Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 25/11/2024 21:13 (GMT +7)
Thường trực Ban Bí thư giao ban công tác 6 tháng với các đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy
Thứ 6, 28/07/2023 | 18:13:12 [GMT +7] A A
Ngày 28/7, đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc giao ban công tác 6 tháng đầu năm 2023 của Thường trực Ban Bí thư với các đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy trực thuộc Trung ương. Dự và chủ trì tại điểm cầu Quảng Ninh có đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh và các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy.
Tại hội nghị, các ý kiến đã tập trung thảo luận công tác lãnh đạo, chỉ đạo, kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XIII; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh, thành phố nhiệm kỳ 2020-2025 giữa nhiệm kỳ và 6 tháng đầu năm 2023.
Đồng chí Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an quán triệt những nội dung chủ yếu của Chỉ thị số 24-CT/TW ngày 13/7/2023 của Bộ Chính trị về bảo đảm vững chắc an ninh quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng và một số nội dung về công tác bảo đảm an ninh trật tự tại địa phương.
Phát biểu tham gia ý kiến tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh nêu rõ tình hình, kết quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV. Tỉnh ủy Quảng Ninh đã cụ thể hóa bằng 15 đề án, chương trình trọng điểm, 13 nghị quyết, 32 chỉ thị, 33 chương trình hành động, 290 kế hoạch chỉ đạo bao quát toàn diện các nhiệm vụ chính trị, bảo đảm gắn kết chặt chẽ và triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả, xác định rõ trọng tâm, trọng điểm, rõ nguồn lực, rõ mục tiêu, kết quả và lộ trình hoàn thành từng công việc, làm đến đâu dứt điểm đến đó, đo lường được kết quả, hiệu quả; gắn kết hài hòa giữa phát triển kinh tế nhanh, hiệu quả, bền vững với phát triển văn hóa, con người, xây dựng văn hóa giàu bản sắc Quảng Ninh; thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, thu hẹp chênh lệch vùng miền và khoảng cách giàu nghèo, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân theo tiêu chí của “hạnh phúc”, nhất là vùng đồng bào các dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo của tỉnh.
Trong thực hiện đồng bộ các đột phá chiến lược, tỉnh tập trung cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh với cách làm và sự đầu tư bài bản, thực sự đặt người dân, doanh nghiệp ở vị trí trung tâm; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, lao động có kỹ năng gắn với tăng quy mô và nâng cao chất lượng dân số.
Qua nửa nhiệm kỳ, đã có 17/19 chỉ tiêu chủ yếu cơ bản đạt và vượt chỉ tiêu Nghị quyết. Quảng Ninh nằm trong nhóm các địa phương đứng đầu cả nước về tăng trưởng kinh tế, thu ngân sách nhà nước.
Tỉnh đã duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế GRDP đạt mức tăng trưởng hai con số trong 7 năm liên tiếp từ 2016 tới 2022, trong đó có 3 năm bị ảnh hưởng nghiêm trọng do đại dịch COVID-19 gây ra. 6 tháng đầu năm 2023 ước đạt 9,46%, cả năm 2023 phấn đấu đạt trên 10% và sẽ là năm thứ 8 tăng trưởng đạt trên 2 con số. Thu ngân sách nội địa hàng năm cũng tăng trên 10%. GRDP bình quân đầu người ước đến hết năm 2023 đạt khoảng 9.400 USD, gấp 1,4 lần so với năm 2020. Quảng Ninh đã hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới ở cả ba cấp và về đích trước 3 năm chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025. Quảng Ninh cũng đang phấn đấu trở thành một trong các trọng điểm về thu hút FDI của phía Bắc. Hiện nay, thực hiện Nghị quyết số 30 ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị, Quảng Ninh cùng với các địa phương lân cận như Hải Phòng, Hải Dương đang tiến hành các công trình hoàn thiện hệ thống giao thông kết nối liên vùng, như cầu Rừng, cầu Lại Xuân… góp phần vào phát triển kinh tế vùng.
Từ thực tiễn Quảng Ninh, rút ra một số bài học kinh nghiệm, trong đó, trong bối cảnh có những khó khăn, thách thức, vẫn giữ được sự đoàn kết, kỷ luật, kỷ cương; nêu cao sự gương mẫu trách nhiệm của người đứng đầu, trước hết là trong Thường trực, Ban Thường vụ, Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh. Đồng thời, phải đặc biệt coi trọng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, công tác kiểm tra giám sát, kỷ luật Đảng, phòng chống tham nhũng, tiêu cực; xây dựng đội ngũ cán bộ có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.
Hướng tới kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập tỉnh Quảng Ninh, các cấp, các ngành, lực lượng vũ trang, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân các dân tộc trong toàn tỉnh đang ra sức thi đua, phấn đấu hoàn thành toàn diện, vượt mức các chỉ tiêu, mục tiêu năm 2023 và của cả giai đoạn 2020 - 2025 mà Nghị quyết Đại hội XV của Đảng bộ tỉnh đã đề ra; xây dựng Quảng Ninh trở thành tỉnh kiểu mẫu giàu đẹp, văn minh, hiện đại, nhân dân được hưởng cuộc sống ấm no, bình yên và hạnh phúc.
Kết luận hội nghị, đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương yêu cầu, từ nay đến cuối năm 2023, các đồng chí Bí thư Thành ủy, Tỉnh ủy tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện 6 nhiệm vụ trọng tâm trong Kết luận của Bộ Chính trị về nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023 và lồng ghép với các nhiệm vụ trọng yếu đã được chỉ ra tại hội nghị nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Các địa phương phải cố gắng hết sức tìm ra các giải pháp để khắc phục khó khăn, thách thức để hoàn thành ở mức cao nhất mục tiêu, chỉ tiêu nhiệm vụ năm 2023 và cả nhiệm kỳ 2020-2025. Những vấn đề phát sinh phải kịp thời báo cáo, xử lý; tăng cường đôn đốc để đạt kết quả cao nhất.
Tiếp tục quan tâm tham gia chuẩn bị tốt cho hội nghị lần thứ 8 của Ban Chấp hành Trung ương sẽ tổ chức vào tháng 10/2023, dự kiến sẽ thảo luận và thông qua với nhiều nội dung quan trọng. Chú trọng triển khai toàn diện các mặt công tác trong xây dựng Đảng, nhất là quan tâm xây dựng hệ thống chính trị cơ sở, trong đó có tổ chức cơ sở Đảng; tập trung giải quyết, tháo gỡ vướng mắc cho phát triển; khắc phục trình trạng cán bộ né tránh, đùn đẩy trách nhiệm.
Quan tâm đến công tác đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn; không để xảy ra những vụ việc phức tạp về an ninh trật tự trên địa bàn. Tập trung giải quyết dứt điểm các vụ việc phức tạp, nhất là liên quan đến đất đai; đối với những vụ việc có nguy cơ trở thành điểm nóng, các địa phương phải rà soát, nắm bắt để giải quyết triệt để ngay từ cơ sở. Làm tốt công tác bảo vệ chính trị nội bộ, bảo vệ bí mật Nhà nước; tăng cường kỷ luật, kỷ cương từ trên xuống dưới.
Đồng chí cũng ghi nhận những kiến nghị đề xuất của các địa phương; giao Văn phòng Trung ương Đảng tiếp nhận và chuyển cơ quan có thẩm quyết giải đáp đầy đủ.
Thu Chung
Liên kết website
Ý kiến ()