Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 29/11/2024 21:46 (GMT +7)
Thương hiệu Hạ Long
Chủ nhật, 14/12/2014 | 05:58:15 [GMT +7] A A
Vào những ngày này cách đây 20 năm, tại Phu Kẹt (Thái Lan), Vịnh Hạ Long được UNESCO đưa vào danh mục Di sản thiên nhiên thế giới. Điều đó có ý nghĩa hết sức quan trọng, bởi cho dù đã được nhắc đến như một kỳ quan trong sách, báo, tài liệu nghiên cứu v.v.. cả ở trong nước và nước ngoài, từ nhiều năm trước, nhưng đây mới là lần đầu tiên những “giá trị ngoại hạng” của Vịnh Hạ Long được tổ chức Liên hiệp quốc chính thức công nhận.
Với sự kiện này, cũng có thể nói, Vịnh Hạ Long như một “người đẹp” bắt đầu quá trình chinh phục các danh hiệu cao quý mang tầm thế giới. Vịnh Hạ Long ngày càng nổi tiếng hơn, trở thành thương hiệu du lịch hấp dẫn của mọi du khách khắp năm châu…
Nhưng có một điều mà nếu để ý sẽ thấy, trong quá trình xây dựng thương hiệu điểm đến Vịnh Hạ Long, những giá trị thẩm mỹ - nét đẹp “trời ban” - cái mà UNESCO đã dựa vào để công nhận Hạ Long là Di sản thế giới từ cách đây hai mươi năm trước - dường như được nói đến với một tần suất lấn át, thậm chí về một góc độ nào đó, đã làm “lu mờ” những giá trị khác của nó. Tất nhiên như thế cũng không có gì ngạc nhiên, bởi vẻ đẹp thiên tạo chính là cái đầu tiên làm du khách khi đến Hạ Long bị chinh phục. Tuy nhiên, nếu chỉ vậy thì thật đáng tiếc; bởi thương hiệu Hạ Long không chỉ và không nên được nhìn nhận chỉ dưới góc độ là một danh thắng đơn thuần. Thương hiệu Hạ Long phải là hình ảnh ấn tượng mà mỗi khi nhắc đến, nó gợi cho mọi người về “sự khác biệt” mang dấu ấn đặc trưng của một vùng đất. Sự khác biệt đó thể hiện cả trong nét đẹp thiên nhiên, nét đẹp văn hoá, xã hội v.v.. Chúng ta đều biết, ngoài giá trị thẩm mỹ, Vịnh Hạ Long còn được công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới về giá trị địa chất, địa mạo; (chưa kể giá trị đa dạng sinh học của Vịnh Hạ Long cũng rất xứng đáng để đưa vào danh sách Di sản thiên nhiên thế giới). Và đặc biệt, Hạ Long còn là một miền trầm tích văn hoá - lịch sử cổ xưa mà nếu được khảo sát, đánh giá một cách đầy đủ, hoàn toàn có cơ sở để đề xuất UNESCO công nhận là Di sản hỗn hợp (vừa là Di sản thiên nhiên, vừa là Di sản văn hoá). Những giá trị ngoại hạng đa dạng, phong phú ấy nếu được khai thác triệt để, đúng hướng, trong mối quan hệ tương tác, sẽ tạo nên động lực mạnh để Quảng Ninh xây dựng thương hiệu Hạ Long như một bản sắc văn hoá riêng, vừa mang tính hiện đại, phù hợp với xu thế phát triển hiện nay, vừa kế thừa được các giá trị truyền thống vốn có...
Trung Luận
Liên kết website
Ý kiến ()