Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 18:15 (GMT +7)
Thực hiện quyền con người trong Hiến pháp 1946 trong giai đoạn hiện nay
Thứ 3, 09/11/2021 | 17:27:27 [GMT +7] A A
Nhân kỷ niệm 75 năm Ngày ban hành Hiến pháp đầu tiên của Nhà nước Việt Nam (9/11/1946 - 9/11/2021), Ngày Pháp luật Việt Nam, nhìn lại giá trị Hiến pháp năm 1946, chúng ta thấy bản Hiến pháp mang tầm lịch sử thời đại.
Ngày nay, Chính phủ Việt Nam phấn đấu xây dựng Nhà nước Pháp quyền XHCN, chúng ta tiếp tục kế thừa những tư tưởng tiến bộ trong bản Hiến pháp đầu tiên, quyết tâm xây dựng một đất nước sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật, thực hiện tốt những quy định trong các bản Hiến pháp và đặc biệt là thực hiện quyền con người trong Hiến pháp đã quy định.
Quyền con người là quyền thiêng liêng của mỗi người. Con người ta sống là có quyền con người. Thực tế nhân loại hành động đều vì con người, với những tư tưởng tiến bộ vì con người. Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời lãnh đạo giai cấp công nhân, nhân dân lao động, dân tộc Việt Nam đấu tranh giải phóng giai cấp, giải phóng nhân dân lao động, giải phóng dân tộc với mục đích cuối cùng là đấu tranh vì quyền con người. Cách mạng Tháng 8 năm 1945 là dấu mốc son chói lọi đánh dấu thành tựu đấu tranh thắng lợi của Đảng ta, dân tộc ta. Cách mạng Tháng 8 thành công, mở ra một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên thành lập nên Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đảm bảo về quyền con người.
Vào ngày 3/9/1945, tại phiên họp đầu tiên của Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xác định xây dựng một bản hiến pháp dân chủ. Ngày 9/11/1946, tại Kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa I đã thông qua bản Hiến pháp đầu tiên của nước ta. Sự ra đời của Hiến pháp 1946 đánh dấu quyền con người Việt Nam lần đầu tiên được khẳng định với vị thế của người dân của một nước Việt Nam độc lập theo chế độ dân chủ nhân dân, quyền bính trong nước là của toàn thể nhân dân, không phân biệt nòi giống, gái trai, giàu nghèo, giai cấp, tôn giáo, các quyền tự do dân chủ được đảm bảo.
Quyền con người được thể hiện trong Hiến pháp năm 1946 rõ ràng, súc tích, ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ, đề cập đến những quyền cơ bản của con người, quyền công dân toàn diện và sâu sắc. Các quyền được thể hiện cụ thể trong Hiến pháp: Tại chương 2: Nghĩa vụ và quyền lợi công dân; Mục B đề cập đến quyền con người, quyền công dân. Trên tinh thần quyền con người, quyền công dân là một nội dung cơ bản cấu thành Hiến pháp. Chương 2 của Hiến pháp năm 1946 đã thể hiện đầy đủ tinh thần trên.
Tiếp nối dòng chảy của Hiến pháp năm 1946 về quyền con người, quyền công dân, các chủ trương, đường lối, quan điểm của Đảng ta kế thừa, phát huy, phát triển và cụ thể quyền con người, quyền công dân. Trong thời gian qua, việc bảo đảm và thực hiện quyền con người ở nước ta đã đạt được tiến bộ rất quan trọng, được cộng đồng quốc tế thừa nhận và đánh giá cao.
Với việc đặt con người vào vị trí trung tâm của mọi chính sách, coi con người vừa là động lực, vừa là mục tiêu của công cuộc phát triển, đường lối đổi mới không chỉ tác động đến kinh tế, xã hội mà đồng thời chi phối mạnh mẽ nhận thức và thực tế bảo đảm quyền con người ở nước ta. Một số thành tựu đạt được về quyền con người như: Quyền được sống trong độc lập, tự do; Quyền lập hội của người dân; Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và không tín ngưỡng, tôn giáo; Quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí và thông tin; Quyền được giáo dục; Quyền bình đẳng của các dân tộc thiểu số...
Đảng ta khẳng định: “Đối với chúng ta, vấn đề quyền con người được đặt ra xuất phát từ mục tiêu của chủ nghĩa xã hội, từ bản chất của chế độ ta. Chỉ dưới tiền đề độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội thì quyền con người mới được bảo đảm rộng rãi và đầy đủ, trọn vẹn nhất”. Trong quá trình xây dựng, thực thi chính sách, pháp luật về quyền con người, quyền công dân, Nhà nước ta đã bám sát quan điểm chỉ đạo của Đảng, tinh thần giá trị của Hiếp pháp năm 1946. Tại Đại hội toàn quốc lần thứ XIII, Đảng ta định hướng: “Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng bảo vệ Tổ quốc; mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ cuộc sống, nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu”.
Thực hiện tốt Hiến pháp năm 1946 và các quan điểm chỉ đạo của Đảng về quyền con người và quyền công dân chúng ta cần thực hiện tốt các giải pháp cơ bản. Đó là: Xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, tạo cơ sở pháp lý cho việc bảo vệ, thúc đẩy và phát triển quyền con người, quyền công dân; xây dựng chế độ trách nhiệm của cán bộ, công chức nhà nước và hoàn thiện cơ chế kiểm tra, giám sát bảo đảm nhân dân tham gia thực sự công việc nhà nước; xóa đói, giảm nghèo, thực hiện công bằng xã hội, giảm sự phân hóa giàu nghèo, nền tảng cho phát triển bền vững; tăng cường bảo vệ quyền con người trong lĩnh vực tư pháp hình sự...
Quyền con người và việc thực hiện quyền con người là một quá trình lịch sử lâu dài gắn liền với lịch sử phát triển của đất nước Việt Nam. Dấu mốc lịch sử từ Hiến pháp năm 1946 đến nay, quyền con người ở Việt Nam đã trở thành giá trị của một quốc gia độc lập và của cả chung nhân loại. Trong sự nghiệp đổi mới, Đảng ta kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước và từng chính sách phát triển, quyết tâm thực hiện: Dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, góp phần bảo đảm và thực hiện quyền con người.
Ths Đào Thị Mai Hương (Khoa Xây dựng Đảng, Trường Chính trị Nguyễn Văn Cừ)
Liên kết website
Ý kiến ()