Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 14:00 (GMT +7)
Thua lỗ chứng khoán thật chuyển sang đầu tư chứng khoán “ảo”: Nhà đầu tư mất cả “chì lẫn chài”
Chủ nhật, 26/06/2022 | 09:07:19 [GMT +7] A A
Thị trường chứng khoán gần đây liên tục giảm điểm, khiến nhiều nhà đầu tư thua lỗ.
Nhiều người đã chuyển sang đầu tư chứng khoán tại ứng dụng StockX, 1 ứng dụng chưa được cấp phép vì lợi nhuận cao. Nhưng chỉ sau 2 tuần, ứng dụng này đã không cho rút tiền, khiến nhiều người mất trắng.
Cam kết lợi nhuận cao tới 600%/năm
Trao đổi với phóng viên VTVmoney, anh T.M.H - một nhà đầu tư chia sẻ: Cách đây gần 1 tháng, anh nhận được 1 cuộc gọi từ số máy lạ. Người này hỏi có phải anh đang thua lỗ từ đầu tư chứng khoán không, nếu phải thì hãy chuyển sang đầu tư chứng khoán bên ứng dụng có tên là StockX, cam kết sẽ có lợi nhuận cao. Thậm chí người này còn hứa: "Anh cắt hết các mã bên đấy đi, rồi sang bên này thì em sẽ gỡ lỗ lại cho anh".
Ban đầu, anh H không tin, nhưng người này ngày nào cũng nhắn tin, gọi điện cho anh giục anh mở tài khoản miễn phí và đầu tư thử. Đang trong lúc bị thua lỗ chứng khoán cơ sở, anh H nghĩ thôi thì vào thử 1 ít xem sao. "Vừa mở tài khoản xong thì họ chuyển tặng tôi luôn 1 triệu đồng trong tài khoản. Họ nói cái này là quỹ chia cổ tức cho những người mở tài khoản mới. Tôi nghi ngờ thử rút tiền ra thì rút được ngay, thế nên tôi mới tin tưởng", anh H tâm sự.
Sau khi tải app và truy cập vào app này, anh H thấy app cũng hiển thị biến động về giá của các mã chứng khoán giống như trên sàn giao dịch chứng khoán Việt Nam nên càng tin tưởng hơn. Thậm chí môi giới ứng dụng này còn gửi cho anh 1 bản hợp đồng thỏa thuận chuyển nhượng cổ phiếu với tên là :Công ty TNHH Sequoia. Do vậy, anh H đã chuyển 20 triệu đồng vào để đầu tư thử. Mỗi ngày qua nhóm Zalo, nhân viên môi giới của ứng dụng này chỉ cho anh mua 1 mã cổ phiếu nhất định và cam kết sẽ có lãi từ 2-7%/ngày, mục tiêu đạt lãi 600%/năm. Sau 1 vài ngày đầu tư thấy có lãi thật, cũng rút được tiền ra, nên anh H đã nạp thêm 250 triệu đồng để đầu tư tiếp.
Cam kết cho giao dịch T+0
Ngoài lợi nhuận cao, nhân viên môi giới của ứng dụng StockX còn cam kết cho phép các nhà đầu tư được giao dịch mua bán trong ngày, tức T+0. "Nếu chiều hôm trước mình mua cổ phiếu lúc 14h30 thì đến sáng hôm sau là đã có thể bán được ngày và bán xong, nếu cổ phiếu đó bị giảm thì mình có thể mua lại được luôn và bán luôn trong ngày nếu nó tăng giá trở lại", chị L.T.N, 1 nhà đầu tư khác tâm sự.
Khi được hỏi chị có biết quy định hiện nay của Luật Chứng khoán hiện hành chỉ cho phép các nhà đầu tư được bán cổ phiếu theo chu kỳ T+3 trên thị trường chứng khoán cơ sở, tức là sau khi mua thì 3 ngày sau mới được bán. Vậy việc mua bán T+0 của ứng dụng StockX là rất bất thường không? Chị N cho biết: "Tôi có biết quy định này vì thực tế tôi cũng đã từng đầu tư chứng khoán cơ sở rồi. Tuy nhiên, nhân viên môi giới app Stock lại giải thích với tôi là họ là 1 quỹ có tên là Sequoia. Quỹ của họ đã mua và nắm giữ số lượng lớn cổ phiếu nên họ có thể bán T+0 như vậy.Mấy ngày đầu giao dịch tại ứng dụng StockX, tôi và các nhà đầu tư khác cũng thực hiện được việc mua bán cổ phiếu trong ngày nên chúng tôi càng tin tưởng".
Cam kết cho phép mua cổ phiếu thấp hơn với giá thị trường
Mỗi ngày, nhân viên môi giới của StockX sẽ cho các nhà đầu tư mua 1 mã cổ phiếu nhất định, thậm chí có mã được mua giá thấp hơn so với giá trên sàn chứng khoán Việt Nam từ 30 đến 50%. "Được mua với giá thấp hơn nhiều như vậy nên khi mua vào xong là tôi có lợi nhuận ngay, bán ra trong ngày có mã lãi hơn 50%", anh N.V.D chia sẻ. Ban đầu, anh cũng hơi có nghi ngờ về việc tại sao ứng dụng Stock lại có thể bán cổ phiếu với giá rẻ như vậy thì được nhân viên môi giới giải thích là Họ là quỹ Sequoia, đã mua số lượng lớn cổ phiếu từ lâu với giá thấp nên bây giờ bán lại ưu đãi cho các nhà đầu tư.
Chuyển tiền vào 1 tài khoản cá nhân
Mặc dù nhân viên môi giới của ứng dụng StockX luôn khẳng định app StockX là của Công ty TNHH Sequoia, và còn đưa ra cả giấy đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp này. Tuy nhiên, khi nhà đầu tư nạp tiền vào tài khoản để giao dịch thì chỉ được hướng dẫn chuyển tiền cho 1 vài cá nhân không quen biết,chứ không phải là 1 tài khoản của doanh nghiệp nào cụ thể. "Khi tôi thắc mắc thì nhân viên StockX giải thích: theo quy định họ phải nạp tiền qua bên thứ 3 để hợp thức hóa giao dịch, nên tôi cũng không hỏi thêm", chị N chia sẻ.
Ứng dụng chứng khoán "ảo" StockX lộ diện
Lợi nhuận "khủng" lên tới 600%/năm, cam kết cho giao dịch T+0, cho phép mua cổ phiếu với giá thấp hơn nhiều so với thị trường, rút được tiền từ tài khoản ra nhanh chóng... Tất cả những chiêu trò này của ứng dụng StockX đã khiến nhiều nhà đầu tư dù nghi ngờ nhưng vẫn mất cảnh giác mà nạp tiền vào để đầu tư. Đến một 1 ngày, nhân viên môi giới của StockX mời chào các nhà đầu tư mua cổ phiếu quỹ của 1 số mã với giá rất rẻ, chỉ bằng 1 nửa so với giá thị trường, nhưng yêu cầu cam kết 15 ngày sau mới được bán. Thấy giá rẻ, lại bị nhân viên môi giới hối thúc nạp tiền mua liên tục, nếu không nhanh sẽ mất cơ hội, nhiều nhà đầu tư đã vội vàng nạp thêm tiền để mua. Thế nhưng, 15 ngày sau khi bán được cổ phiếu, các nhà đầu tư đặt lệnh rút tiền thì lại không thấy tiền chuyển về tài khoản ngân hàng như mọi lần. "Tôi vội vàng liên hệ với nhân viên môi giới thì họ cho biết tôi phải đóng thêm 20% tổng số tiền rút gọi là tiền phí mới cho rút tiền. Nhưng tôi không đóng nữa mà thấy nghi ngờ vì nếu họ cho rút tiền thật thì sao họ không giữ lại luôn 20% tiền phí rồi chuyển mình số tiền còn lại mà bắt mình đóng", anh D chia sẻ.
Tuy nhiên, vì nôn nóng cũng đã có nhà đầu tư vội vàng đóng thêm 20% tiền phí nhưng sau đó vẫn không rút được tiền. "Có một chị ở Đắk Nông nạp thêm 360 triệu đồng để rút được tiền gốc 1,8 tỷ đồng ra mà không rút được", chị N tâm sự.
Sợ mất tiền, các nhà đầu tư tham gia ứng dụng StockX mới vội vàng lần tìm các thông tin trong bản Hợp đồng chuyển nhượng cổ phiếu đã được môi giới ứng dụng StockX gửi cho trước đây. Trong bản hợp đồng có ghi rõ bên chuyển nhượng là Công ty TNHH Sequoia, theo giấy phép đăng ký kinh doanh có địa chỉ tại 97, Mễ Trì Thượng, quận Nam Từ Liêm, TP. Hà Nội. Tuy nhiên, khi phóng viên VTVmoney tìm đến công ty này được đại diện của Công ty Sequoia cho biết, công ty đã bị ứng dụng StockX mạo danh. Giấy đăng ký kinh doanh của Công ty đã bị ứng dụng này chỉnh sửa rồi đăng lên mạng nhằm lừa đảo nhà đầu tư. Theo giấy phép đăng ký kinh doanh, Công ty Sequoia chỉ hoạt động trong lĩnh vực tư vấn du học, không có liên quan gì đến lĩnh vực chứng khoán.
Ứng dụng StockX không được cấp phép hoạt động trong lĩnh vực chứng khoán
Theo ông Lưu Chí Kháng, Công ty cổ phần chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam, ứng dụng Stock chưa có trong danh sách các đơn vị được cấp phép hoạt động trong lĩnh vực chứng khoán. Vì vậy, StockX đang hoạt động trái phép.
Theo quy định, nhà đầu tư muốn giao dịch chứng khoán sẽ phải mở tài khoản qua công ty chứng khoán là các thành viên của Sở giao dịch Chứng khoán Việt Nam. Vì vậy, các ứng dụng không rõ nguồn gốc và chủ sở hữu như StockX về cơ bản sẽ không thể thực hiện giao dịch với các cổ phiếu trên thị trường. Điều này đồng nghĩa với việc ứng dụng này cũng không có kết nối gì với các sàn chứng khoán của Việt Nam. Các nhà đầu tư bỏ tiền mua cổ phiếu thực chất lại không hề được sở hữu cổ phiếu, và có rủi ro rất lớn. "Nhà đầu tư khi mà giao dịch mua bán chứng khoán thông qua StockX thì giao dịch của nhà đầu tư không hoàn toàn sở hữu cổ phiếu, mà cổ phiếu chỉ được hiển thị trên phần mềm của cái StockX này. Chứ trên VSD không lưu giữ bất kỳ thông tin gì về mua bán cổ phiếu của nhà đầu tư. Ở đây tiềm ẩn nhiều rủi ro khi nhà đầu tư không hoàn toàn sở hữu cổ phiếu. Khi cái app này sập thì nhà đầu tư hoàn toàn mất tiền", ông Lưu Chí Kháng nhận định.
Ngoài ra, theo các chuyên gia, với những chi tiết như cam kết cho giao dịch T+0, cho phép nhà đầu tư nhỏ lẻ mua cổ phiếu thấp hơn nhiều so với giá của thị trường, nạp tiền qua tài khoản cá nhân... đều là những chi tiết ngay từ ban đầu cho thấy ứng dụng StockX này có dấu hiệu lừa đảo bởi những hoạt động này không hề khớp với các quy định thực tế của thị trường chứng khoán Việt Nam. Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật Anvi cho rằng: "Đây có dấu hiệu rõ ràng là lừa dối khách hàng. Nộp tiền thì cũng phải qua công ty chứng khoán, qua tài khoản chứng khoán và ngân hàng trung gian. Những đơn vị không rõ lai lịch như StockX đứng ra tổ chức như vậy thì có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Những người tham gia vào ứng dụng này cũng khó mà lấy lại được tiền, khi không rõ ai là chủ của ứng dụng".
Dù có nhiều dấu hiệu bất thường, vi phạm pháp luật nhưng hiện nay ứng dụng StockX vẫn đang hoạt động khá rầm rộ thu hút hàng trăm người trên mỗi nhóm Zalo, Telegram khác nhau. Theo hình ảnh về các biên nhận tiền được gửi lên các nhóm, số tiền các nhà đầu tư chuyển vào ứng dụng này có thể đã lên tới hàng trăm tỷ đồng.
Theo VTV
Liên kết website
Ý kiến ()