Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 22/12/2024 17:28 (GMT +7)
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì họp Thường trực Chính phủ về Dự án Đường sắt tốc độ cao trục Bắc-Nam
Thứ 7, 05/10/2024 | 10:31:26 [GMT +7] A A
Sáng 5/10, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp của Thường trực Chính phủ với các bộ, ngành, cơ quan liên quan để thảo luận, cho ý kiến về chủ trương đầu tư Dự án Đường sắt tốc độ cao trên trục bắc-nam và tình hình triển khai các dự án đường sắt kết nối với Trung Quốc.
Cùng dự có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Nguyễn Hòa Bình, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ; Phan Văn Giang, Bộ trưởng Quốc phòng; Lương Tam Quang, Bộ trưởng Công an; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ: Trần Hồng Hà, Lê Thành Long và Hồ Đức Phớc.
Phát biểu ý kiến mở đầu cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục bắc-nam và các dự án đường sắt kết nối với Trung Quốc có ý nghĩa quan trọng với sự phát triển đất nước ta. Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải chuẩn bị báo cáo Bộ Chính trị và Trung ương Đảng. Tại Hội nghị Trung ương 10 vừa qua, Ban Chấp hành Trung ương đã thống nhất chủ trương về xây dựng dự án Đường sắt tốc độ cao trên trục bắc-nam. Đây là việc lớn, Trung ương đã cho chủ trương, chúng ta tiếp tục chuẩn bị báo cáo Quốc hội. Do đó, Thường trực Chính phủ họp với các bộ, ngành liên quan thảo luận về vấn đề này, tiếp tục chuẩn bị dự án thật tốt để báo cáo Quốc hội; tiếp tục triển khai công việc nghiên cứu các dự án đường sắt kết nối Trung Quốc để báo cáo các cấp có thẩm quyền. Đây là những việc lớn và quan trọng.
Chúng ta còn phải chuẩn bị nguồn lực, điều kiện cần thiết khác. Thường trực Chính phủ cần có sự thống nhất, đồng thuận, nhất là cách huy động nguồn lực và triển khai. Vấn đề là cần quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động phải quyết liệt, phân công “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời gian thực hiện, rõ hiệu quả, rõ sản phẩm”. Đặc biệt cần làm rõ về huy động nguồn lực, và tiến độ. Chúng ta "chỉ bàn làm, không bàn lùi"; quá trình làm phải trình các thủ tục đúng trình tự theo quy định của pháp luật.
* Theo Bộ Giao thông vận tải, Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục bắc-nam được Bộ Giao thông vận tải và cùng các bộ, ban, ngành tích cực nghiên cứu kinh nghiệm, tham khảo mô hình từ 22 quốc gia và vùng lãnh thổ, tổ chức học tập kinh nghiệm tại 6 nước sở hữu và làm chủ công nghệ đường sắt tốc độ cao.
Trên cơ sở đó, đề xuất Tuyến đường sắt tốc độ cao bắc-nam với chiều dài 1.541km, quy mô đường đôi, khổ 1.435mm, điện khí hóa, hạ tầng thiết kế với tốc độ 350km/giờ, bố trí 23 ga hành khách với cự ly trung bình khoảng 67km, 5 ga hàng gắn với các đầu mối hàng hóa. Tuyến sẽ bắt đầu từ ga Ngọc Hồi, Hà Nội, đi qua 20 tỉnh, thành phố và kết thúc tại ga Thủ Thiêm, Thành phố Hồ Chí Minh.
Qua rà soát phương án đầu tư, sơ bộ về công nghệ, kỹ thuật, quy mô đầu tư, tham khảo suất đầu tư các dự án đường sắt tốc độ cao đã và đang triển khai trên thế giới, Tư vấn lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi tính toán sơ bộ xác định tổng mức đầu tư dự án khoảng 67,34 tỷ USD.
Bộ Giao thông vận tải đặt mục tiêu trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư tại kỳ họp tháng 10/2024; đấu thầu lựa chọn tư vấn quốc tế, triển khai khảo sát, lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi trong năm 2025-2026; triển khai giải phóng mặt bằng, đấu thầu lựa chọn nhà thầu và khởi công các dự án thành phần đoạn Hà Nội-Vinh và Nha Trang-Thành phố Hồ Chí Minh cuối năm 2027; khởi công các dự án thành phần đoạn Vinh-Nha Trang năm 2028-2029 và phấn đấu hoàn thành đầu tư toàn tuyến năm 2035.
Cũng theo Bộ Giao thông vận tải, các bộ, cơ quan liên quan đang tích cực xây dựng các dự án tập trung thúc đẩy hợp tác triển khai ba tuyến đường sắt kết nối Việt Nam-Trung Quốc gồm tuyến: Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng; Lạng Sơn-Hà Nội; Móng Cái-Hạ Long-Hải Phòng.
Tuyến đường sắt Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng: có chiều dài khoảng 380km, điểm đầu tại Lào Cai (điểm nổi ray giữa Việt Nam và Trung Quốc), điểm cuối tại cảng Lạch Huyện; kết nối Vùng Thủ đô Hà Nội với cảng biển quốc tế Hải Phòng, kết nối liên vận quốc tế với Trung Quốc qua cửa khẩu quốc tế Lào Cai. Dự kiến, quy mô: khổ đường 1435mm, điện khí hóa, vận tải hành khách và hàng hóa, tốc độ tàu khách 160km/giờ, tàu hàng khoảng 120km/giờ; tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 11,6 tỷ USD.
Tuyến đường sắt Hà Nội-Đồng Đăng: chiều dài khoảng 156km; điểm đầu tại cửa khẩu Đồng Đăng, điểm cuối tại ga Yên Viên; kết nối Thủ đô Hà Nội với một số tỉnh phía Đông Bắc (Bắc Ninh, Bắc Giang và Lạng Sơn) và kết nối liên vận quốc tế với Trung Quốc qua cửa khẩu liên vận quốc tế đường sắt - Đồng Đăng. Dự kiến quy mô đầu tư: khổ đường 1435mm, điện khí hóa, vận tải hành khách và hàng hóa, tốc độ tàu khách 160km/h, tàu hàng khoảng 120km/giờ; tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 6 tỷ USD.
Tuyến đường sắt Hải Phòng-Hạ Long-Móng Cái: chiều dài khoảng 187km, thuộc tuyến đường sắt Quảng Ninh-Hải Phòng-Thái Bình-Nam Định; điểm đầu tại ga Nam Đình Vũ (phường Hải An, thành phố Hải Phòng), điểm cuối tại điểm nối ray gần khu vực cầu Bắc Luân (vị trí cụ thể điểm nối ray trong thời gian tới Bộ Giao thông vận tải sẽ phối hợp với phía Trung Quốc xác định trong quá trình lập quy hoạch chi tiết). Tuyến kết nối các tỉnh ven biển phía bắc và kết nối liên vận quốc quốc tế với Trung Quốc qua cửa khẩu quốc tế Móng Cái. Dự kiến quy mô đầu tư: khổ đường 1435mm, điện khí hóa, vận tải hành khách và hàng hóa, tốc độ tàu khách 160km/giờ, tàu hàng khoảng 120km/giờ; tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 7 tỷ USD.
Theo nhandan.vn
Liên kết website
Ý kiến ()