Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 15/11/2024 03:17 (GMT +7)
Đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống Phát triển bền vững vùng DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo
Thứ 2, 21/02/2022 | 08:45:05 [GMT +7] A A
Sau gần 1 năm thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU (ngày 17/5/2021) của Tỉnh ủy "Về phát triển bền vững kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030", đã mang lại những kết quả tích cực, hướng tới sự phát triển bền vững, không để ai bị bỏ lại phía sau...
Huyện miền núi Ba Chẽ có trên 80% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Để Nghị quyết số 06-NQ/TU thực sự đi vào cuộc sống, Huyện ủy Ba Chẽ đã khảo sát, đánh giá tình hình thực tế tại vùng đồng bào DTTS. Từ chỗ nhận diện rõ những nút thắt trong phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, Ba Chẽ đã xây dựng chương trình hành động sát với tinh thần Nghị quyết, phù hợp với đặc thù của huyện. Một trong những giải pháp triển khai đầu tiên của huyện là tập trung hỗ trợ tư liệu sản xuất cho nhân dân; phát huy tiềm năng, lợi thế về đất đai, tài nguyên sẵn có để phát triển kinh tế lâm nghiệp theo hướng bền vững, tạo thêm việc làm, thu nhập cho người dân vùng đồng bào DTTS.
Ông Chu Văn Cử (thôn Đồng Tán, xã Minh Cầm, huyện Ba Chẽ) chia sẻ: Gia đình tôi có 8ha rừng sản xuất, trước đây chỉ trồng keo ngắn ngày, nên hiệu quả kinh tế không cao. Tham gia Đề án phát triển trồng rừng gỗ lớn của huyện, gia đình tôi được địa phương hỗ trợ 600 cây giống giổi xanh để phát triển kinh tế rừng, đồng thời bảo tồn, phát triển giống cây trồng bản địa. Rừng giổi của gia đình hiện sinh trưởng rất tốt, nhiều cây đã ra hoa, dự kiến năm 2022 bắt đầu cho quả, khoảng 7-8kg hạt/cây. Tới đây, nếu được tiếp tục hỗ trợ về cây giống, phân bón, vốn, gia đình tôi sẽ mở rộng diện tích trồng cây giổi để đem lại hiệu quả kinh tế lâu dài.
Bám sát Nghị quyết số 06-NQ/TU, huyện tiếp tục chỉ đạo triển khai giao đất, giao rừng cho 126 hộ gia đình; đầu tư những công trình hạ tầng kinh tế - xã hội mang tính động lực cho phát triển. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực tham gia thực hiện Nghị quyết. Từ đó, góp phần hoàn thành mục tiêu nâng mức thu nhập bình quân đầu người vùng DTTS, miền núi lên 80 triệu đồng vào năm 2025, gấp 2 lần so với năm 2020; tỷ lệ hộ nghèo giảm trung bình 3%/năm, đến năm 2025 còn dưới 0,1%; đến hết năm 2022 không còn xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn theo tiêu chí mới. Huyện giải quyết dứt điểm nhu cầu cấp thiết về nhà ở, đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho đồng bào DTTS nghèo, khó khăn.
Các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh đang triển khai hiệu quả Nghị quyết số 06-NQ/TU, nhất là nhiệm vụ huy động, sử dụng mọi nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo. Đặc biệt, khi Nghị quyết số 50/NQ-HĐND ngày 13/11/2021 của HĐND tỉnh "Về phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình tổng thể phát triển bền vững kinh tế - xã hội, bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo gắn với xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2021-2025" được ban hành, các ngành, địa phương trong tỉnh đã nhanh chóng rà soát, xây dựng kế hoạch, triển khai các dự án đầu tư phát triển hạ tầng, sản xuất, thực hiện chính sách đảm bảo an sinh xã hội…
Đồng chí Dương Ngọc Khoa, Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Bình Liêu, cho biết: Nghị quyết số 50/NQ-HĐND đã xác định tổng nguồn vốn thực hiện Chương trình là 4.200 tỷ đồng. Đây là nguồn lực rất lớn để từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo đồng bộ, hiện đại, liên thông; phát triển toàn diện y tế, GD&ĐT gắn với tạo việc làm, tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững. Bám sát theo chủ trương đầu tư, Bình Liêu đã nhanh chóng xây dựng, ban hành Nghị quyết về thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU, hướng tới mục tiêu lớn nhất là huyện đạt chuẩn nông thôn mới năm 2022. Trong đó, xác định khâu đột phá là phát triển, hoàn thiện kết cấu hạ tầng đồng bộ, đảm bảo kết nối liên thông tổng thể, thúc đẩy liên kết vùng. Huyện tiếp tục phối hợp với các sở, ngành, địa phương lân cận xây dựng Đề án phát triển hệ thống giao thông liên thông tổng thể; Đề án phát triển du lịch cộng đồng, báo cáo UBND tỉnh, Tỉnh ủy.
Trúc Linh
Liên kết website
Ý kiến ()