Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 24/12/2024 01:34 (GMT +7)
Thủ tướng dâng hương tưởng niệm các Anh hùng Liệt sĩ tại Nghĩa trang Vị Xuyên
Chủ nhật, 28/05/2023 | 13:59:49 [GMT +7] A A
Trong chương trình công tác tại tỉnh Hà Giang, sáng 28/5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và đoàn công tác của Chính phủ đã dâng hương tưởng niệm các Anh hùng Liệt sĩ tại Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Vị Xuyên, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang - nơi yên nghỉ của hơn 1.870 liệt sĩ đã anh dũng chiến đấu, hi sinh trong cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc.
Cùng dự lễ viếng có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung; Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh; Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến; lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và tỉnh Hà Giang.
Được khởi công xây dựng từ năm 1990, Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Vị Xuyên mới được nâng cấp, mở rộng vơi quy mô hơn 10 ha, là nơi an nghỉ của hơn 1.870 liệt sĩ cùng phần mộ tập thể các liệt sĩ đã hi sinh trong cuộc chiến bảo vệ biên giới phía bắc của Tổ quốc.
Trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, các Anh hùng Liệt sĩ đã anh dũng chiến đấu, bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc với ý chí "một tấc không đi, một ly không dời", quyết tâm giữ vững từng mỏm đồi, vách đá, điểm cao, tinh thần quả cảm "sống bám đá đánh giặc, chết hóa đá bất tử".
Riêng tại mặt trận Vị Xuyên, hơn 4.000 cán bộ, chiến sĩ đã anh dũng hi sinh, hơn 9.000 người bị thương và hiện vẫn còn hàng nghìn hài cốt của cán bộ, chiến sĩ nằm rải rác trong khe đá, thung sâu chưa tìm thấy và quy tập được. Chiến công và tên tuổi của các Anh hùng Liệt sĩ đã trở thành bất tử, khắc ghi vào lịch sử dân tộc và mãi mãi được ghi nhớ trong tâm trí mỗi thế hệ người dân Việt Nam.
Trong không khí trang nghiêm, thành kính, Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu dâng hoa, dâng hương tưởng nhớ, tri ân công ơn của các Anh hùng Liệt sĩ; nguyện tiếp tục nỗ lực bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; xây dựng đất nước ngày một hùng cường, thịnh vượng, cuộc sống người dân ngày càng ấm no, hạnh phúc.
Ghi sổ vàng lưu niệm, Thủ tướng Phạm Minh Chính nguyện đoàn kết một lòng, tuyệt đối trung thành với Đảng, Tổ quốc và Nhân dân; quyết tâm cùng toàn Đảng, toàn dân thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
* Cũng trong sáng 28/5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Lễ và cắt băng khánh thành Bảo tàng tỉnh Hà Giang.
Dự án cải tạo, nâng cấp Bảo tàng tỉnh Hà Giang được khởi công xây dựng từ tháng 12/2020 với tổng vốn đầu tư hơn 106 tỷ đồng. Bảo tàng có diện tích khoảng 4.100 m2; tầng 1 là khu vực bài trí các hiện vật, tranh, kết hợp công nghệ trình chiếu, phản ánh lịch sử miền đất và còn người Hà Giang từ khi hình thành đến giai đoạn mở con đường Hạnh phúc lên Cao nguyên đá Đồng văn. Tầng 2 sử dụng công nghệ âm thanh, ánh sáng thể hiện không gian hiện vật, con người, văn hóa, tín ngưỡng các dân tộc, cùng với sự đa dạng của hệ sinh thái động thực vật của Hà Giang.
Tổng thể Bảo tàng tạo thành một không gian mở, hiện đại, nhưng vẫn giữ nguyên những giá trị, bản sắc đặc trưng của Hà Giang. Nhờ đó, người dân và du khách đến Bảo tàng có thể trải nghiệm toàn cảnh bức tranh về Hà Giang ngay cả khi chưa khám phá trực tiếp từng địa điểm trên bản đồ du lịch của tỉnh.
Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, Đề cương về văn hóa Việt Nam do Đảng ta đề xướng năm 1943 đã nêu rõ 3 nguyên tắc trong phát triển văn hóa là “Dân tộc, khoa học, đại chúng”; Đảng ta cũng xác định "Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội”; Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng nêu quan điểm "văn hóa là bản sắc của một dân tộc, văn hóa còn thì dân tộc còn, văn hóa mất thì dân tộc mất".
Thủ tướng nhấn mạnh, lịch sử, văn hóa là nền tảng vững chắc của truyền thống yêu nước, cội nguồn của sức mạnh dân tộc, nền tảng tinh thần, nguồn lực nội sinh quan trọng cho phát triển bền vững. Trong đó, bảo tàng là nơi lưu giữ và trao truyền lịch sử, văn hóa của dân tộc, phục vụ nhu cầu nghiên cứu khoa học, học tập, giảng dạy, phổ biến tri thức, là nơi sinh hoạt, hưởng thụ văn hóa của công chúng.
Để Bảo tàng thực sự phát huy được ý nghĩa, giá trị và hiệu quả trong lưu giữ, quảng bá và trao truyền nền lịch sử, văn hóa hào hùng, đáng tự hào của Hà Giang nói riêng và của dân tộc Việt Nam nói chung, Thủ tướng yêu cầu tỉnh Hà Giang bảo quản, trưng bày, giới thiệu tốt các hiện vật hiện có; đồng thời sưu tầm, bổ sung thêm các hiện vật có giá trị liên quan đến lịch sử, văn hóa của tỉnh. Tăng cường hoạt động quảng bá, giới thiệu về Bảo tàng tỉnh, nhất là trên môi trường số.
Cùng với đó, Hà Giang tiếp tục quan tâm đầu tư để hoàn thiện và không ngừng cải tiến kỹ thuật, ứng dụng công nghệ hiện đại trong lưu giữ, giới thiệu hiện vật để tăng cường trải nghiệm và đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách; thường xuyên tổ chức các hoạt động, sự kiện trưng bày, các sự kiện văn hóa tại bảo tàng, nhất là kết nối hiệu quả với các trường học tổ chức các hoạt động thường niên cho học sinh, sinh viên đến học tập, tham gia trải nghiệm; nhanh chóng triển khai xây dựng tuyến đi bộ kết nối với Bảo tàng, tạo thành sản phẩm du lịch đặc sắc và phát triển kinh tế ban đêm trên địa bàn tỉnh. Thủ tướng mong muốn và tin tưởng Bảo tàng Hà Giang sẽ phát triển bao trùm, bản sắc, hiệu quả.
Theo baotintuc.vn
Liên kết website
Ý kiến ()