Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 23/12/2024 22:58 (GMT +7)
Thúc đẩy ứng dụng KHCN tạo đà phát triển bền vững
Thứ 4, 22/05/2024 | 13:33:35 [GMT +7] A A
KHCN đang có những đóng góp quan trọng trong việc đảm bảo QP-AN, y tế, giáo dục, giao thông, nông nghiệp, công nghiệp… tạo ra nhiều đột phá, giúp nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, thúc đẩy phát triển KT-XH.
Công ty TNHH Gốm sứ Quang Vinh (TX Đông Triều) có gần 30 năm kinh nghiệm sản xuất gốm sứ mỹ nghệ phục vụ xuất khẩu, nhiều sản phẩm đã chiếm lĩnh được thị phần ở các quốc gia khó tính như Mỹ, Nhật Bản, Pháp, Đức, Chi Lê, Colombia, Đan Mạch... Tuy nhiên, trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt và yêu cầu của khách hàng ngày càng cao, công ty đã chủ động nghiên cứu, hoàn thiện công nghệ để nâng cao năng suất, chất lượng và đa dạng hóa mẫu mã sản phẩm.
Nhiều dây chuyền, thiết bị hiện đại đã được doanh nghiệp chủ động đầu tư như lò sấy điện, máy khắc CNC, công nghệ đổ rót áp lực, máy ép khuôn baren và máy khử từ… Qua đó, thiết kế, chế tạo các sản phẩm gốm sứ có tính thẩm mỹ cao, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Máy luyện đất và hút chân không là một trong những thiết bị như thế. Anh Trần Thanh Nghị, quản lý sản xuất Công ty TNHH Gốm sứ Quang Vinh, cho biết: Ngoài ưu điểm là tạo ra các phôi đất mịn, độ ẩm vừa đủ và không còn bọt khí giúp cho sản phẩm sau khi ra lò không bị châm kim hoặc nổ, hệ thống này cũng rút ngắn thời gian luyện đất xuống 5-7 ngày công lao động, tiết kiệm chi phí nhân công.
Bên cạnh việc đẩy mạnh áp dụng, chuyển giao thành tựu về KHCN, hoạt động nghiên cứu khoa học thời gian qua đã và đang được mở rộng ở hầu hết các lĩnh vực, từ nông nghiệp, công nghiệp, y học, công nghệ thông tin đến khoa học, xã hội nhân văn… Với việc tăng cường ứng dụng kết quả nghiên cứu vào thực tiễn, các đề tài khoa học đã phục vụ đắc lực cho việc thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH của Quảng Ninh.
Từ năm 2021, TP Móng Cái đã phối hợp với Sở KH&CN, Học viện Nông nghiệp Việt Nam triển khai nhiệm vụ KHCN nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật phân ly giới tính tinh trùng, nhằm tăng nhanh đàn lợn Móng Cái. Nhiệm vụ đặt mục tiêu sẽ tạo ra những con giống lợn Móng Cái thuần chủng, chất lượng phục vụ sinh sản, cũng như sản xuất hàng hóa, phát triển kinh tế.
HTX Sản xuất thực phẩm an toàn và dịch vụ thương mại nông, lâm, ngư Hoàng Nam (xã Quảng Nghĩa) là đơn vị được chuyển giao kết quả của nhiệm vụ. Giám đốc HTX Bùi Thị Mỹ Lệ cho biết: HTX được hướng dẫn và chuyển giao công nghệ hỗ trợ sinh sản giúp lựa chọn giới tính đàn lợn và áp dụng công nghệ dinh dưỡng nâng cao năng suất sinh sản, sức sản xuất của lợn thương phẩm. Nhờ đó, đến nay HTX đã chủ động trong việc cung ứng con giống, phục vụ nhu cầu của các hộ chăn nuôi trong và ngoài tỉnh.
Ngoài việc phục vụ phát triển kinh tế, kết quả thực hiện các nhiệm vụ KHCN cũng mang lại chất lượng cuộc sống tốt hơn cho người dân. Tiêu biểu như nhiệm vụ “Ứng dụng chế phẩm vi sinh xử lý rác thải sinh hoạt hữu cơ tại hộ gia đình trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh” của Trung tâm Ứng dụng và thống kê KHCN (Sở KH&CN). Kết quả của nhiệm vụ đã xây dựng được mô hình xử lý rác thải sinh hoạt hữu cơ và áp dụng cho 300 hộ dân ở các địa phương Bình Liêu, Hải Hà, Ba Chẽ, giúp người dân tận dụng được rác thải sinh hoạt để làm phân bón cho cây trồng, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Bà Khổng Thị Hòa (khu phố 1, thị trấn Ba Chẽ, huyện Ba Chẽ) cho biết: Từ khi thực hiện phân loại, xử lý rác thải sử dụng chế phẩm vi sinh, gia đình giảm được lượng rác thải phải đem đi tiêu hủy, hạn chế được mùi hôi và có thêm nguồn phân bón chất lượng cho cây trồng.
Với mục tiêu đến năm 2030, Quảng Ninh sẽ thuộc nhóm các địa phương đi đầu cả nước về ứng dụng, chuyển giao KHCN và đổi mới sáng tạo, ngành KH&CN tỉnh sẽ tiếp tục đẩy nhanh tốc độ ứng dụng thành tựu của cuộc cách mạng 4.0, công nghệ vật liệu mới, công nghệ sinh học... vào các lĩnh vực để tạo động lực chính cho tăng trưởng kinh tế. Đồng thời triển khai có hiệu quả các đề tài, nhiệm vụ KHCN, để KHCN tiếp tục trở thành động lực dẫn đường cho KT-XH phát triển.
Nguyên Ngọc
Liên kết website
Ý kiến ()