Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 06/01/2025 16:03 (GMT +7)
Thương cảng cổ Vân Đồn: Cần đẩy mạnh việc bảo vệ, tôn tạo di tích
Thứ 6, 09/10/2020 | 09:24:25 [GMT +7] A A
Thương cảng cổ Vân Đồn được hình thành từ thời vua Lý Anh Tông, cách đây hơn 9 thế kỷ, là hệ thống cảng bến xuất, nhập hàng hóa với nước ngoài đầu tiên của Việt Nam. Mặc dù là di tích quốc gia, tuy nhiên tình trạng của Thương cảng cổ Vân Đồn lâu nay luôn có nguy cơ bị xâm hại, mai một, lãng quên.
Khi nước triều xuống, bến Cái Làng phát lộ rất nhiều những mảnh gốm sứ, vốn là mảnh vỡ của hàng hóa từng lưu thông tại Thương cảng cổ Vân Đồn. |
Để khắc phục tình trạng này, với nhiều nỗ lực, tỉnh Quảng Ninh, các sở, ban, ngành tỉnh và huyện Vân Đồn đã triển khai những hoạt động bảo vệ, tôn tạo, phát huy giá trị di tích. Tuy nhiên thực tế các hoạt động này chưa đáp ứng nhu cầu đặt ra. Thương cảng cổ Vân Đồn hiện nay vẫn chỉ là một chốn hoang vu, đìu hiu, chưa tương xứng với giá trị thực của nó.
Chỉ cách bến Quan Lạn chưa đến 10 phút đi đò máy thế nhưng dường như hiếm có ai ghé chân tới Cái Làng, một trong 3 cảng chính, lớn nhất thuộc cảng cổ Vân Đồn xưa. Tại đây không khó để tìm thấy hàng chục, hàng trăm mảnh gốm sứ, vốn là mảnh vỡ hàng hóa từng lưu thông tại thương cảng cổ. Khi thủy triều rút xuống còn có thể để lộ ra cả dải hiện vật có tuổi đời nhiều trăm năm này, tất cả cứ ngập trong nước khi thủy triều lên rồi phơi mưa nắng khi thủy triều xuống, chẳng có ai cần để ý. Cả khu vực Cái Làng rộng lớn hầu như lâu nay không có tác động của con người, lau sậy mọc um tùm, bò sát ra mép nước, chỉ riêng các vạt rừng phía trên đều là rừng trồng, đất đã được giao cho người dân sản xuất lâu dài, dù là thuộc vùng lõi của di tích.
Mật độ mảnh vỡ gốm sứ tại Cái Làng rất dày, cả phát lộ trên bề mặt lẫn nằm trong lòng đất và ngập sâu dưới nước. |
Khu Cổng Cái, một bến khác của Thương cảng cổ Vân Đồn bị chia cắt bởi đoạn đường đất đắp qua để người dân vào trồng rừng và khai thác khi đến chu kỳ thu hoạch. Sát đó là dây chuyền xử lý rác theo phương pháp đốt, phục vụ cho cả Quan Lạn và Minh Châu, rất mất vệ sinh và ô nhiễm môi trường. Cùng với Cái Làng, vị trí Cổng Cái cũng là vùng lõi của di tích Thương cảng cổ Vân Đồn, thế nhưng nơi thì hoang vu không người bước tới, nơi thì nhếch nhác, hôi hám, mất mỹ quan, thật chưa xứng tầm là di tích quốc gia về thương cảng quốc tế đầu tiên của người Việt.
Nhiều dấu tích các cảng bến, nơi neo đậu tàu thuyền, kho trữ hàng, các công trình tín ngưỡng phục vụ cư dân và thương nhân trên cảng... thuộc Thương cảng cổ Vân Đồn được phát lộ trong quá trình khảo sát, khảo cổ của các nhà khoa học, hiện nay chưa được bảo quản, bảo vệ tốt. Phương pháp bảo quản chủ yếu là vùi lấp lại trong lòng đất, nhiều trong số đó nằm trong các dải rừng trồng của người dân, rất dễ dàng bị đào xới, mất dấu vết hiện trạng khi người dân trồng hoặc khai thác rừng.
Con đường đất đắp chia ngang khu Cổng Cái. |
Mặc dù đánh giá Thương cảng cổ Vân Đồn là di tích quan trọng không chỉ của tỉnh mà mang tầm quốc gia, tuy nhiên công tác đầu tư nghiên cứu một cách tổng thể về di tích này chưa được thực hiện bài bản, trong khi đó đây sẽ là cơ sở, hành lang pháp lý để có thể triển khai các hoạt động bảo vệ, quản lý và phát huy giá trị di tích về sau này một cách tương xứng.
Theo ông Lưu Minh Đức, Chủ tịch UBND xã Quan Lạn, hiện nay đơn vị chuyên môn tỉnh đang trong tiến trình xây dựng và hoàn thiện hồ sơ để trình Chính phủ xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt cho Thương cảng cổ Vân Đồn, đồng thời một số nhà đầu tư lớn cũng đã đề xuất với UBND tỉnh ý tưởng đầu tư tái hiện một phần Thương cảng cổ Vân Đồn. Như vậy thì việc nghiên cứu một cách tổng thể di tích Thương cảng cổ Vân Đồn, quan trọng hơn cả là việc xúc tiến công tác bảo vệ, tôn tạo các dấu tích, hiện vật của di tích còn lưu giữ được đến nay là rất cần thiết, cần phải được quan tâm triển khai sớm và bài bản.
Khu xử lý rác thải sinh hoạt của Quan Lạn, Minh Châu nằm trong vùng lõi Thương cảng Vân Đồn cổ. |
Có thể thấy từ những đặc thù riêng có, lịch sử đã để lại cho Quảng Ninh những di tích quý giá, có một không hai, Thương cảng cổ Vân Đồn là một trong số đó. Việc để cho một di tích như Thương cảng cổ Vân Đồn trong cảnh đìu hiu, hoang vắng, mai một, lãng phí nhiều năm qua thật sự là rất đáng tiếc...
Việt Hoa
[links()]
Liên kết website
Ý kiến ()