Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 05/11/2024 07:17 (GMT +7)
"Thương cảng Vân Đồn là vốn văn hóa quý báu mà cha ông chúng ta đã để lại..."
Chủ nhật, 09/10/2022 | 10:06:04 [GMT +7] A A
Ngày 24/9/2022, UBND tỉnh đã tổ chức Hội thảo khoa học “Nhận diện giá trị, bảo tồn và phát huy quần thể di tích Thương cảng Vân Đồn”. Hội thảo đã nhận được nhiều tham luận, ý kiến đóng góp rất giá trị về mặt khoa học của các chuyên gia, nhà nghiên cứu. Nhân dịp này, phóng viên Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh có cuộc phỏng vấn Giáo sư, Tiến sĩ Trịnh Sinh, Viện Khảo cổ học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam xung quanh di tích Thương cảng Vân Đồn.
- Thưa Giáo sư, ông bắt đầu nghiên cứu Thương cảng Vân Đồn từ khi nào?
+ Từ năm 1983, tôi đã cùng với nhà nghiên cứu, Giáo sư Đỗ Văn Ninh khảo sát Thương cảng Vân Đồn. Bấy giờ chúng tôi phải đi thuyền thẳng từ Hạ Long ra Quan Lạn, Vân Đồn. Quan Lạn khi ấy còn hoang sơ lắm. Hiện nay thì đã khác xa so với khung cảnh của 40 năm về trước rồi. Tuy nhiên, thực tế thì vùng Quan Lạn vẫn không biến đổi nhanh như ở đảo Cái Bầu. Huyện đảo Vân Đồn đã phát triển mạnh, nhất là cơ sở hạ tầng ở quanh thị trấn Cái Rồng và hòn đảo lớn nhất là đảo Cái Bầu.
Từ thời Lý, vị thế của Thương cảng Vân Đồn đã vô cùng quan trọng. Chúng tôi đã tìm thấy tầng văn hoá dày khoảng 60cm trong lòng đất chứa các mảnh gốm thời Lý, Trần, Lê kéo dài 200m bên bờ vụng biển Cái Làng (mà chủ yếu là đồ gốm thời Lý) đã cho thấy thời Lý đã có thương cảng rất lớn ở đây, trên xã đảo Quan Lạn, mà thư tịch còn ghi lại: Năm Kỷ Tỵ (1149) dưới triều Lý Anh Tông, thuyền buôn ba nước Trảo Oa, Lộ Lạc, Xiêm La vào Hải Đông, xin cư trú, buôn bán, bèn cho lập trang ở nơi hải đảo, gọi là Vân Đồn, để mua bán hàng hoá quý, dâng tiến sản vật địa phương.
- Tại sao lại là Vân Đồn mà không phải là nơi khác, thưa Giáo sư?
+ Các nhà khoa học cũng đã nghiên cứu về con đường giao lưu văn hóa, thương mại Đông - Tây và đặt tên là "Con đường tơ lụa" hoặc "Con đường gia vị". "Con đường tơ lụa" hình thành từ thời Hán nối vùng ven biển Trung Quốc với vùng Trung Đông, Ai Cập và một phần châu Âu. Đây chính là con đường giao lưu Đông - Tây. Trong chuỗi đường biển của sự giao lưu đó, Việt Nam có 2 mắt xích quan trọng nằm ở vị trí Vịnh Bắc Bộ hình thành từ thời văn hóa Đông Sơn và Sa Huỳnh để nối các quốc gia cổ đại phía Tây với Trung Quốc. Hai mắt xích này đều qua Vịnh Bắc Bộ và nhiều khả năng qua Vân Đồn, vùng ven biển có nhiều đảo chắn gió và thích hợp với tình trạng kỹ thuật đóng thuyền còn thô sơ khi đó.
- Theo Giáo sư, đâu là nguyên nhân để sau đó Thương cảng Vân Đồn dần mất đi vị trí thương cảng quốc tế quan trọng vốn có như trước đó?
+ Bắt đầu từ thời Lê Trung Hưng, Thương cảng Vân Đồn dần dần mất đi vai trò. Đó là vì nhiều lý do như sự thay đổi chính sách của nhà nước Đại Việt lúc đầu, chỉ cho các thuyền buôn nước ngoài được buôn bán xa kinh đô, xa các trung tâm kinh tế, chính trị nội địa. Có lẽ do nhà Lê cho rằng đó là cách tránh mọi sự dò xét an ninh của ngoại bang. Đến thời Lê Trung Hưng, chính sách buôn bán với nước ngoài đã thay đổi cởi mở hơn. Các chợ đầu mối mọc lên ngay cả ở kinh thành Thăng Long. Vì thế mà Vân Đồn không còn đóng vai trò giao thương độc tôn nữa. Đến thời Nguyễn thì nhà Thanh có chính sách bế quan tỏa cảng, vua Tự Đức lại ngăn sông cấm chợ với nước ngoài.
Thêm nữa, càng ngày kỹ thuật đóng tàu thuyền càng tiến bộ. Con đường giao thương Đông - Tây lại có những tuyến mới, thậm chí có thể đi thẳng từ miền Trung nước ta qua vùng Hoa Nam mà không cần vòng qua Vịnh Bắc Bộ như trước nữa. Vì thế con đường biển qua Vân Đồn vốn đã thưa thớt lại càng thưa thớt tàu thuyền hơn.
- Như trên Giáo sư vừa chia sẻ, những di vật được phát hiện chủ yếu là gốm. Như thế, có phải gốm sứ là một trong những sản phẩm hàng hoá chính giao thương qua Thương cảng Vân Đồn?
+ Đó là do các đồ vật hữu cơ khác như gỗ, quế, lụa, gấm đã bị hủy hoại theo thời gian, mặc dù con đường giao thương nổi tiếng là mặt hàng lụa. Vì thế còn được mệnh danh là con đường tơ lụa. Còn đồ gốm thì bền vững với thời gian nên chúng ta thấy được cho đến ngày nay trong các tầng văn hoá phơi bày ngay trên mặt bãi triều. Mặt khác, đồ gốm Trung Quốc là sản vật nổi tiếng mà thế giới phương Tây ưa chuộng như gốm ở lò Cảnh Đức Trấn chẳng hạn. Rồi thì gốm Chu Đậu của Việt Nam hay gốm Hizen của Nhật Bản, hoặc là một số đồ gốm phương Tây tinh xảo cũng được người phương Đông ưa thích.
- Với Thương cảng Vân Đồn, câu chuyện gắn kết giữa bảo tồn và phát huy giá trị gắn liền với hoạt động du lịch, theo Giáo sư nên được tiến hành như thế nào?
+ Cái may là vốn di sản này vẫn còn tương đối nguyên vẹn. Những tầng văn hóa dày đặc gốm vẫn còn đấy, trải dài 200m ven bờ. Những di tích tôn giáo liên quan đến cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông năm 1288 của danh tướng Trần Khánh Dư vẫn được tu bổ, thờ tự, các lễ hội truyền thống, các bãi cát trắng phau đẹp tuyệt vời vẫn đượm vẻ hoang sơ.
Mặc dù huyện đảo phát triển mạnh nhưng sự phát triển về mặt du lịch ở Quan Lạn, một thời là trung tâm của Thương cảng Vân Đồn thì vẫn còn chưa xứng tầm. Dường như cái vốn di sản văn hóa, thắng cảnh này vẫn chỉ ở trạng thái tiềm năng như cô gái đẹp ngủ trong rừng mà chưa được đánh thức.
- Theo Giáo sư nguyên nhân của tình trạng này nằm ở đâu?
+ Thương cảng Vân Đồn là vốn văn hóa quý báu mà cha ông chúng ta đã để lại. Nhưng thực trạng bây giờ mới được khai thác ở giai đoạn ban đầu, chưa có bài bản để kích cầu du lịch, thu hoạch về kinh tế hầu như không nhiều. Nói riêng đảo Quan Lạn chưa cuốn hút được du khách cũng một phần vì còn nghèo nàn về sản phẩm du lịch, chưa đủ sức hút du khách lưu trú dài ngày. Chưa kể đến công tác quảng bá, truyền thông còn chưa rộng rãi. Bước vào giai đoạn mới, cả nước phát triển du lịch, Thương cảng Vân Đồn cũng cần thấy những ưu thế của mình, ngoài ưu thế về di sản, lịch sử văn hóa để vươn lên.
- Thông qua Hội thảo, Giáo sư có đề xuất những giải pháp cụ thể nào cho Vân Đồn?
+ Tôi nghĩ cần có di sản hấp dẫn để thu hút du khách bằng cách bảo tồn tầng văn hóa đang có, ví dụ như tầng gốm ken dày ở trên đảo Quan Lạn. Kèm theo đó là dựng lại một số di tích liên quan đến kiến trúc thương mại của Thương cảng Vân Đồn ở dọc bến sông, những dược nhà theo tiếng địa phương. Theo tôi cần có thêm một số cuộc điều tra, thám sát và khai quật với mục đích làm cơ sở để dựng lại một số kiến trúc liên quan đến trung tâm thương mại của Thương cảng Vân Đồn.
Bên cạnh đó, cần có kế hoạch làm một dạng bảo tàng ngoài trời trưng bày các di vật của Thương cảng Vân Đồn, phục chế các mảnh vỡ thành hình dáng ban đầu sẽ gây ấn tượng với người xem hơn. Các di tích tôn giáo tín ngưỡng liên quan đến danh tướng Trần Khánh Dư, các đình làng, chùa làng cần được bảo tồn. Đây là những di tích hấp dẫn, mang yếu tố tâm linh, du khách có thể đến viếng thăm và thắp hương.
Các lễ hội của khu vực Thương cảng Vân Đồn cũng cần bảo tồn và làm cho sinh động hóa. Lễ hội truyền thống ở Quan Lạn hàng năm phải tổ chức ở quy mô cấp huyện. Mời ngay những người dân thường xuyên tham gia lễ hội hàng năm vào hoạt động biểu diễn để phục vụ khách du lịch. Có thể dựng lại hoạt cảnh đội quân nhà Trần đánh tan đoàn thuyền lương của Trương Văn Hổ, góp phần vào chiến thắng năm 1288 ở trên sông Mang, đảo Quan Lạn.
- Có lẽ ngần đó sản phẩm là chưa đủ đối với Vân Đồn, thưa Giáo sư?
+ Chúng ta còn có thể nghiên cứu những sản phẩm lưu niệm mang sắc thái đặc biệt của Thương cảng Vân Đồn, tránh đi những sản phẩm nhàm chán mà khu du lịch nào cũng có. Có thể chọn sản phẩm là sản phẩm thương mại của Thương cảng Vân Đồn xưa trên cơ sở phục chế như đồ gốm thời Lý có hoa văn đẹp, đồng tiền Tây Ban Nha xưa do giao lưu thương mại mà có được v.v..
Rồi đến các sản phẩm ẩm thực địa phương, các món ăn đặc sản vùng miền như sá sùng chẳng hạn. Du khách có thể thưởng thức tại chỗ lại vừa có thể mang về làm quà v.v..
- Trân trọng cảm ơn Giáo sư đã trả lời phỏng vấn!
Phạm Học (Thực hiện)
- Không xét mật độ dân số để hình thành đô thị tại nơi có di sản văn hóa vật thể
- Xem xét điều chỉnh tên gọi hồ sơ đề nghị công nhận quần thể di tích, danh thắng Yên Tử là di sản thế giới
- 8 - là số di sản thiên nhiên và văn hóa của Việt Nam được UNESCO công nhận
- Nhiều thách thức cho các Khu Di sản thế giới tại Việt Nam sau dịch
Liên kết website
Ý kiến ()