Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 16:13 (GMT +7)
Thương cảng Vân Đồn - Thương cảng đầu tiên của nước Đại Việt
Thứ 3, 13/09/2022 | 11:01:43 [GMT +7] A A
Vân Đồn - mảnh đất “phên giậu” của Tổ quốc, có vị trí địa chính trị, văn hóa, kinh tế quan trọng của vùng Đông Bắc. Nơi đây từng là trung tâm giao thương lớn và quan trọng bậc nhất của nước Đại Việt, hình thành nên thương cảng Vân Đồn - thương cảng đầu tiên của nước ta.
Theo Đại Việt sử ký toàn thư, Thương cảng Vân Đồn được hình thành năm 1149, dưới thời vua Lý Anh Tông và tồn tại trong suốt 7 thế kỷ từ thời Lý đến thời Hậu Lê (giữa thế kỷ 12 đến cuối thế kỷ 18), với nhiều thuyền buôn từ khắp châu Á và châu Âu đến buôn bán, trao đổi hàng hóa. Các mặt hàng qua thương cảng rất phong phú, từ đồ gốm sứ, hương liệu, ngọc trai đến các sản vật địa phương.
Thương cảng Vân Đồn không chỉ là một trong những trung tâm kinh tế quan trọng bậc nhất của quốc gia Đại Việt mà còn là một trong những điểm giao lưu chính giữa văn hoá Đại Việt với các nền văn hoá phương Đông.
Kết quả khảo sát, thám sát khảo cổ học ở Vân Đồn của các nhà khoa học trong nước và quốc tế trong nhiều thập kỷ qua cho thấy, quy mô của Thương cảng Vân Đồn là khá rộng, có nhiều bến thuyền diễn ra hoạt động giao thương đồng thời ở nhiều địa điểm.
Tiến sĩ Wishley Thomas (Đại học Sonoma State, Mỹ) cho biết: Dự án thăm dò khảo cổ tại đảo Quan Lạn và một số đảo lân cận như Cống Đông, Cống Tây hay Thắng Lợi đã cho thấy một bức tranh tương đối toàn diện về phạm vi của Thương cảng cổ Vân Đồn. Chúng tôi tìm thấy ở đây nhiều di tích và những hiện vật với niên đại cách đây hàng nghìn năm. Sự phong phú đa đạng về nguồn gốc và chất liệu của các hiện vật đã chứng tỏ sự phân bố rộng rãi của thương cảng với những bến thuyền có sự thông thương của nhiều nước trên thế giới.
Hệ thống các bến thuyền cổ phân bố trải dài trên phạm vi khoảng 200km² từ mảnh đất Yên Hưng xưa, nay là thị xã Quảng Yên, qua các đảo thuộc Vịnh Bái Tử Long và Vịnh Hạ Long ra đến địa đầu Móng Cái.
PGS TS Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản Văn hóa quốc gia, nhận định: Thương cảng cổ Vân Đồn có nét đặc biệt là thương cảng biển đảo và có một hệ thống cảng, còn các thương cảng cổ khác của Việt Nam như Phố Hiến, Hội An là thương cảng sông và chỉ có một cảng. Đây chính là điểm khác biệt độc đáo làm nên giá trị của Thương cảng Vân Đồn.
Xã đảo Quan Lạn, huyện Vân Đồn, là nơi còn lưu lại nhiều dấu tích của thương cảng cổ khi xưa với hệ thống các bến thuyền cổ tập trung chủ yếu ở khu vực Cống Đông, Cống Tây (xã Thắng Lợi), Cái Làng, Cống Cái, Con Quy (xã Quan Lạn), trong đó khu vực Cái Làng được xác định là trung tâm của thương cảng.
Theo Tiến sĩ Lê Thị Liên (Hội Khảo cổ học Việt Nam) thì tại đảo Cống Đông, Cống Tây và một số khu vực khác, các nhà nghiên cứu đã phát hiện được rất nhiều loại hình di vật, chủ yếu là gốm sứ, ngoài đồ gốm Việt Nam còn có nhiều đồ gốm xuất xứ nước ngoài, đặc biệt là đồ gốm Trung Quốc, men rất dày và chất lượng tốt. Điều này khẳng định đây là khu vực giao thương rất phát triển, đặc biệt trong giai đoạn thế kỷ 14-15.
Thương cảng Vân Đồn – thương cảng sầm uất nhất Việt Nam trong 7 thế kỷ đã khẳng định vai trò của nó trong lịch sử ở 2 phương diện là trung tâm giao thương quốc tế và giữ vị trí trọng yếu đối với an ninh quốc gia ở vùng biển Đông Bắc, đóng vai trò như một quân cảng, góp phần phát triển kinh tế, thiết lập mở rộng mối quan hệ giao bang của quốc gia Đại Việt. Với những giá trị đặc biệt, năm 2003, Thương cảng Vân Đồn đã được nhà nước xếp hạng Di tích lịch sử quốc gia và đang tiến tới mục tiêu trở thành Di tích quốc gia đặc biệt.
Ngày 24/9 tới đây, tỉnh Quảng Ninh sẽ tổ chức Hội thảo Khoa học quốc tế về Thương cảng Vân Đồn. Đây là sự kiện có ý nghĩa đặc biệt nhằm tiếp tục củng cố cơ sở khoa học khẳng định những giá trị to lớn về lịch sử, văn hóa, quân sự của Thương cảng Vân Đồn, đồng thời xây dựng và phát triển Vân Đồn tương xứng với vị thế của một thương cảng quốc tế trong lịch sử.
Không chỉ là thương cảng của quá khứ, Vân Đồn ngày nay đã và đang “mở cửa” bầu trời, nối dài những tuyến đường bộ, đường biển, trở thành đầu mối giao thương, trung tâm dịch vụ của hiện tại và tương lai, mang lại những giá trị kinh tế, văn hóa đặc sắc từ tầm nhìn, tư duy hướng biển của cha ông.
Xuân Hòa
Liên kết website
Ý kiến ()