Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 27/11/2024 23:48 (GMT +7)
Tích cực dập dịch lợn tai xanh ở Đông Triều
Thứ 5, 14/06/2012 | 04:55:24 [GMT +7] A A
Theo Cục Thú y, trong khi chúng ta đã khống chế được dịch cúm gia cầm và dịch lở mồm long móng ở gia súc thì dịch lợn tai xanh lại có nguy cơ lan rộng. Dịch lợn tai xanh đang xuất hiện chưa qua 21 ngày ở 7 tỉnh gồm: Điện Biên, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Lai Châu, Hoà Bình, Lạng Sơn và Bạc Liêu.
Quảng Ninh là 1 trong 4 địa phương đã được lãnh đạo Bộ NN&PTNT, Cục Thú y đi kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng chống dịch lợn tai xanh.
Ngày 3-5, dịch lợn tai xanh mới xuất hiện ở 3 xã của Đông Triều, nhưng đến 30-5 thì dịch đã lan ra toàn bộ 21 xã, thị trấn của huyện. Nếu ngày 30-3, dịch xuất hiện ở 407 hộ, tại 92 thôn, thì đến ngày 12-6, dịch đã xuất hiện ở 986 hộ tại 147 thôn. Chỉ riêng ngày 12-6, dịch xuất hiện mới ở 35 hộ, tại 2 thôn.
Cũng tính đến ngày 12-6, tại Đông Triều đã tiêu huỷ 4.431 con lợn, trong đó riêng ngày 12-6 tiêu huỷ 139 con. Số lợn đã được tiêm vaccine phòng dịch là 82.946 con và “10 ngày nữa sẽ tiêm xong cho đàn lợn ở Đông Triều”, theo khẳng định của một cán bộ Chi cục Thú y.
Những số liệu trên cũng cho thấy, tình hình dịch lợn tai xanh vẫn chưa có xu hướng giảm hẳn.
UBND tỉnh Quảng Ninh đã thành lập 2 đoàn kiểm tra công tác phòng chống dịch gia súc, gia cầm tại tất cả các địa phương trong tỉnh (trừ huyện đảo Cô Tô), từ ngày 5-6 đến 15-6.
Theo Chinhphu.vn, chiều ngày 12-6, Ban chỉ đạo quốc gia dịch cúm gia cầm và lở mồm long móng đã họp. Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Diệp Kỉnh Tần nhận định, hầu hết dịch lợn tai xanh bùng phát mạnh từ cuối tháng 4 đầu tháng 5. Một trong những nguyên nhân làm dịch bùng phát là do nhiều địa phương chống dịch theo kiểu đối phó, vẫn bán thịt lợn ở vùng dịch. Đồng chí Diệp Kỉnh Tần cũng chỉ rõ, hiện nay chỉ có dịch tai xanh diễn biến phức tạp còn các dịch khác cơ bản ổn định. Mặc dù dịch mới xảy ra ở 7 tỉnh nhưng không thể chủ quan. Dịch tai xanh cũng sẽ khiến người chăn nuôi thua lỗ lớn và nếu không sớm dập dịch thì cả người tiêu dùng và người chăn nuôi sẽ quay lưng với thực phẩm được coi là khá phổ biến này.
Đối phó thì kiểu gì rồi cũng bị phát hiện, nhưng phòng chống dịch mà đối phó thì hậu quả sẽ thấy liền, đó là dịch sẽ bùng phát trở lại, sẽ lan rộng và khó khống chế. Chính vì vậy công tác phòng chống dịch tại Đông Triều cần phải quyết liệt hơn, đồng thời các địa phương trong tỉnh cũng phải tích cực chủ động trong công tác này.
Nguyên Đan
Liên kết website
Ý kiến ()