Tất cả chuyên mục

Có lẽ, chọi gà là một trong những nét văn hoá truyền thống của người dân Việt Nam mỗi dịp Tết đến, Xuân về, đặc biệt là khi các đình, chùa mở hội. Chọi gà đã trở thành thú chơi thu hút mọi lứa tuổi tham gia bởi tính chất giải trí nhưng vẫn chứa đựng tinh thần thượng võ. Vậy nhưng, để có một con gà chọi chiến tốt là cả một nghệ thuật...
Biết chúng tôi đang muốn tìm một “kê sư” để tìm hiểu về thú vần vỗ gà chọi, anh Nguyễn Xuân Quảng, cán bộ phường Mạo Khê, TX Đông Triều hồ hởi giới thiệu: “Ở Đông Triều có nhiều lễ hội lớn như An Sinh, Ngoạ Vân, Quỳnh Lâm..., cùng các hội làng diễn ra vào dịp đầu xuân, năm mới. Chính vì vậy, môn chọi gà được nhiều địa phương duy trì. Tuy nhiên, số người chơi gà chọi hiện không nhiều, bởi sự hối hả của cuộc sống thời kỳ kinh tế thị trường đã khiến thú chơi tao nhã này dần bị mai một”.
![]() |
Vần vỗ gà là cả một nghệ thuật mà không phải ai cũng đủ kiên nhẫn và kỹ thuật để thực hiện. Tuân thủ các bước vần vỗ góp phần không nhỏ để tạo nên một con gà chọi hay. |
Anh giới thiệu và dẫn chúng tôi đến nhà anh Đặng Văn Mạnh, trú tại thôn Chí Linh, xã Yên Đức, TX Đông Triều - một trong số ít những người có thú vần vỗ gà chọi chơi Tết. Năm nào, anh cũng có gà đem ra hội làng thi đấu và đoạt nhiều giải cao. Gia trại của anh Đặng Văn Mạnh nằm xa xa giữa cánh đồng yên ả, trong vườn có nhiều ô lồng gà chọi. Anh chia sẻ: “Năm nay, tôi vần được 2 con gà chọi để chơi Tết. Một con trưởng thành cựa đã đầy đủ, một con thì non hơn nhưng cũng đã có thể “tham chiến” được. Hiện tại, trong vườn có gần chục con gà chọi, tuy nhiên đây không phải là gà chiến, mà là những con gà đã qua thời kỳ đỉnh cao thi đấu, nhưng là gà nòi đẹp nên tôi giữ lại để gây giống”.
Biết chúng tôi tìm hiểu về thú vần vỗ gà chọi, anh hồ hởi nói: “Người nuôi gà chọi không những phải nắm chắc kỹ thuật mà còn phải tinh tường về những đặc điểm tướng mạo, từ màu sắc lông, cánh, vảy, móng, tiếng gáy, thế đi... thì mới có thể chọn được một chú gà đẹp để chăm nuôi thành gà chọi chiến. Đầu tiên là giống, gà có rất nhiều dòng giống, chủng loại khác nhau, để tìm được một con gà chọi chiến thật sự ưng ý là rất khó khăn. Gà mẹ phải được xuất thân từ dòng gà bền bỉ, có sức chịu đòn tốt, gan dạ. Còn gà bố phải thuộc dòng có chân đá hiểm hóc, nhiều đòn thế hay. Chọn gà chọi con là rất quan trọng, phải xem từ vẩy chân, lông, đầu, mào, mỏ đẹp thì khi vần vỗ mới trở thành con gà chọi chiến hay. Ví dụ như vẩy chân, gà chọi tốt phải có vẩy rồng, vẩy hoa cà hoặc vẩy quấn sáo. Trong đó, vẩy rồng được các “kê sư” thích nhất, bởi con gà như vậy sẽ có lối đánh thông minh, lỳ đòn”.
Chia sẻ về bí quyết chọn gà chọi, anh Mạnh cho hay: “Có nhiều cách để chọn gà chọi chiến tốt, nhưng thường thì dựa vào kinh nghiệm và cái duyên là chính. Ví như, gà thư hùng có chân đen, chân trắng hoặc chân vàng, chân trắng; hai cựa khác nhau là gà nhật nguyệt; gà lưỡng nhãn hai con mắt khác màu; gà có bớt trong lưỡi. Về phần lông, chọn gà nhiều lông đá mới lên mặt; ít lông chỉ đá cửa dưới lên đến ức; chọn gà mã mái (giống gà mái) đá mới hay. Gà chọi tốt dáng đầu phải cao ráo, khi nhấc con gà lên hai chân phải chụm vào với nhau (gà chân đan). Về mặt gà chọi, mặt nhật thì linh hoạt, mặt ó thì gan lì, mặt tam giác thì dữ dằn. Mào gà cũng rất quan trọng, người chơi thường chọn mào vua, mào công thường gà đá cao, mào hộp gà hay chui luồn, nên chọn gà có mào công, mào vua hoặc mào chỉ thiên. Mỏ gà chọi càng to khoẻ càng tốt, không dùng mỏ ngắn và mỏ thẳng, hàm rộng...
![]() |
Anh Đặng Văn Mạnh (thứ 2, trái sang), trú tại thôn Chí Linh, xã Yên Đức, TX Đông Triều, giới thiệu về thú vần vỗ gà chọi. Ảnh: Hữu Duy |
Chỉ chọn gà chọi con tốt cũng thật nhiều bí quyết, thế nhưng nghe anh kể về cách vần vỗ gà mới thấy hết được sự công phu, kiên trì và cả sự đam mê của nhưng người yêu thích môn chọi gà. Anh Mạnh kể: “Vần vỗ gà là cả một nghệ thuật mà không phải ai cũng đủ kiên nhẫn và kỹ thuật để thực hiện. Tuân thủ các bước vần vỗ góp phần không nhỏ để tạo nên một con gà chọi hay. Gà chọi nuôi từ nhỏ đến khi biết gáy thì bắt đầu vần vỗ. Bước đầu ta phải vần chè, sau đó là vào nghệ. Các “kê sư” cho chè vào nồi đun sôi, sau đó để nước âm ấm thì đem gà vào tắm. Vào nghệ cũng tương tự, giã nhỏ nghệ cho vào nồi đun sôi kỹ, sau đó để nước ấm cho thêm vào một chút rượu rồi xoa bóp cho gà. Tiếp đó, ta cho gà chạy lồng, bằng việc sắm một chiếc lồng to, cho gà vào trong để gà chạy vòng quanh nhằm tăng dần sức chiến đấu cho gà chọi, công việc này thực hiện một tuần 2 lần. Trong các khâu vần vỗ gà chọi, đá tập là vô cùng quan trọng, đây chính là lúc hình thành cho gà các miếng đánh, đồng thời tạo ra cho gà chọi sự bền bỉ khi chiến đấu. Gà chọi sau khi vần chè, vào nghệ thì tiến hành cho đá tập với tần suất 20 ngày/1 lần, mỗi lần đá 2 hồ, mỗi hồ 15 phút. Điều quan trọng là mỏ gà phải được bịt lại, gà không thể mổ được mà chỉ nhảy đá (vần hơi), nhằm mục đích để gà đá được sâu hồ. Sau mỗi lần vần hơi xong, gà chọi phải được rửa họng, bằng cách đổ nước vào họng rồi nhẹ nhàng móc hết đờm ra, điều này sẽ tránh được gà bị ho; sau đó tắm, xoa bóp cho gà bằng nước lá ngải, lá chè, đặc biệt ở vùng đùi, vùng cổ để gà hồi phục sức lực”.
Theo anh Mạnh, một con gà chọi đá hay gồm nhiều yếu tố như sự gan lỳ, bền bỉ, nhanh nhẹn trong lối chơi, nhưng đặc biệt là phải có các miếng đánh như ôm đấm (hai chân đá vào ức đối phương), cựa cuốn mé hai mang (đá xẻ cựa vào hai bên má đối phương). Mỗi con gà chọi chỉ đá được 3 năm (3 lần thay lông) cùng với chế độ chăm sóc ăn uống, vần vỗ rất đặc biệt. Trước mỗi khi đá, phải cho gà chạy lồng để xuống cân (ép cân) và chỉ nên đá với những đối thủ đồng hạng (cùng cân) để tránh gà bị bại sức.
Mùa xuân đến, khi tiếng trống hội vang rền, cùng với các trò chơi dân gian, tiết mục văn nghệ truyền thống thì chọi gà là thú vui được nhiều người yêu thích, theo dõi. Qua câu chuyện kể của anh Mạnh mới thấy hết được sự công phu, kiên trì, kỹ thuật và cả niềm đam mê của những “kê sư” đã huấn luyện ra những con gà chọi chiến, góp phần làm cho các lễ hội xuân thêm xuân.
Thái Bình
Ý kiến ()