Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 23/12/2024 21:34 (GMT +7)
Thủ tướng: Chưa thay đổi mục tiêu tăng trưởng, tập trung thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, sinh kế cho người dân
Thứ 2, 03/04/2023 | 18:16:55 [GMT +7] A A
Thủ tướng nhấn mạnh, chưa thay đổi mục tiêu tăng trưởng và chỉ tiêu kiểm soát lạm phát năm 2023, song cần nỗ lực hơn nữa để đạt mục tiêu đề ra, tập trung thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, sinh kế cho người dân. Thủ tướng giao cụ thể các bộ, ngành xây dựng các nghị quyết, chương trình thúc đẩy các lĩnh vực mới nổi để tạo động lực phát triển mới, như sản xuất chip, kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi năng lượng…
Ngày 3/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương và Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3 năm 2023.
Trong buổi chiều, Hội nghị thảo luận về: Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch đầu tư công năm 2022, tình hình triển khai kế hoạch đầu tư công năm 2023; Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, tình hình triển khai Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện ngân sách Nhà nước năm 2022, tình hình triển khai thực hiện dự toán ngân sách Nhà nước năm 2023.
Các đại biểu cơ bản thống nhất với các báo cáo để trình Quốc hội xem xét. Tuy nhiên, cần bổ sung, làm rõ một số nội dung, nhất là phân tích bối cảnh thế giới ảnh hưởng tới Việt Nam, những khó khăn, hạn chế nội tại của nền kinh tế; những vướng mắc cần tháo gỡ để thúc đẩy đầu tư công, thực hiện ngân sách Nhà nước và phát triển kinh tế - xã hội.
Thành viên Chính phủ, lãnh đạo các địa phương đề nghị báo cáo Quốc hội để thí điểm một số chính sách liên quan vấn đề chuyển đổi năng lượng, nhất là phát triển năng lượng tái tạo để thu hút đầu tư vào lĩnh vực này, góp phần thực hiện các cam kết của Việt Nam về phát triển xanh, phát triển kinh tế tuần hoàn; đề nghị có chính sách giảm thuế, phí lệ phí; chính sách liên quan nhà ở xã hội, nhất là quy định đối tượng và chính sách hỗ trợ cho các chủ đầu tư, mua, thuê nhà ở xã hội; tiếp tục chỉ đạo, giám sát việc thực hiện các quy định về vấn đề quản lý, khai thác các mỏ, chia sẻ vật liệu xây dựng phục vụ các công trình giao thông trọng điểm.
Kết luận nội dung này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao các ý kiến đóng góp tại hội nghị và thống nhất cao đối với nội dung các báo cáo; những ý kiến cần bổ sung, yêu cầu Văn phòng Chính phủ tổng hợp để hoàn thiện báo cáo trình Quốc hội.
Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, năm 2022 mặc dù có nhiều khó khăn, thách thức lớn, nhất là những tháng cuối năm khi Fed điều chỉnh chính sách tiền tệ, trong khi trong nước đang quyết liệt xử lý các vấn đề liên quan trái phiếu doanh nghiệp, thị trường bất động sản, thị trường chứng khoán… Tuy nhiên nhờ sự chỉ đạo, lãnh đạo kịp thời, đúng đắn, sự vào cuộc tích cực, tình hình kinh tế - xã hội năm 2022 đạt kết quả quan trọng, với 13/15 chỉ tiêu đạt và vượt, 1 chỉ tiêu xấp xỉ đạt. Đặc biệt, chúng ta kiểm soát tốt bội chi, nợ công, nợ chính phủ, nợ nước ngoài; tăng thu, tiết kiệm chi…, với nguồn tăng thu năm 2022 khoảng trên 400.000 tỷ đồng.
Người đứng đầu Chính phủ cho rằng, hậu quả của đại dịch COVID-19 vẫn kéo dài, chưa thể khắc phục trong thời gian ngắn; dự báo trong năm 2023 kinh tế thế giới tiếp tục khó khăn; lạm phát vẫn ở mức cao; các nước tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ; thị trường thu hẹp; cạnh tranh nước lớn vẫn diễn ra gay gắt, xung đột tại Ukraine có thể kéo dài… Trong khi trong nước vẫn còn những khó khăn, nhất là khó khăn trong thị trường bất động sản, thị trường chứng khoán và các vấn đề nội tại của nền kinh tế.
Trên cơ sở ý kiến của các thành viên Chính phủ, Thủ tướng chỉ rõ, chưa thay đổi mục tiêu tăng trưởng năm 2023 và chỉ tiêu kiểm soát lạm phát. Tuy nhiên, các bộ, ngành cần quyết tâm, nỗ lực lớn hơn, theo dõi, bám sát thực tiễn, nắm chắc tình hình, có kịch bản, giải pháp phản ứng kịp thời, phù hợp, khó khăn thì khắc phục, thách thức thì vượt qua để đạt mục tiêu đã đề ra.
Theo đó, các bộ, ngành, địa phương phải đẩy mạnh giải ngân đầu tư công; tập trung tháo gỡ vướng mắc, nhất là những vướng mắc về pháp lý, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tạo công ăn, việc làm, tạo sinh kế cho người dân. "Vướng mắc liên quan đến lĩnh vực thuộc bộ, ngành, cấp nào thì bộ, ngành, cấp đó phải tháo gỡ, những vấn đề vượt thẩm quyền thì tổng hợp, báo cáo cấp trên xử lý", Thủ tướng phát biểu.
Các bộ, ngành, địa phương thực hiện phân cấp, ủy quyền nhiều hơn cho cấp dưới, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cắt bỏ khâu trung gian. Vừa qua, đã có một số mô hình ủy quyền như Bộ Giao thông vận tải ủy quyền cho các Sở Giao thông vận tải triển khai các dự án cao tốc. Đồng thời, đề xuất các cấp có thẩm quyền các chính sách, thực hiện miễn, giảm, gia hạn, giãn thuế, phí, lệ phí và cơ cấu lại nhóm nợ, khoanh nợ, giãn nợ, giảm lãi suất cho vay.
Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố kiểm tra, thực hiện nghiêm các nghị quyết, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về tháo gỡ vướng mắc về đất đai, vật liệu xây dựng để triển khai thực hiện các dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc và bất động sản.
Các bộ, ngành phối hợp đề xuất, tháo gỡ vướng mắc về luật pháp liên quan việc dùng kinh phí thường xuyên cho đầu tư phát triển; tách giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư, nhất là đầu tư công; đề xuất các quy định chuyển tiếp để xử lý tồn tại tại các dự án đầu tư công như hồ chứa nước Bản Mồng (Nghệ An); chính sách visa cho người nước ngoài.
Để tạo động lực phát triển mới, Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì xây dựng nghị quyết, chương trình về sản xuất chip điện tử; Bộ Công Thương chủ trì xây dựng nghị quyết, chương trình thúc đẩy chuyển đổi năng lượng xanh; Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì xây dựng nghị quyết, chương trình thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổng kết thực tiễn, thúc đẩy hợp tác công tư trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch như xây dựng các công trình nhà hát, sân vận động… Các bộ, ngành, địa phương thúc đẩy đổi mới sáng tạo; Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoàn thiện Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia và các tỉnh, thành phố nghiên cứu xây dựng các trung tâm đổi mới sáng tạo địa phương.
Thủ tướng chỉ đạo, các bộ trưởng, thủ trưởng các cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc thuộc Chính phủ, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, thực hiện đúng Quy chế làm việc của Chính phủ, nếu quá thời hạn trả lời mà không trả lời thì xem như đã đồng ý. Đồng thời tăng cường phối hợp để triển khai các nội dung công tác. Các bộ trưởng, thủ trưởng các cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc thuộc Chính phủ chủ trì các đề án, dự án, chương trình có liên quan nhiều bộ, ngành, nếu còn vướng mắc thì chủ động thảo luận trực tiếp với lãnh đạo bộ, ngành liên quan để cùng tháo gỡ.
* Cũng trong chiều nay, Chính phủ đã thảo luận về tờ trình về các giải pháp hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho phát triển sản xuất kinh doanh (do NHNN chuẩn bị), tờ trình đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Xuất nhập cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam (do Bộ Công an chuẩn bị).
Theo baochinhphu.vn
Liên kết website
Ý kiến ()