Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 16:30 (GMT +7)
Thường trực Tỉnh ủy cho ý kiến nội dung khảo sát về phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN tại tỉnh
Thứ 7, 04/11/2023 | 18:04:49 [GMT +7] A A
Ngày 4/11, Thường trực Tỉnh ủy có chương trình làm việc, nghe báo cáo về công tác chuẩn bị các nội dung phục vụ chương trình làm việc của Đoàn khảo sát (nhóm 2) của Ban Chỉ đạo tổng kết một số vấn đề lý luận và thực tiễn về công cuộc đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa trong 40 năm qua ở Việt Nam. Đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì.
Để chuẩn bị cho chương trình làm việc của Đoàn khảo sát của Ban Chỉ đạo tổng kết một số vấn đề lý luận và thực tiễn về công cuộc đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa trong 40 năm qua ở Việt Nam, tỉnh đã xây dựng dự thảo báo cáo Tổng kết một số vấn đề lý luận và thực tiễn về công cuộc đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa trong 40 năm qua ở Việt Nam đối với nội dung “Phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”. Trong đó, đưa ra các quan điểm của Đảng về phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN qua các kỳ Đại hội và trong các Nghị quyết có liên quan của tỉnh Quảng Ninh; đánh giá sự phát triển trong nhận thức tư duy sáng tạo, đột phá lý luận cơ bản của Đảng ta về mô hình kinh tế thị trường định hướng XHCN qua các quan điểm của Đảng về kinh tế thị trường định hướng XHCN. Dự thảo báo cáo nêu bật những thành tựu trong phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN (tập trung giai đoạn 10 năm gần đây); đánh giá các hạn chế trong phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN; một số bài học kinh nghiệm; đường lối phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN và một số đề xuất nhằm tiếp tục phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Các ý kiến tại cuộc họp đã thống nhất một số nội dung cần bổ sung và làm rõ trong báo cáo. Trước hết cần khẳng định, từ năm 2011 tới nay, tỉnh Quảng Ninh đưa công cuộc đổi mới toàn diện đi vào chiều sâu, chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh”; chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xanh hóa, lấy du lịch làm mũi nhọn gắn với phát triển kinh tế biển; phát triển bền vững dựa vào các trụ cột thiên nhiên – con người – văn hóa; tạo bứt phá về tốc độ phát triển các hạ tầng chiến lược, nhất là hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, liên thông tổng thể; tạo đột phá về chất lượng cải cách hành chính; phát triển cân đối giữa các vùng miền, tạo chuyển biến mới trong phát triển văn hóa xã hội, con người, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao mức sống, chất lượng sống của nhân dân, thu hẹp chênh lệch vùng miền; bảo đảm vững chắc quốc phòng an ninh; xây dựng phòng tuyến cạnh tranh và hợp tác kinh tế quốc tế. Tầng lớp trung lưu khá giả gia tăng.
Về phát triển nhận thức, tư duy sáng tạo, đột phá lý luận cơ bản của Đảng ta về mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa từ 1986 đến nay, báo cáo cần nhấn mạnh việc Quảng Ninh đã đổi mới mạnh mẽ tư duy phát triển bền vững địa phương, đảm bảo các mục tiêu kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng và an ninh; đổi mới tư duy, tập trung tháo gỡ điểm nghẽn về thể chế, cơ chế chính sách để giải phóng các nguồn lực, tiềm năng phát triển, thúc đẩy đổi mới sáng tạo; khuyến khích cán bộ dám nghĩ dám làm, dám đột phá, dám đương đầu với khó khăn thử thách vì lợi ích chung. Các thế hệ lãnh đạo tỉnh không ngừng tìm kiếm các không gian phát triển mới, nguồn lực mới, động lực mới cho sự phát triển bền vững. Quảng Ninh luôn lấy con người là trung tâm, nhấn mạnh yêu cầu phát triển bao trùm và bền vững; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân theo tiêu chí hạnh phúc, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo và chênh lệch vùng miền, khoảng cách giàu nghèo; tạo cơ hội bình đẳng cho mọi người được tham gia và thụ hưởng mọi thành quả phát triển, không để ai bị bỏ lại phía sau và gạt sang lề.
Trong phần thực trạng phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN của tỉnh Quảng Ninh từ năm 1986 đến nay, nhất là tập trung giai đoạn 10 năm gần đây, cần làm rõ một số nội dung: Phát triển các hình thức sở hữu, các thành phần kinh tế, các loại hình doanh nghiệp; bổ sung thêm nội dung đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đô thị hóa, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế; việc thực hiện thành công 3 đột phá chiến lược ở tỉnh bước đầu hình thành các phương thức phát triển mới; việc xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ gắn với hội nhập quốc tế sâu rộng ở một địa phương có vị trí trọng yếu về kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng và đối ngoại; việc giải quyết các mối quan hệ lớn trên địa bàn tỉnh, nhất là mối quan hệ giữa nhà nước, thị trường và xã hội; giữa đổi mới kinh tế và chính trị; giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ công bằng xã hội, bảo vệ môi trường; giữa phát triển nền kinh tế độc lập tự chủ, hội nhập quốc tế.
Báo cáo cũng cần làm rõ những hạn chế, yếu kém và những thách thức trong phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa định, đồng thời, đưa ra những định thời gian tới. Trong đó phải nhận diện bối cảnh mới, phân tích những xu hướng và phân tích những tác động của sự phát triển công nghệ mới, quá trình chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, chuyển đổi nguồn nhân lực chất lượng cao của những loại kinh tế để đánh giá những tác động tích cực và tiêu cực vào Quảng Ninh.
Để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng GRDP trên 10% đến năm 2023, cần tập trung tạo sự đột phá trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút và trọng dụng nhân tài; phải coi KHCN là quốc sách hàng đầu, trở thành động lực then chốt để thúc đẩy tỉnh phát triển; tập trung phát triển văn hóa, xã hội, con người ở địa phương có đặc thù về địa lý. Phải phấn đấu xây dựng một Quảng Ninh kiểu mẫu, giàu đẹp, văn minh, hiện đại với các giá trị đặc trưng: Thiên nhiên tươi đẹp, Văn hóa đặc sắc, Hành chính minh bạch, Xã hội văn minh, Kinh tế phát triển, Nhân dân hạnh phúc.
Thu Chung
Liên kết website
Ý kiến ()