Tất cả chuyên mục
Thứ Năm, 09/01/2025 02:14 (GMT +7)
Thúc đẩy giải ngân gói tín dụng 120.000 tỷ đồng
Thứ 5, 07/12/2023 | 08:02:43 [GMT +7] A A
Hiện tại, mới chỉ có 3 dự án nhà ở xã hội tại 3 địa phương được giải ngân sau khoảng nửa năm thực hiện.
Còn nhiều dư địa để giải ngân gói tín dụng 120.000 tỷ đồng
Quốc hội vừa thông qua Luật Nhà ở (sửa đổi) với nhiều điểm mới về nhà ở xã hội được kỳ vọng tháo gỡ kịp thời những vướng mắc trong quá trình triển khai. Bởi thực tế, dù đã có chính sách tín dụng 120.000 tỷ đồng dành riêng cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân với mức lãi suất ưu đãi cho cả chủ đầu tư và người vay mua nhà. Nhưng sau hơn nửa năm, tỷ lệ giải ngân khá chậm, mới được khoảng 105 tỷ đồng, tương đương 0,087% tổng quy mô gói tín dụng.
Mới đây, Thủ tướng chính phủ Phạm Minh Chính cũng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước tiếp tục nghiên cứu kỹ lưỡng, có giải pháp khả thi triển khai quyết liệt, hiệu quả gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay đối với nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.
Một dự án nhà ở xã hội được xây dựng ở tỉnh Quảng Ninh, có quy mô lên đến hơn 800 căn hộ dự kiến được bàn giao vào tháng 10 năm sau. Đây cũng đang là dự án nhà ở xã hội có số tiền được giải ngân nhiều nhất hiện nay. Từ tháng 7 đến nay dự án đã được giải ngân số tiền gần 100 tỷ đồng. Dự kiến đến cuối năm nay sẽ được giải ngân thêm 150 tỷ đồng nữa.
Theo như doanh nghiệp chia sẻ, để có thể vay vốn ưu đãi, họ đã chủ động cung cấp đầy đủ hồ sơ pháp lý minh bạch và rõ ràng cho ngân hàng. Được biết, quá trình chuẩn bị hồ sơ pháp lý của dự án kéo dài khoảng nửa năm.
Ông Trần Thanh Tùng - Giám đốc Tài chính, Công ty Cổ phần Tư vấn Đầu tư Tài chính Toàn cầu cho biết: "Thực hiện dự án nhà ở xã hội không chỉ đến từ nỗ lực riêng của chủ đầu tư, hoặc sự hỗ trợ liên quan đến tài chính, các thủ tục liên quan đến pháp lý của dự án như đấu thầu, lựa chọn khoản đầu tư, tính giá quyền sử dụng đất hoặc những thủ tục khác".
Hiện tại, mới chỉ có 3 dự án nhà ở xã hội tại 3 địa phương được giải ngân sau khoảng nửa năm thực hiện. Nguyên nhân được cho là phần lớn các dự án hiện vẫn còn gặp khó khăn và vướng mắc trong quá trình chuẩn bị hồ sơ pháp lý để đủ điều kiện cho các ngân hàng thương mại xem xét giải ngân.
Ông Nguyễn Anh Quê - Chủ tịch Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư và Phát triển G6 cho biết: "Vướng mắc về thủ tục đầu tư rất kéo dài, từ 2 - 5 năm, đặc biệt bước về giao đất. Thủ tục đầu tư bị ách tắc, không đến giai đoạn thi công được, mà không đến giai đoạn thi công không đủ điều kiện vay vốn".
Theo Ngân hàng Nhà nước, tổng số tiền các dự án có nhu cầu vay ưu đãi cho nhà ở xã hội, nhà ở công nhân là khoảng 27.000 tỷ đồng. Với 105 tỷ đồng đã giải ngân, dư địa còn lại là rất lớn. Các ngân hàng thương mại sẵn sàng nguồn vốn cho vay, điều quan trọng, các dự án cần đáp ứng đầy đủ quy hoạch, các thủ tục đầu tư... theo đúng quy định pháp luật.
Nhiều giải pháp gỡ khó cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân
Bên cạnh con số về tỷ lệ cho vay thấp, một con số khác đáng chú ý là mới có khoảng 3 dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân được vay vốn, trong khi chính sách hỗ trợ này đã có từ nửa năm trước.
Thực tế số lượng dự án đủ tiêu chuẩn giờ khá ít. Theo công bố của Ngân hàng Nhà nước, đến nay mới có 54 dự án dự án thuộc danh mục cho vay được các địa phương báo cáo. Nhưng đáng nói, có hơn một nửa (55%) không có nhu cầu vay vốn, 20% chưa đủ điều kiện vay vốn, còn lại 15%, tương đương 8 dự án đang chờ các ngân hàng thương mại thẩm định. Số lượng ít nên các ngân hàng thương mại muốn cho vay cũng không có nhiều lựa chọn.
Để gia tăng nguồn cung, số lượng các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, đồng thời, mở rộng đối tượng người vay mua nhà, Luật nhà ở (sửa đổi) đã có nhiều thay đổi được thị trường kỳ vọng sẽ gỡ được thế khó hiện nay trong hoạt động vay và cho vay.
Hơn 60% công nhân lao động đang phải thuê nhà trọ, tại các khu nhà do người dân tự đầu tư xây dựng. Ước tính có khoảng 1,8 triệu lao động có nhu cầu nhà ở. Để đáp ứng nhu cầu này, Luật Nhà ở (sửa đổi) đã cho phép, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là cơ quan chủ quản dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội bằng nguồn tài chính công đoàn.
Ông Lê Văn Nghĩa - Trưởng ban Ban Quản lý dự án thiết chế Công đoàn, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết: "Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam sẽ đứng ra như nhà đầu tư của nhà nước. Sẽ chỉ định ban quản lí dự án, đơn vị sự nghiệp công lập để đầu tư, làm chủ đầu tư dự án này".
Luật Nhà ở mới cũng nới lỏng điều kiện mua, thuê mua nhà ở xã hội, người dân không cần phải đăng ký thường trú hay tạm trú như trước kia. Việc nới lỏng quy định để mở rộng thêm các đối tượng người dân có thể vay mua nhà cũng là đề xuất của nhiều chủ đầu tư dự án.
Ngoài ra, một số ý kiến cũng đề xuất các ngân hàng thương mại tiếp tục cân đối chi phí, để giảm thêm lãi suất cho vay. Theo quy định, lãi suất ưu đãi của gói 120.000 tỷ đồng với chủ đầu tư đang là 8,7%/năm, với người mua nhà là 8,2%/năm.
Ông Phạm Xuân Hòe - Nguyên phó Viện trưởng Viện chiến lược Ngân hàng Nhà nước cho rằng: "Lãi suất cho vay tiêu dùng đối với người mua nhà cũng đã giảm xuống 8,2%, tôi nghĩ cần phải giảm tiếp nữa. Bởi vì tính toán chỉ số DTI, trả nợ trên thu nhập của người ta thì cần phải hạ xuống nữa".
Với xu hướng hạ lãi suất thời gian qua, các chuyên gia kỳ vọng mặt bằng lãi suất cho vay có dư địa để giảm thêm. Điều quan trọng, vẫn cần sự phối hợp của các Bộ, ngành, địa phương trong việc thực hiện các quy định mới, tháo gỡ các rào cản thủ tục để thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân.
Chính phủ đã phê duyệt Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030". Do đó, những thay đổi của Luật Nhà ở (sửa đổi), được nhận định sẽ tạo hành lang pháp lý rõ ràng hơn cho cả chủ đầu tư, người có nhu cầu nhà ở và cả các ngân hàng thương mại trong việc đánh giá các điều kiện cho vay. Từ đó mới có thể đẩy nhanh tiến độ giải ngân gói tín dụng 120.000 tỷ đồng trong thời gian tới.
Theo vtv.vn
Liên kết website
Ý kiến ()