Tất cả chuyên mục
Thứ Năm, 09/01/2025 18:48 (GMT +7)
Tích cực bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng
Thứ 2, 28/02/2022 | 10:29:38 [GMT +7] A A
Thời gian qua, công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh đã được triển khai và bước đầu đạt được kết quả nổi bật. Trên cơ sở đó, nhằm tiếp tục thực hiện hiệu quả mục tiêu “Tiêu dùng an toàn trong thời kỳ bình thường mới”, hiện các lực lượng chức năng, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã và đang vào cuộc tích cực để có nhiều hoạt động, biện pháp hiệu quả hơn nữa bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Từ đầu năm 2021 đến nay, dịch bệnh Covid-19 tiếp tục có diễn biến phức tạp, ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt cũng như mua bán của người dân. Để đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng, Sở Công Thương đã thể hiện rõ vai trò của cơ quan chủ quản trong việc phối hợp với Hội Bảo vệ người tiêu dùng tỉnh Quảng Ninh, lực lượng QLTT triển khai tất cả các hoạt động có liên quan đến người tiêu dùng, như: Kế hoạch số 49/KH-UBND ngày 5/3/2021 của UBND tỉnh về triển khai các hoạt động bảo vệ người tiêu dùng giai đoạn 2021-2025; tổ chức Lễ phát động hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng và thực hiện ký cam kết “Doanh nghiệp vì người tiêu dùng” giữa đại diện các doanh nghiệp; tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo vệ người tiêu dùng qua các kênh thông tin, băng rôn, khẩu hiệu; phối hợp tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát về an toàn thực phẩm, phát hiện hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng...
Đặc biệt, các đơn vị đã phối hợp chặt chẽ tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường và kinh doanh đa cấp để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Riêng trong năm qua, đã phát 15.000 tập gấp để tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp và cảnh báo các hình thức biến tướng, lợi dụng bán hàng đa cấp để hoạt động trái phép. Với việc tăng cường kiểm soát, tháng 8/2021, Đội QLTT số 8 đã phối hợp với các đơn vị có liên quan kiểm tra và lập biên bản vi phạm hành chính đối với 1 trường hợp về hành vi không xuất trình thẻ thành viên trước khi tiếp thị, bán hàng đa cấp và ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 4 triệu đồng theo quy định. Cùng với đó, Cục QLTT tỉnh đã phát hiện và xử lý 803 vụ, 738 đối tượng, với tổng số tiền trên 17 tỷ đồng. Trong đó, phạt vi phạm hành chính trên 6,1 tỷ đồng; trị giá hàng hóa tịch thu, phát mại trên 2,7 tỷ đồng; trị giá hàng hóa tiêu hủy trên 8,2 tỷ đồng. Các hình thức vi phạm chủ yếu vẫn tập trung về: Buôn lậu, hàng cấm, sở hữu trí tuệ, điều kiện kinh doanh, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ... Qua đó, đã góp phần tạo dựng lòng tin cho người tiêu dùng, uy tín cho doanh nghiệp, nâng cao trách nhiệm, quyền và lợi ích hợp pháp cho doanh nghiệp và người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh.
Để công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được thực hiện hiệu quả, công tác tiếp nhận và trả lời các kiến nghị, phản ánh của người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh về các phát sinh có liên quan trong giao dịch, mua bán hàng hóa cũng được thực hiện thường xuyên với việc bố trí người trực 24/24h, nhờ đó, số vụ khiếu nại đã giảm đáng kể so với năm 2020. Các trao đổi thông qua đường dây nóng thời gian này chủ yếu là tư vấn cho người tiêu dùng các kỹ năng cơ bản trong thực hiện giao dịch để đảm bảo quyền lợi của mình và nghĩa vụ của nhà cung cấp dịch vụ, hàng hóa, không phát sinh khiếu nại về mua bán, sử dụng, bảo hành sản phẩm.
Ông Vũ Văn Thìn, Chủ tịch Hội bảo vệ người tiêu dùng tỉnh, cho biết: Nhằm đảm bảo về các quyền lợi cho người tiêu dùng năm 2022, thời gian tới, Hiệp hội sẽ phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng trên địa bàn tỉnh tổ chức các hoạt động kiểm tra, đánh giá chất lượng hàng hóa, dịch vụ, kiểm tra việc giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến công tác bảo vệ người tiêu dùng tại các địa phương trên địa bàn tỉnh. Qua đó, góp phần tích cực cho công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trong các hoạt động xúc tiến thương mại, thương mại điện tử, bán hàng đa cấp thương mại biên giới và nhập khẩu... trên địa bàn tỉnh. Đơn vị cũng sẽ tham mưu, phối hợp với các ngành chức năng trong kiểm tra, kiểm soát thị trường, bảo đảm an toàn thực phẩm, các loại hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo chất lượng; tiếp tục thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật của Nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đến các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng; đẩy mạnh việc phát động chương trình “Doanh nghiệp vì người tiêu dùng” trên địa bàn toàn tỉnh, nhằm tạo điều kiện khuyến khích các doanh nghiệp nâng cao trách nhiệm của mình và tăng cường việc đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho người tiêu dùng.
Minh Đức
Liên kết website
Ý kiến ()