Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 10:24 (GMT +7)
Thực hiện nhiệm vụ KT-XH: Tăng tốc những tháng cuối năm
Thứ 2, 02/10/2023 | 07:46:41 [GMT +7] A A
Tỉnh thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH năm 2023 có những thời cơ, thuận lợi, nhưng cũng đan xen nhiều khó khăn. Với sự nỗ lực, đoàn kết, đồng lòng của các cấp, ngành, địa phương, đơn vị và nhân dân trong tỉnh, nhiều mục tiêu, nhiệm vụ đề ra 9 tháng đã đạt nhiều kết quả quan trọng, giữ vững ổn định KT-XH và nhịp độ phát triển. Để hoàn thành mục tiêu cả năm đề ra, nhiều giải pháp đang được tỉnh quyết liệt chỉ đạo, triển khai.
Hoàn thành vượt mức nhiều chỉ tiêu
Bám sát định hướng của Trung ương trong thực hiện nhiệm vụ chính trị, phát triển KT-XH, ngay từ đầu năm nay, cấp uỷ, chính quyền tỉnh đã nhận định rõ những khó khăn, trong đó có những thách thức về tình hình kinh tế thế giới, khu vực, trong nước diễn biến phức tạp, khó lường, nhất là bất ổn của kinh tế vĩ mô toàn cầu; biến động chính trị, an ninh thế giới; tác động cực đoan của biến đổi khí hậu, hiện tượng El-Nino và tình trạng thiếu điện tại khu vực miền Bắc, ngành Than gặp nhiều khó khăn trong phát triển sản xuất…
Với những khó khăn được dự báo, Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai các giải pháp trên các lĩnh vực theo nghị quyết, kết luận của Trung ương, của Tỉnh uỷ. Tỉnh cũng thường xuyên rà soát, xây dựng mới, sửa đổi, bổ sung kịp thời các quy chế, quy định, chủ trương, định hướng, chính sách phát triển khả thi, đảm bảo đồng bộ. Trong đó, tỉnh tập trung giải quyết hiệu quả các nhiệm vụ thường xuyên, trước mắt, cấp bách; vừa thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp mang tính căn cơ trong trung hạn, dài hạn… Đặc biệt, thực hiện Nghị quyết số 12-NQ/TU (ngày 28/12/2022) của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh gắn với chủ đề công tác năm 2023 “Nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư và chất lượng đời sống nhân dân”, tỉnh triển khai hàng loạt giải pháp.
Trong đó, tỉnh chỉ đạo giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện các dự án ngoài ngân sách trọng điểm, như: Nhà máy điện khí LNG Quảng Ninh; Khu đô thị phức hợp Hạ Long Xanh; Cảng Vạn Ninh; Sân golf Đông Triều… Đồng thời, quyết liệt chỉ đạo hoàn thành các kế hoạch, nhất là Quy hoạch chung, quy hoạch vùng, quy hoạch phân khu và kế hoạch sử dụng đất đai; tháo gỡ vướng mắc về GPMB, đất đai, đầu tư, xây dựng; thu hút đầu tư các dự án, tập trung tại các KKT, KCN trên địa bàn tỉnh.
Đặc biệt, tỉnh chỉ đạo thu hút có chọn lọc nguồn vốn đầu tư FDI thế hệ mới vào các KCN, KKT trọng điểm, nhất là KKT ven biển Quảng Yên, KKT Cửa khẩu Móng Cái…, ưu tiên dự án công nghiệp chế biến, chế tạo công nghệ cao, thân thiện môi trường và tăng cường ứng dụng KHCN trong sản xuất. M
ới đây, sự kiện “Kết nối công nghệ và đổi mới sáng tạo Việt Nam năm 2023” được tỉnh Quảng Ninh và Bộ KH&CN tổ chức tại Hạ Long có quy mô quốc gia đã trở thành “cầu nối” thúc đẩy hợp tác đầu tư, nghiên cứu ứng dụng, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo. Qua đây cũng bổ sung cho tỉnh những tư duy và tầm nhìn mới về xu hướng, giải pháp công nghệ mới, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh; chuyển giao KHCN và đổi mới sáng tạo góp phần phát triển KT-XH tỉnh Quảng Ninh nhanh, hiệu quả, bền vững gắn với bảo đảm vững chắc QP-AN, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân. Tại sự kiện này, 8 biên bản ký kết ghi nhớ về hợp tác chuyển giao công nghệ và đổi mới sáng tạo đã được trao, trong đó đại diện Sở KH&CN Quảng Ninh cấp Giấy chứng nhận chuyển giao công nghệ cho đại diện Công ty CP Hóa dầu Stavian Quảng Yên; biên bản ký kết ghi nhớ giữa Sở KH&CN Quảng Ninh và Tập đoàn BP đến từ Anh Quốc; biên bản ký kết ghi nhớ giữa huyện Cô Tô và Công ty CP Bóng đèn phích nước Rạng Đông…
Song song với đó, thực hiện chủ đề công tác năm 2023, tỉnh có nhiều giải pháp cải thiện, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân, trong đó quan tâm nhiều cho khu vực miền núi, biên giới, hải đảo. Với những giải pháp và dành nhiều nguồn lực cho lĩnh vực giáo dục đào tạo, y tế, lao động việc làm, an sinh xã hội, lĩnh vực văn hóa tiếp tục được tỉnh quan tâm.
Mới đây, Tỉnh ủy Quảng Ninh phối hợp với Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản tổ chức Hội thảo khoa học "Quảng Ninh nhận diện và phát huy các giá trị văn hóa, con người, tạo nguồn lực cho phát triển nhanh, bền vững". Hội thảo đã góp phần tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đối với công tác xây dựng và phát triển văn hóa, con người Quảng Ninh theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội XV của Đảng bộ tỉnh. Tỉnh cũng khẳng định quan điểm triển khai kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế nhanh, bền vững, thu hẹp nhanh khoảng cách giàu nghèo và chênh lệch vùng miền với phát triển văn hóa, con người, xây dựng nền văn hóa giàu bản sắc Quảng Ninh; khơi dậy mạnh mẽ truyền thống "Kỷ luật - Đồng tâm", ý chí tự cường, tinh thần đoàn kết, nhất trí, khát vọng phát triển tỉnh Quảng Ninh giàu đẹp, văn minh, hiện đại. Đồng thời, phát huy cao giá trị văn hóa, sức mạnh và tinh thần cống hiến của mọi người dân Quảng Ninh…
Với tinh thần đoàn kết, gắn bó, trách nhiệm từ tỉnh đến cơ sở, các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2023 của tỉnh triển khai trong 9 tháng bám sát theo kế hoạch và đạt nhiều kết quả quan trọng. GRDP của tỉnh ước tăng gần 10%, đứng thứ 4 toàn quốc. Tổng lượng khách du lịch đạt gần 13 triệu lượt, tăng 41,7% cùng kỳ 2022; doanh thu du lịch đạt trên 24.000 tỷ đồng, tăng 34,8% so với cùng kỳ 2022. Thu NSNN trên địa bàn tỉnh đạt hơn 40.000 tỷ đồng, tăng 4% cùng kỳ 2022. Đến ngày 15/9/2023, thu hút vốn đầu tư trong nước ngoài ngân sách đạt 45.372 tỷ đồng, tăng 33,8% cùng kỳ năm 2022…
An sinh xã hội được bảo đảm, đời sống của người dân các vùng miền trong tỉnh ngày càng được nâng cao. Tổng chi an sinh xã hội 9 tháng của tỉnh ước đạt 1.037 tỷ đồng, tăng 81% cùng kỳ 2022. Tỉnh đang quyết liệt chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ rà soát, đánh giá nhu cầu tái định cư trên địa bàn đến năm 2030; quỹ đất tái định cư đảm bảo nhiệm vụ chuẩn bị ít nhất 50.000 suất tái định cư phục vụ công tác GPMB, thu hồi đất đến năm 2030.
Đến nay, đã dự kiến đến năm 2030 đất bố trí tái định cư khoảng 45.956 suất, đạt 91% so với yêu cầu. Những tháng qua, Cuộc vận động huy động nguồn lực thực hiện mục tiêu xoá nhà ở tạm, nhà ở dột nát trên địa bàn tỉnh năm 2023 đã lan toả sâu rộng tại các địa phương trong tỉnh. Đến nay, toàn tỉnh cơ bản hoàn thành chỉ tiêu xây dựng, sửa chữa nhà ở cho hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn. Đây là một trong những chủ trương có ý nghĩa an sinh xã hội rất lớn, bảo đảm mọi người dân Quảng Ninh đều được thụ hưởng thành quả phát triển, tăng trưởng bao trùm, không để ai bị bỏ lại phía sau.
Quyết tâm hành động
Mặc dù đạt nhiều kết quả tích cực, tuy nhiên vẫn còn một số chỉ tiêu KT-XH của tỉnh chưa đạt như kỳ vọng. Trong đó, chỉ tiêu thu NSNN chưa đảm bảo tiến độ thu bình quân và một số chỉ tiêu thu chưa đảm bảo tiến độ; tiến độ thi công, công tác chuẩn bị đầu tư một số dự án còn chậm; tỷ lệ giải ngân thấp…
Tại phiên họp thường kỳ UBND tỉnh tháng 9/2023, đồng chí Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tường Huy đã chỉ đạo những tháng cuối năm, các đơn vị, địa phương tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý thu, chi ngân sách; gắn với công tác quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả nguồn lực tài chính, tài sản công ở các cấp ngân sách; thực hiện tốt các nhóm giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 bằng việc đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu ở mỗi đơn vị, địa phương. Đồng thời, tập trung tháo gỡ khó khăn cho các dự án trọng điểm đã triển khai và đẩy mạnh ba đột phá chiến lược, tạo động lực, nền tảng cho tăng trưởng, phát triển trong năm nay và các năm tiếp theo.
Bám sát chỉ đạo của tỉnh, các ngành, địa phương trong tỉnh đang quyết tâm hành động để hoàn thành các chỉ tiêu đề ra 3 tháng cuối năm và trong cả năm, trong đó tập trung cao cho công tác thu hút đầu tư, đồng hành cùng doanh nghiệp. Trong đó, tiếp tục đánh giá tổng thể các quy hoạch, đề án, dự án du lịch, dịch vụ trên địa bàn; tập trung thu hút đầu tư các dự án du lịch, dịch vụ, logistics vào KKT Vân Đồn, KKT Cửa khẩu Móng Cái.
Đồng thời, thúc đẩy phát triển các sản phẩm du lịch, dịch vụ độc đáo có sức cạnh tranh cao tại các địa phương: Hạ Long, Cẩm Phả, Móng Cái, Vân Đồn, Cô Tô. Cùng với đó, chú trọng các sản phẩm du lịch, dịch vụ về đêm, trên bờ, dưới Vịnh Hạ Long, Bái Tử Long. Đồng thời, tập trung triển khai Đề án thí điểm mô hình phát triển kinh tế ban đêm trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023-2025. Năm 2023 tỉnh phấn đấu thu hút 15 triệu lượt khách du lịch.
Tiếp tục cụ thể hoá chủ đề công tác năm về "nâng cao chất lượng đời sống nhân dân”, các cấp, ngành, địa phương, đơn vị có nhiều hoạt động thiết thực cụ thể hoá các chính sách đảm bảo an sinh, nâng cao phúc lợi xã hội, trong đó dành nhiều quan tâm đến đối tượng chính sách, người có công, người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc, biên giới, hải đảo, vùng khó khăn của tỉnh. Đồng thời, xây dựng chính quyền địa phương các cấp liêm chính, phục vụ, kiến tạo phát triển, thực sự “của dân, do dân, vì dân”, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; tạo sự đồng thuận xã hội, phát huy sức mạnh tổng hợp thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ đề ra năm 2023. Đặc biệt ngay trong tháng 10 này, tỉnh tập trung thực hiện thành công các kế hoạch, mục tiêu, sự kiện, chú trọng các công trình, dự án hướng đến kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập tỉnh 30/10 (1963-2023); chuẩn bị tốt các nội dung, chương trình, kế hoạch trình kỳ họp chuyên đề và kỳ họp cuối năm của HĐND tỉnh.
Nguyễn Huế
Liên kết website
Ý kiến ()