Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 05/11/2024 07:18 (GMT +7)
Thực tiễn hoá các đề tài, nhiệm vụ KH&CN
Thứ 6, 16/06/2023 | 06:28:14 [GMT +7] A A
Cùng với đầu tư phát triển tiềm lực KH&CN, các địa phương, đơn vị, cá nhân trong tỉnh đã tập trung nghiên cứu, ứng dụng KH&CN thông qua thực hiện các đề tài, dự án các cấp. Qua đó góp phần thúc đẩy sản xuất, nâng cao giá trị, sức cạnh tranh của sản phẩm...
Ứng dụng từ kết quả nhiệm vụ KH&CN
Với vai trò KH&CN là then chốt, là động lực phát triển kinh tế - xã hội, nhiều quy hoạch, đề án lớn của các ngành đã được triển khai. Trong đó các nhiệm vụ KH&CN lĩnh vực CNTT được ưu tiên, dành nguồn lực đáng kể, như xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý nguồn lợi tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên; giám sát an toàn giao thông, trường học thông minh, quản lý đất đai, quan trắc bảo vệ môi trường và phòng chống thiên tai...
Trong lĩnh vực nông nghiệp, từ các kết quả của các đề tài, nhiệm vụ KH&CN đã hình thành các vùng sản xuất tập trung: Hoa Hoành Bồ, rau Quảng Yên, mai vàng Yên Tử; nâng cao năng suất chất lượng trong sản xuất các giống cây trồng, vật nuôi có thế mạnh của địa phương: Vải chín sớm Phương Nam, gà Tiên Yên... Đặc biệt đã chủ động công nghệ sản xuất giống các đối tượng đặc hữu của vùng biển Quảng Ninh, như: Sá sùng, ngán, ốc nhảy, tu hài... Đáng chú ý đã nghiên cứu lưu giữ nhằm bảo tồn các nguồn gen đặc hữu, có giá trị kinh tế: Mai vàng Yên Tử, cây tùng la hán, đỗ quyên...; bảo tồn 8 nguồn gen thuộc Đề án Khung bảo tồn nguồn gen cấp tỉnh giai đoạn 2015-2020.
Nhiệm vụ khoa học thuộc lĩnh vực y tế đã góp phần quảng bá, nâng cao năng lực cạnh tranh trong lĩnh vực y tế, giúp người bệnh yên tâm điều trị tại tỉnh, tiết kiệm thời gian, chi phí của bệnh nhân và giảm tải cho bệnh viện tuyến trung ương. Nhiều kỹ thuật mới được ứng dụng và làm chủ thành công, lan tỏa trong xã hội như: Ứng dụng công nghệ thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) trong điều trị vô sinh; công nghệ phẫu thuật tim hở và phẫu thuật mạch máu đã điều trị thành công trên 48 ca; kỹ thuật trao đổi oxy qua màng ngoài cơ thể (ECMO) trong hỗ trợ tim phổi cho bệnh nhân nặng; công nghệ điều trị chấn thương sọ não nặng trở thành kỹ thuật thường quy tại các bệnh viện, mỗi năm mổ thành công cho hơn 20 bệnh nhân. Gần đây, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã triển khai thành công đưa phần mềm trí tuệ nhân tạo RAPID vào đánh giá, phân tích hình ảnh tự động về tình trạng não của bệnh nhân đột quỵ, mang đến cơ hội sống cho nhiều ca đột quỵ não quá “giờ vàng”.
Các kết quả từ đề tài, nhiệm vụ KH&CN ở lĩnh vực khác cũng đã và đang bám sát thực tiễn, góp phần phục vụ hiệu quả mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Nâng cao chất lượng đề tài, nhiệm vụ KH&CN
Theo thống kê của Sở KH&CN, tỷ lệ ứng dụng, duy trì, nhân rộng các đề tài, nhiệm vụ KH&CN vào thực tiễn đạt khoảng 76%. Theo đó đã cung cấp cơ sở dữ liệu, luận cứ khoa học, phục vụ phát triển ngành, lĩnh vực; cung cấp các giải pháp, biện pháp thực hiện nhằm hoàn thiện quy trình công nghệ nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm ứng dụng vào sản xuất và đời sống..., đóng góp tích cực, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tuy nhiên, so với yêu cầu thực tế, tiềm năng, lợi thế của tỉnh, hoạt động KH&CN còn nhiều khó khăn, ứng dụng KH&CN vào sản xuất, đời sống vẫn còn ít, quy mô nhỏ, nhiều đề tài tiến độ nghiên cứu chậm, khả năng ứng dụng, nhân rộng chưa cao...
Để các nhiệm vụ KH&CN được triển khai hiệu quả, đúng tiến độ, chất lượng, công tác quản lý, triển khai các nhiệm vụ ngày càng chặt chẽ, cần thực hiện nghiêm cơ chế đặt hàng, quy trình tư vấn xác định, tuyển chọn hoặc giao trực tiếp thực hiện nhiệm vụ; ưu tiên chọn lựa, tham mưu đặt hàng thực hiện các nhiệm vụ KH&CN có sự tham gia, đối ứng kinh phí của các doanh nghiệp và có địa chỉ ứng dụng ngay từ đầu; hợp đồng giữa Sở KH&CN với đơn vị chủ trì thực hiện nhiệm vụ KH&CN rõ ràng, cụ thể về trách nhiệm, quyền hạn của mỗi bên...
Cùng với đó, tập trung hỗ trợ triển khai nghiên cứu, ứng dụng phát triển công nghệ gắn với thúc đẩy đổi mới sáng tạo một số ngành, lĩnh vực. Đối với lĩnh vực công nghiệp, tiếp tục nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ tiên tiến, sử dụng ít năng lượng, công nghệ sạch, thân thiện với môi trường... Đối với lĩnh vực nông nghiệp, tập trung nghiên cứu ứng dụng tiến bộ KHKT xây dựng mô hình sản xuất hữu cơ một số nông sản chủ lực; đẩy mạnh chuyển giao công nghệ chế biến sâu để phát triển sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị đối với các sản phẩm đặc sản có lợi thế, tạo các sản phẩm sạch, an toàn. Lĩnh vực bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, ứng dụng tiến bộ KH&CN để khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả tài nguyên thiên nhiên; phát triển kinh tế biển, bảo tồn, lưu giữ và khai thác hợp lý. Lĩnh vực dịch vụ, triển khai ứng dụng các nền tảng công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, các mô hình kinh doanh mới trong các hoạt động dịch vụ, kinh doanh, dịch vụ công trực tuyến dựa trên nền tảng số.
Hiểu Trân
Liên kết website
Ý kiến ()