn - một trong những doanh nghiệp sản xuất điện tử hàng đầu trên thế giới tiếp tục đầu tư hai dự án sản xuất lắp ráp linh kiện điện tử, sạc điện, bộ điều khiển sạc điện xe điện, linh kiện của sản phẩm công nghệ thông tin… tại KCN Sông Khoai (TX Quảng Yên) với tổng vốn đầu tư 250 triệu USD. Hai dự án này đã nâng tổng số vốn đầu tư của Tập đoàn tại Quảng Ninh hiện nay lên trên 350 triệu USD.
Ông Châu Nghĩa Văn, Phó Tổng Giám đốc phụ trách Tập đoàn Foxconn Việt Nam, cho biết: Sau 16 năm đầu tư tại Việt Nam, Quảng Ninh là tỉnh Tập đoàn lựa chọn để triển khai những dự án sản xuất quan trọng. Một trong những lý do để Tập đoàn quyết định đầu tư thêm dự án tại Quảng Ninh là sự hỗ trợ hiệu quả của chính quyền địa phương. Cả 2 dự án mới của Foxconn được cấp giấy chứng nhận đầu tư chỉ trong 12h làm việc, kể từ thời điểm nhà đầu tư nộp hồ sơ trực tuyến qua Cổng dịch vụ công của tỉnh, rút ngắn thời gian giải quyết 14 ngày làm việc so với quy định.
Tháng 10/2023, Tập đoàn Jinko Solar - một trong những doanh nghiệp sản xuất tấm quang năng lớn nhất trên thế giới tiếp tục đầu tư dự án tổ hợp công nghệ tế bào quang điện Jinko Solar Hải Hà Việt Nam tại KCN Texhong Hải Hà (huyện Hải Hà) với tổng mức đầu tư 1,5 tỷ USD. Cùng với dự án công nghệ tế bào quang điện và 2 dự án công nghiệp tấm silic tại KCN Sông Khoai, dự án tổ hợp công nghệ tế bào quang điện Jinko Solar Hải Hà Việt Nam đã nâng tổng vốn đầu tư của tập đoàn này trên địa bàn tỉnh lên trên 2,5 tỷ USD.
Ông Trần Kinh Vĩ, Tổng Giám đốc vận hành toàn cầu Tập đoàn Jinko Solar, cho biết: Với dự án công nghệ tế bào quang điện Jinko Solar PV Việt Nam, Quảng Ninh đã trở thành địa phương đóng vai trò rất quan trọng trong chuỗi dây chuyền sản xuất của tập đoàn trên phạm vi toàn cầu. Các nhà máy đang hoạt động tại Quảng Ninh hiện chiếm khoảng 50% tổng sản phẩm sản xuất của tập đoàn tại nước ngoài. Sự hỗ trợ hiệu quả, thực chất, kịp thời của tỉnh là yếu tố quyết định để tập đoàn tiếp tục lựa chọn Quảng Ninh là địa điểm đầu tư thời gian tới.
Việc các nhà đầu tư đã có dự án đầu tư sản xuất tại Quảng Ninh tiếp tục tìm hiểu, nghiên cứu và thực hiện các dự án mới là minh chứng từ thực tiễn cho thấy sự tin tưởng vào những cam kết của tỉnh trong việc đồng hành cùng doanh nghiệp, cũng như khẳng định vị thế của một trong những địa phương có chất lượng điều hành nền kinh tế tốt nhất cả nước với môi trường đầu tư thông thoáng, minh bạch, hiệu quả.
Không dừng lại ở đó, Quảng Ninh cũng thu hút đa dạng các dự án từ nhiều nhà đầu tư ở các nước khác nhau, như: Hồng Kông, Đài Loan, Singapore, Thụy Điển, Nhật Bản... Điển hình như các dự án: Dự án S - Việt Nam của Công ty TNHH Competition Team Technology, dự án Nhà máy sản xuất loa và tai nghe của Công ty TNHH Kỹ thuật điện tử Tonly Việt Nam, dự án đệm túi khí cho túi khí rèm bên hông xe ô tô của Công ty TNHH Autolive Việt Nam...
Khẳng định chất lượng điều hành
Những kết quả ấn tượng trong thu hút FDI là thành quả của một quá trình thay đổi từ tư duy, nhận thức cho tới hành động trong việc đổi mới đầu tư. Ngay từ đầu nhiệm kỳ 2020-2025, BCH Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 01-NQ/TU (ngày 16/11/2020) về phát triển nhanh, bền vững công nghiệp chế biến chế tạo giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030, đây là tiền đề quan trọng cho việc thu hút đầu tư.
Để phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19, Nghị quyết số 12-NQ/TU (ngày 28/11/2022) của BCH Đảng bộ tỉnh "Về phương hướng, nhiệm vụ năm 2023" trong đó, xác định rõ mục tiêu tạo đột phá trong thu hút vốn đầu tư ngoài ngân sách, vốn đầu tư FDI đạt trên 1 tỷ USD.
Trên cơ sở đó, tỉnh đã tập trung chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về GPMB, đất đai; đẩy mạnh cải cách TTHC; thường xuyên lắng nghe, tìm hiểu và tháo gỡ các nút thắt của nhà đầu tư; hoàn thiện hạ tầng các KCN… Tỉnh đặc biệt quan tâm đến giải pháp cốt lõi đó là hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật đảm bảo đồng bộ, liên thông, kết nối vùng, nội vùng và khu vực lân cận. Đồng thời, thành lập Tổ công tác đặc biệt nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ hiệu quả các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, nhà đầu tư.
Tháng 2/2023, Thủ tướng Chính phủ ký quyết định phê duyệt Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 - đây là quy hoạch cấp tỉnh đầu tiên ở vùng Đồng bằng sông Hồng được phê duyệt. Trên cơ sở đó, Phó Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định 1279/QĐ-TTg ban hành kế hoạch thực hiện quy hoạch. Với định hướng hoàn thiện đồng bộ hệ thống các quy hoạch, xây dựng 6 đề án trọng điểm có ý nghĩa tạo đột phá cho sự phát triển, ưu tiên thực hiện các dự án kết cấu hạ tầng tạo sức lan tỏa lớn được xác định rõ trong kế hoạch, Quảng Ninh đã và đang phát huy hơn nữa các lợi thế trong thu hút đầu tư, nhất là dòng vốn FDI.
Ông Nguyễn Văn Nhân, Tổng Giám đốc Công ty CP Đô thị Amata Hạ Long, cho biết: Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là tiền đề để lập quy hoạch chung xây dựng KKT ven biển Quảng Yên. Tin tưởng rằng, với các lợi thế về hạ tầng, đất đai và điều kiện tự nhiên, KKT ven biển Quảng Yên phát huy hơn nữa lợi thế trong thu hút đầu tư, nhất là thu hút FDI.
Ông Hoàng Trung Kiên, Trưởng Ban Quản lý KKT tỉnh, nhấn mạnh: Sự thành công của tỉnh trong thu hút đầu tư FDI không chỉ dừng lại ở những con số về tổng vốn đầu tư, mà quan trọng hơn đó là lĩnh vực, sản phẩm và dự án thu hút đều đảm bảo theo đúng quy hoạch, định hướng phát triển, góp phần hình thành chuỗi công nghiệp công nghệ cao, cơ khí chế tạo, lắp ráp linh kiện, thiết bị điện, điện tử, ô tô, sản phẩm quang năng… Đây là "trái ngọt” của tư duy đổi mới, hành động quyết liệt, ý chí quyết tâm của cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến sở, ngành, địa phương và doanh nghiệp.
Việc thu hút nguồn vốn FDI với các dự án có quy mô đầu tư lớn, công nghệ hiện đại, tạo ra giá trị mới không chỉ góp phần vào kết quả tăng trưởng kinh tế của tỉnh, mà còn khẳng định sự đúng đắn trong định hướng chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh”, góp phần đưa Quảng Ninh trở thành trung tâm phát triển năng động, toàn diện, hiện đại.
Cao Quỳnh
Liên kết website
Ý kiến ()