Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 23/12/2024 23:01 (GMT +7)
Thường trực Tỉnh ủy nghe và cho ý kiến về Đề án Sáp nhập TP Hạ Long và huyện Hoành Bồ
Thứ 3, 01/10/2019 | 18:46:50 [GMT +7] A A
Ngày 1/10, Thường trực Tỉnh ủy tổ chức cuộc họp nghe và cho ý kiến về một số nội dung quan trọng - trong đó có Đề án sắp xếp, sáp nhập TP Hạ Long và huyện Hoành Bồ. Đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, chủ trì cuộc họp.
Đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, kết luận cuộc họp. |
Tờ trình của Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh tại cuộc họp về Đề án sáp nhập TP Hạ Long và huyện Hoành Bồ nêu rõ, bám sát Nghị quyết số 37-NQ/TW ngày 24/12/2018 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 653-NQ/QH ngày 12/3/2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Quyết định số 702-QĐ/TTg ngày 7/6/2019 của Thủ tướng Chính phủ về điều chỉnh quy hoạch chung TP Hạ Long đến năm 2040, tầm nhìn tới năm 2050, thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh đã chỉ đạo xây dựng Đề án về việc sắp xếp, sáp nhập TP Hạ Long và huyện Hoành Bồ một cách thận trọng, Chắc chắn, công phu và có lộ trình cụ thể. Đây là hai địa phương có mối liên hệ gắn bó đặc biệt trên hầu hết phương diện, có nhiều điểm tương đồng, gắn kết khách quan với nhau từ lịch sử, văn hóa, địa giới, kết nối kinh tế - xã hội. Những điểm khác biệt của hai địa phương sẽ bổ khuyết, tương hỗ cho nhau, không chỉ một chiều mà là cả hai chiều nên rất thuận lợi khi sáp nhập tổng thể.
Theo Đề án sắp xếp, sáp nhập TP Hạ Long và huyện Hoành Bồ sẽ nhập toàn bộ 843,54km2 diện tích tự nhiên và dân số 51.003 người của huyện Hoành Bồ với toàn bộ 275,58km2 diện tích tự nhiên và dân số 249.264 người của TP Hạ Long. Tên gọi của đơn vị hành chính mới là TP Hạ Long với diện tích 1.119,36km2, quy mô dân số 300.267 người. Đơn vị hành chính trực thuộc gồm 33 đơn vị cấp xã, bao gồm toàn bộ 20 phường thuộc TP Hạ Long, thị trấn Trới và 12 xã thuộc huyện Hoành Bồ. Đối với thị trấn Trới, đề nghị nâng cấp lên phường để đảm bảo theo quy định Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Hệ thống chính trị, thống nhất theo mô hình chung, trên cơ sở sáp nhập các cơ quan cấp huyện có chức năng tương đương của 2 địa phương hiện tại, giữ nguyên tổ chức bộ máy cấp xã.
Sau khi thực hiện sáp nhập, đơn vị hành chính TP Hạ Long mới sẽ là đô thị loại 1 trực thuộc tỉnh. Đây sẽ là đô thị lớn nhất cả nước về diện tích tự nhiên, lớn nhất về số đơn vị hành chính trực thuộc. Trong tương lai gần, TP Hạ Long sẽ trở thành hạt nhân của thành phố trực thuộc Trung ương, qua đó góp phần tạo sức sống mới, động lực mới, lan tỏa phấn khởi tin tưởng; mở ra không gian phát triển rộng lớn trong thể thống nhất của một đơn vị hành chính; tăng cường khả năng liên kết vùng và liên vùng.
Trong đó, khai thác tốt nhất lợi thế tổng thể về đất đai rộng rãi, tài nguyên thiên nhiên đa dạng phong phú, thuận lợi cho quy hoạch đô thị bao quanh Vịnh Hạ Long - Vịnh Cửa Lục; có cơ hội và động lực quy hoạch lại trung tâm chính trị - hành chính của thành phố xứng tầm; là đòn bẩy cho phát triển bền vững, giảm áp lực quỹ đất phát triển cho Hạ Long vốn đã gần cạn kiệt; giảm áp lực dân số cục bộ. Có điều kiện quản lý thống nhất về môi trường cảnh quan liên thông từ rừng, núi, sông, vịnh; có cơ sở để tiếp tục thúc đẩy quá trình đưa ra khỏi quy hoạch, chấm dứt hoạt động các nhà máy điện, xi măng, vôi gây ô nhiễm. Nâng tầm nhìn theo hướng bền vững cho khu vực Hoành Bồ hiện nay, đảm bảo sử dụng có hiệu quả quỹ rừng nguyên sinh, rừng ngập mặn, các dự trữ khoáng sản, các quỹ đất có lợi thế. Kết nối, đa dạng hóa dịch vụ, nhất là du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, du lịch khám phá rừng - biển, giúp kéo dài thời gian lưu trú, tăng doanh thu, nâng cao chất lượng du lịch, dịch vụ. Khai thác thế mạnh về văn hóa bản địa phong phú của các dân tộc vùng cao Hoành Bồ, cảnh quan rừng quốc gia Đồng Sơn - Kỳ Thượng…, giải quyết tốt về an sinh xã hội. Có nguồn lực mạnh để đẩy nhanh xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, thực hiện Đề án 196. Đẩy mạnh giao lưu liên thông đô thị - nông thôn, rút ngắn khoảng cách giàu nghèo, tạo chuyển biến về tư tưởng, nhận thức, ý thức vươn lên của bộ phận lớn đồng bào dân tộc còn thụ động, lạc hậu. Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trên các lĩnh vực. Tạo đột phá trong thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Trung ương.
Việc sắp xếp, sáp nhập TP Hạ Long và huyện Hoành Bồ sẽ được triển khai thực hiện và phấn đấu hoàn thành trong năm 2019.
Kết luận nội dung này, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, nhấn mạnh, việc sáp nhập TP Hạ Long và huyện Hoành Bồ là một chủ trương lớn đã được tỉnh Quảng Ninh chỉ đạo, triển khai thực hiện một cách thận trọng, chắc chắn, trên cơ sở bám sát các hướng dẫn và quy định của Trung ương. Với mục tiêu xây dựng Quảng Ninh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, cần có hạt nhân khởi động đủ tầm sức mạnh. Việc sáp nhập này sẽ tạo cho đơn vị hành chính mới là TP Hạ Long có một không gian đủ lớn để phát triển không chỉ 20-30 năm mà còn trong tương lai xa, trở thành thành phố với các ưu thế tiềm năng phát triển, đáp ứng yêu cầu về đất đai, dân số và các cơ sở hạ tầng chủ yếu; đồng thời là giải pháp tối ưu phát huy tiềm năng, lợi thế vốn có của huyện Hoành Bồ vốn dĩ chưa được khơi dậy. Định hướng này hoàn toàn phù hợp với chủ trương của Trung ương và định hướng phát triển đô thị, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong giai đoạn hiện nay. Không chỉ bảo đảm tiêu chí diện tích, dân số của đô thị, mà quan trọng hơn là tạo được không gian cho sự phát triển xứng tầm của một đô thị du lịch biển đầu tiên của cả nước và là mũi nhọn, là cực tăng trưởng về kinh tế, tạo bước đột phá mới của tỉnh Quảng Ninh. Đặc biệt, chất lượng đội ngũ cán bộ và điều kiện hoạt động của bộ máy chính quyền được nâng lên, người dân sẽ được phục vụ tốt hơn. Chắc chắn, đây điều kiện thu hút các nhà đầu tư chiến lược với các dự án lớn và giải quyết được vấn đề môi trường tự nhiên vốn đã là thách thức từ nhiều năm nay của cả Hoành Bồ và Hạ Long; đồng thời góp phần đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn tốt hơn.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh, sáp nhập 2 địa phương cấp huyện là việc rất quan trọng, tác động lớn đến tâm tư, tình cảm của cán bộ, đảng viên, nhân dân, vì vậy công tác thông tin, tuyên truyền để nhân dân hiểu và đồng thuận cần phải được đẩy mạnh. Theo đó, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Trung tâm Truyền thông tỉnh, Sở Nội vụ, Sở Thông tin và Truyền thông, Ban Dân vận, Cơ quan khối MTTQ các tổ chức chính trị - xã hội vào cuộc tuyên truyền, phổ biến và quán triệt về mục tiêu, yêu cầu, quan điểm của Đề án tới cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân TP Hạ Long, huyện Hoành Bồ để tạo sự đồng thuận trong quá trình thực hiện.
Về phương án sắp xếp tổ chức bộ máy, phải tính toán, rà soát cụ thể từng cá nhân, để có phương án hợp lý, không làm xáo trộn, gây tư tưởng. Ngay sau cuộc họp này, Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh hoàn thiện đề án để báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh.
Minh Hiền - Phạm Hưng
Phương án sắp xếp tổ chức bộ máy, bố trí đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo Đề án sắp xếp, sáp nhập TP Hạ Long và huyện Hoành Bồ 1. Đối với tổ chức Đảng a. Về thẩm quyền: Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành quyết định thành lập Đảng bộ mới khi thực hiện sắp xếp; chỉ định Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Bí thư, Phó Bí thư Thành ủy mới theo quy định của Điều lệ Đảng và các quy định hiện hành; quyết định chuyển giao tổ chức đảng, đảng viên của đảng bộ sáp nhập về đảng bộ mới. b. Về số lượng: Trên cơ sở cơ cấu, tiêu chuẩn, điều kiện, kết quả rà soát, đánh giá phân loại, tín nhiệm của các đồng chí cấp ủy địa phương cũ, Ban Thường vụ Tỉnh ủy quyết định số lượng cấp ủy viên của thành phố mới đảm bảo phù hợp với điều kiện và tình hình thực tế. c. Về tiêu chuẩn, điều kiện: Lựa chọn giới thiệu nhân sự tham gia Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Bí thư, Phó Bí thư phải đảm bảo điều kiện, tiêu chuẩn chung của cán bộ theo quy định, trong đó cần nhấn mạnh về lập trường tư tưởng chính trị, năng lực thực tiễn thể hiện bằng hiệu quả, “sản phẩm” công việc; uy tín trong Đảng, trong nhân dân; khả năng nắm bắt, xử lý có hiệu quả những vấn đề mới; đoàn kết, quy tụ được đội ngũ cán bộ; dân chủ, sâu sát, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, vì lợi ích chung; công tâm, khách quan trong công tác cán bộ; nghiêm túc khắc phục, sửa chữa những khuyết điểm, yếu kém sau kiểm điểm tự phê bình và phê bình. Lãnh đạo chủ chốt của cấp ủy phải thực sự tiêu biểu về trí tuệ, đạo đức, uy tín, năng lực thực tiễn, được cán bộ, đảng viên và nhân dân trong đảng bộ tín nhiệm. d. Thời điểm tính độ tuổi tham gia cấp ủy: Tháng 6/2020. đ. Độ tuổi tham gia cấp ủy Lựa chọn, chỉ định tham gia cấp ủy mới những đồng chí còn đủ tuổi tham gia cấp ủy nhiệm kỳ 2020-2025 (tròn 60 tháng trở lên tính tại thời điểm đại hội); trường hợp cán bộ thực sự có trình độ, năng lực nổi trội, phải đủ tuổi tái cử cấp ủy nhiệm kỳ 2020-2025 (tròn 30 tháng trở lên). Các đồng chí dự kiến giới thiệu ứng cử các chức danh lãnh đạo HĐND, UBND nhiệm kỳ 2021-2026 phải đảm bảo điều kiện về tuổi đối với chức danh này theo quy định. 2. Đối với HĐND, UBND (thực hiện theo quy định tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương), cụ thể: - Đại biểu HĐND của hai địa phương được hợp thành HĐND của đơn vị hành chính mới và tiếp tục hoạt động cho đến khi hết nhiệm kỳ. - Kỳ họp thứ nhất của HĐND ở đơn vị hành chính mới do một triệu tập viên được Thường trực HĐND tỉnh chỉ định trong số đại biểu HĐND của đơn vị hành chính mới, để triệu tập và chủ tọa cho đến khi HĐND bầu ra Chủ tịch HĐND của đơn vị hành chính mới. - HĐND của đơn vị hành chính mới bầu các chức danh của HĐND, UBND theo quy định tại Điều 83 của Luật Tổ chức chính quyền địa phương cho đến khi HĐND khóa mới được bầu ra. 3. Đối với MTTQ và các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội - Việc thành lập MTTQ và các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội tại đơn vị hành chính mới mới thực hiện theo Điều lệ của các tổ chức và hướng dẫn của MTTQ và các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội cấp trên. Đề nghị Ủy ban MTTQ tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh có văn bản hướng dẫn quy trình lựa chọn, chỉ định cán bộ cấp trưởng MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội đơn vị hành chính sáp nhập bảo đảm quy định hiện hành, lựa chọn được cán bộ thực sự nổi trội. - Tiếp tục thực hiện mô hình cơ quan giúp việc dùng chung Khối MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội (gồm: UBMTTQ thành phố, Hội LHPN, Hội CCB, Hội nông dân, LĐLĐ thành phố, Thành Đoàn). 4. Các phòng ban chuyên môn, đơn vị trực thuộc - Cơ quan tham mưu của cấp ủy: Văn phòng Thành ủy, Cơ quan Tổ chức - Nội vụ, Cơ quan Kiểm tra - Thanh tra, Ban Dân vận, Ban Tuyên giáo, Trung tâm BDCT thành phố. - Cơ quan chuyên môn thuộc UBND thành phố: 12 đơn vị gồm Văn phòng HĐND - UBND, các phòng: Y tế, Giáo dục - Đào tạo, Lao động Thương binh và Xã hội, Văn hóa - Thông tin, Tài chính - Kế hoạch, Kinh tế, Quản lý đô thị, Tài nguyên và Môi trường, Tư pháp, Nông nghiệp & PTNT, Dân tộc - Các đơn vị sự nghiệp trực thuộc UBND thành phố: 08 đơn vị gồm Trung tâm Truyền thông và Văn hóa, Đội Kiểm tra trật tự đô thị và môi trường, Hội Chữ thập đỏ, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng, Ban quản lý các dịch vụ công ích, Ban quản lý chợ Hạ Long 1, Trung tâm quy hoạch và thiết kế kiến trúc, Trung tâm phát triển quỹ đất. Ngoài ra, còn có Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất, Trung tâm phục vụ hành chính công, Trung tâm DS-KHHGĐ, Trạm Thú y và bảo vệ thực vật, Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp, là các đơn vị thuộc cấp phòng. Quá trình hoạt động sẽ tiếp tục sắp xếp đảm bảo hiệu quả. 5. Đối với các đơn vị ngành dọc đóng trên địa bàn: Công an, Quân sự, Viện Kiểm sát, Tòa án, Chi cục Thi hành án, Chi cục Thuế, Kho bạc, Quản lý thị trường…: Đề nghị cơ quan chủ quản tích cực phối hợp với tỉnh để giải quyết tốt nhất việc sắp xếp, sáp nhập theo quy định của Trung ương, của tỉnh và của ngành, đặc biệt quan tâm đến việc bố trí, sắp xếp đội ngũ cán bộ lãnh đạo chủ chốt. |
Liên kết website
Ý kiến ()