Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 05/11/2024 19:16 (GMT +7)
Hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp phát triển
Thứ 5, 15/12/2022 | 10:39:30 [GMT +7] A A
Triển khai nhiệm vụ cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, thời gian qua Quảng Ninh luôn chú trọng đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp. Nhờ đó niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp đối với tỉnh ngày càng được củng cố; hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp có thêm nhiều bước tiến, đóng góp vào sự phát triển của địa phương.
Ngay từ đầu năm 2022, một trong những nhiệm vụ trọng tâm được tỉnh quán triệt thực hiện là tập trung triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 9/4/2021 của Tỉnh ủy gắn với Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021-2030. Trong đó, tỉnh đặt ra và quyết tâm thực hiện công tác cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, đồng hành cùng doanh nghiệp dựa trên quan điểm "5 thật" (nghĩ thật, nói thật, làm thật, hiệu quả thật, nhân dân và doanh nghiệp được thụ hưởng thật) và "6 dám" (dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo và dám đương đầu với khó khăn thử thách). Cùng với đó, tỉnh cũng đặt ra phương châm “làm đúng, làm nhanh, làm tốt”, nhất là thủ tục về đất đai, đầu tư, xây dựng, quy hoạch, môi trường, GPMB, vật liệu san lấp…
Trong năm, tỉnh đã tổ chức thành công 3 hội nghị gặp mặt doanh nghiệp cấp tỉnh, tập trung vào các nội dung: Thị trường vốn; bảo đảm than, điện, xăng dầu cho sản xuất kinh doanh; chế biến, chế tạo, dịch vụ logistics, XNK; du lịch và dịch vụ; giải quyết các kiến nghị của doanh nghiệp. Đồng thời, triển khai hiệu quả Chương trình số 104/CTr-UBND ngày 30/3/2022 của UBND tỉnh về phục hồi và phát triển KT-XH Quảng Ninh giai đoạn 2022-2023, trong đó, trọng tâm là phục hồi ngành du lịch, dịch vụ và các ngành sản xuất chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh.
Căn cứ vào tình hình thực tế, tỉnh luôn đưa ra các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp mới cho công tác cải cách, hỗ trợ doanh nghiệp. Ngày 4/11/2022, tại Kỳ họp thứ 11 (kỳ họp chuyên đề), HĐND tỉnh đã thảo luận, bàn bạc, cho ý kiến và ban hành Nghị quyết số 124/NQ-HĐND về một số biện pháp đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, gắn với chuyển đổi số toàn diện tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Nghị quyết được ban hành vừa đảm bảo sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, chuyển đổi số; vừa cụ thể hóa, nâng cao trách nhiệm, vai trò giám sát của HĐND trong các hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước.
Bên cạnh công tác lãnh đạo, chỉ đạo, lên kế hoạch triển khai thực hiện, các cấp, các ngành của tỉnh cũng đã và đang chủ động các giải pháp cụ thể để đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp. Thông qua Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, Quảng Ninh đã phổ biến và triển khai kịp thời đến cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn những văn bản hướng dẫn của các ngành chuyên môn; cung cấp hệ thống thông tin cho doanh nghiệp về thị trường, xu hướng công nghệ, môi trường, chính sách; công khai, minh bạch kịp thời trong đấu thầu, thông tin các chính sách pháp luật cho doanh nghiệp; các chủ trương, định hướng lớn của tỉnh trong phát triển KT-XH... Từ đó, giúp doanh nghiệp nắm được các cơ sở pháp lý để định hướng chiến lược kinh doanh, điều chỉnh hoạt động phù hợp với thực tế. Cùng với đó, với sự tích cực vào cuộc của UBND tỉnh, các sở, ngành, số lượng các kiến nghị của doanh nghiệp đã giảm dần qua các năm; chất lượng giải quyết được nâng cao, dần đáp ứng tốt hơn yêu cầu, nguyện vọng của doanh nghiệp.
Nhiều sở, ngành, địa phương đã triển khai các giải pháp cụ thể hỗ trợ doanh nghiệp mang tính thực chất, hiệu quả. Điển hình như Sở KH&ĐT đã làm tốt hoạt động xây dựng chính sách hỗ trợ, tư vấn giải pháp chuyển đổi số cho doanh nghiệp; xây dựng và triển khai hệ thống đào tạo trực tuyến và cung cấp các bài giảng trực tuyến, tài khoản miễn phí cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa về năng lực quản lý điều hành hoạt động kinh doanh. Ban Quản lý KKT tỉnh biên tập và phát sổ tay “Một số tình huống pháp luật lao động và quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động” để tuyên truyền cho các doanh nghiệp tại KCN. Cục Hải quan tỉnh phối hợp với các địa phương xây dựng, triển khai “Vùng xanh an toàn” tại các cửa khẩu biên giới; tổ chức 2 hội nghị đối thoại doanh nghiệp theo chuyên đề ở cấp cục và 13 hội nghị đối thoại doanh nghiệp ở cấp chi cục; giải quyết 226 vướng mắc phát sinh của doanh nghiệp XNK. UBND TP Hạ Long sắp xếp công khai lịch để thủ trưởng cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận ý kiến và giải quyết ngay khi có phát sinh kiến nghị, đề nghị của doanh nghiệp...
Nhờ những giải pháp đồng bộ, quyết liệt trong công tác đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp, ước hết năm 2022, toàn tỉnh có 2.200 đơn vị thành lập mới, tăng 7,6% so với năm 2021, tăng 10% so với kế hoạch năm; số vốn đăng ký đạt hơn 26.000 tỷ đồng, tương đương năm 2021; 910 doanh nghiệp hoạt động trở lại, tăng 16%. Luỹ kế trên địa bàn tỉnh hiện có 17.600 doanh nghiệp và đơn vị phụ thuộc đăng ký, vốn đăng ký đạt gần 386.000 tỷ đồng.
Minh Hà
Liên kết website
Ý kiến ()