Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 25/11/2024 12:04 (GMT +7)
Thực hiện linh động, đồng bộ các đột phá chiến lược
Thứ 5, 13/10/2022 | 07:49:40 [GMT +7] A A
Bước vào năm 2022, Quảng Ninh gặp khó khăn về thị trường tiêu thụ, XNK hàng hóa, đứt gãy chuỗi cung ứng lao động; giá xăng dầu, giá nguyên vật liệu và một số loại hàng hóa cơ bản tăng cao đã tác động trực tiếp tới hoạt động sản xuất kinh doanh và mọi mặt của đời sống KT-XH. Mặc dù vậy, tỉnh đã bám sát chỉ đạo của Chính phủ và thực tiễn tại địa phương, từ đó thực hiện linh hoạt, đồng bộ các đột phá chiến lược, tạo động lực mạnh mẽ phát triển KT-XH trên địa bàn.
Theo đó, tỉnh tiếp tục huy động mọi nguồn lực, đa dạng hình thức đầu tư; đẩy nhanh tốc độ phát triển và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng KT-XH đồng bộ, hiện đại; chỉ đạo, triển khai quyết liệt nhiều giải pháp đẩy mạnh đầu tư, xây dựng các dự án, công trình từ nguồn vốn ngân sách, vốn ngoài ngân sách. Tính đến hết ngày 25/9, tổng kế hoạch chi đầu tư công năm 2022 toàn tỉnh là 17.029 tỷ đồng, chiếm khoảng 50% tổng chi ngân sách địa phương và đã giải ngân được 7.576 tỷ đồng. Tổng vốn thu hút ngoài ngân sách đạt khoảng 43.746 tỷ đồng...
Quảng Ninh đã hoàn thành, đưa vào sử dụng cao tốc Vân Đồn - Móng Cái; đã và đang đẩy nhanh tiến độ các công trình trọng điểm như cầu Cửa Lục 3, đường ven sông kết nối từ cao tốc Hạ Long - Hải Phòng đến TX Đông Triều... Đặc biệt, đầu tháng 9 vừa qua tỉnh đã khởi công Tổ hợp dự án nhà máy sản xuất công nghiệp tại khu vực Đầm Nhà Mạc (TX Quảng Yên). Đây là tổ hợp dự án thuộc lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo đầu tiên do nhà đầu tư trong nước triển khai với quy mô lớn tại KKT ven biển Quảng Yên.
Cùng với đó, Quảng Ninh cũng tập trung cho khâu đột phá chiến lược về cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh và 13 trung tâm hành chính công các huyện, thị xã, thành phố hoạt động đồng bộ, hiện đại, thay đổi cơ bản hình ảnh, môi trường, cách thức tương tác với người dân và doanh nghiệp. Công tác rà soát, đơn giản hóa, cắt giảm những TTHC không phù hợp, giảm thời gian giải quyết TTHC theo quy định được thực hiện triệt để.
Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh tích cực triến khai việc sử dụng thêm con dấu thứ hai để giải quyết TTHC theo nguyên tắc 5 tại chỗ, đến nay tại đây có 1.000/1.321 TTHC thực hiện quy trình giải quyết theo nguyên tắc này. 9 tháng năm 2022, Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh và các trung tâm hành chính công cấp huyện đã cung cấp được 1.712/1.832 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trên Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh. Số lượng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 của tỉnh đã hoàn thành tích hợp lên Cổng dịch vụ công Quốc gia là 1.222 thủ tục, đạt tỷ lệ 75%.
Cùng với việc quyết liệt cải cách TTHC, chất lượng môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh được cải thiện tích cực thể hiện rõ qua kết quả đánh giá Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). 5 năm liên tiếp (2016-2021), Quảng Ninh giữ vị trí quán quân về chỉ số PCI... Quảng Ninh còn phối hợp với VCCI tổ chức kỳ họp III - Hội đồng tư vấn kinh doanh APEC (ABAC); tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Quảng Ninh năm 2022 trong khuôn khổ sự kiện ABAC... Qua tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, thuận lợi. 9 tháng năm 2022 toàn tỉnh có 1.866 đơn vị doanh nghiệp thành lập mới, tăng 24% so cùng kỳ. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 17.745 doanh nghiệp và đơn vị phụ thuộc đăng ký hoạt động, vốn đăng ký đạt 386.650 tỷ đồng.
Quảng Ninh cũng tập trung thực hiện chuyển đổi số toàn diện trên địa bàn. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết 09-NQ/TU ngày 5/2/2022 và thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về thực hiện chuyển đổi số; ký kết hợp tác triển khai chuyển đổi số giữa tỉnh với các tập đoàn, công ty công nghệ lớn; công bố kết quả đánh giá mức độ chính quyền điện tử cấp sở, cấp huyện và cấp xã năm 2021; đã thành lập 1.473 tổ công nghệ số cộng đồng...
Quảng Ninh còn chú trọng chiến lược đột phá về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, lao động có kỹ năng gắn với tăng nhanh quy mô và nâng cao chất lượng dân số. Trường Đại học Hạ Long được xây dựng theo hướng đa ngành; sáp nhập Trường Cao đẳng Giao thông Quảng Ninh vào Trường Cao đẳng Việt - Hàn Quảng Ninh... qua đó đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho tỉnh. Công tác liên kết, hợp tác đào tạo phát triển nguồn nhân lực được quan tâm, nhiều trường đại học, cao đẳng trong nước và quốc tế tổ chức đào tạo tại tỉnh. Mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp được đầu tư xây dựng, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo nghề và chất lượng nguồn nhân lực trên địa bàn.
Đồng thời, để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, lao động có kỹ năng về làm việc, sinh sống tại Quảng Ninh, tỉnh tiếp tục hoàn thiện Đề án phát triển nhà ở công nhân, lao động ngành than, KCN.
Việc tập trung thực hiện các đột phá chiến lược một cách linh động, phù hợp với thực tiễn tình hình đã góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH trên địa bàn. Tốc độ tăng trưởng kinh tế 9 tháng năm 2022 của Quảng Ninh đạt khoảng 10,7%, cao hơn 1,22 điểm % so với cùng kỳ năm 2021. Đời sống của người dân tiếp tục ổn định, phát triển.
Thu Nguyệt
Liên kết website
Ý kiến ()