Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 04/12/2024 15:40 (GMT +7)
Thực hiện 3 đột phá chiến lược: Lực đẩy để Đầm Hà vượt khó
Thứ 2, 20/07/2015 | 05:00:12 [GMT +7] A A
Để bứt khỏi khó khăn, trong những năm gần đây, Đảng bộ huyện Đầm Hà đã tập trung công tác lãnh đạo, chỉ đạo việc triển khai thực hiện 3 khâu đột phá chiến lược. Trong đó, tập trung cải cách hành chính để thu hút nguồn lực đầu tư vào địa bàn, phát triển nguồn nhân lực gắn với đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ nhằm tạo sức bật cho sản xuất, tăng cường đầu tư kết cấu hạ tầng để tạo nền tảng cho kinh tế phát triển. Huyện cũng xác định 3 đột phá chiến lược này chính là lực đẩy để Đầm Hà vượt qua khó khăn, thách thức.
Dù không có được lợi thế về cửa khẩu hay nằm gần các trung tâm kinh tế phát triển của tỉnh nhưng Đầm Hà cũng nhìn nhận rõ những tiềm năng vượt trội của mình mà không phải địa phương nào cũng có được như phát triển ngành công nghiệp chế biến các sản phẩm từ lâm nghiệp, ngành nuôi trồng thuỷ sản. Vì vậy, huyện xác định phải tập trung cải cách hành chính, tạo mọi điều kiện tốt nhất, thuận lợi nhất để thu hút đầu tư vào các lĩnh vực này. Trong những năm gần đây, huyện đã đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử, rà soát loại bỏ những thủ tục hành chính rườm rà, tập trung 100% các thủ tục hành chính thực hiện tại Trung tâm phục vụ Hành chính công, tạo thuận tiện cho người dân và doanh nghiệp. Cùng với đó huyện đã công bố công khai các thủ tục hành chính, tăng cường phân cấp, uỷ quyền cho cơ sở, xác định rõ trách nhiệm người đứng đầu trong cơ quan, đơn vị thực hiện cải cách thủ tục hành chính.
Sản xuất giống cá song tại Công ty CP Thuỷ sản Bắc Việt (Đầm Hà). (Ảnh minh họa) |
Đặc biệt tác phong, lề lối làm việc của cán bộ, công chức, viên chức từ cấp huyện xuống cấp xã được tập trung chỉ đạo cải thiện, tăng cường mối quan hệ giữa cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức với nhân dân và các doanh nghiệp. Không chỉ cải cách về thủ tục hành chính mà huyện cũng tập trung chỉ đạo thực hiện công tác giải phóng mặt bằng tạo quỹ đất sạch, tranh thủ các nguồn lực để xây dựng hạ tầng tạo lực hấp dẫn hơn với các nhà đầu tư. Thành công từ cải cách hành chính mang lại cho Đầm Hà đó là huyện đã có được những nhà đầu tư có tầm như Dự án Nhà máy chế biến gỗ Thanh Lâm có tổng mức đầu tư 190 tỷ đồng, điểm dừng chân tại thôn Tân Hà (xã Tân Bình) 30 tỷ đồng, Trung tâm sản xuất công nghệ cao và nuôi thực nghiệm giống thuỷ sản tại xã Đại Bình 200 tỷ đồng…
Cùng với việc cải cách hành chính để thu hút đầu tư, Đảng bộ huyện đã dành sự chỉ đạo lớn cho việc phát triển nguồn nhân lực gắn với đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ. Tính trong 5 năm qua toàn huyện đã có 443 lượt cán bộ, đảng viên được đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, hàng năm 300 lao động nông thôn được đào tạo nghề. Hệ thống giáo dục đào tạo trên địa bàn được quan tâm phát triển toàn diện, không chỉ đáp ứng tốt nhu cầu học tập của nhân dân trên địa bàn mà còn tạo ra nguồn nhân lực tại chỗ có trình độ phục vụ cho các dự án đầu tư trên địa bàn. Khoa học công nghệ không chỉ được ứng dụng trong việc giảng dạy học tập mà còn được đặc biệt chú trọng ứng dụng vào sản xuất. Từ đây tạo thế cho sản xuất phát triển bền vững của huyện.
Cũng là huyện miền núi, ven biển nhưng so với các địa phương khác lân cận thì kết cấu hạ tầng của Đầm Hà còn khó khăn hơn nhiều và chưa có được sự đầu tư đồng bộ, hoàn thiện. Chính vì vậy, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ là khâu đột phá rất quan trọng mà Đầm Hà xác định phải thực hiện thành công để thúc đẩy sản xuất phát triển, tạo diện mạo mới cho huyện. Trước tiên huyện đã hoàn thành việc lập 15 quy hoạch quan trọng như: Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng vùng huyện, nông thôn mới… Các quy hoạch này hoàn thành đã dẫn dắt cho định hướng đầu tư kết cấu hạ tầng từng vùng, xác định được từng địa bàn trọng điểm cần ưu tiên đầu tư trước. Theo đó, huyện đã tập trung nguồn lực, tranh thủ sự hỗ trợ của tỉnh, Trung ương để đầu tư cho khu vực nông thôn, các công trình tạo điểm nhấn đô thị. Đặc biệt tập trung hỗ trợ đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật giao thông, điện, nước cho các vùng sản xuất tập trung như Cảng Đầm Buôn, đường thị trấn Đầm Hà - Cảng Đầm Buôn, kè sông Đầm Hà, vùng nuôi trồng thuỷ sản Đại Bình… Qua tổng kết trong 5 năm (2010-2015) tổng giá trị đầu tư phát triển toàn xã hội của huyện đạt 1.500 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư từ ngân sách 900 tỷ đồng, còn lại là huy động xã hội hoá.
Dù chưa hẳn đã bứt phá khỏi huyện khó khăn của tỉnh, nhưng Đầm Hà đang có được niềm tin rất vững chắc từ việc thực hiện hiệu quả 3 đột phá chiến lược để trở thành vùng trọng điểm sản xuất và chế biến nông sản của tỉnh vào năm 2020.
Ngọc Lan[links()]
Liên kết website
Ý kiến ()