Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 23/12/2024 21:52 (GMT +7)
"Trợ thủ" đắc lực đẩy lùi Covid-19
Thứ 7, 20/11/2021 | 09:58:24 [GMT +7] A A
Cùng với việc nhanh chóng hoàn thành tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho 100% đối tượng thuộc diện chỉ định tiêm chủng, một trong những yếu tố giúp Quảng Ninh đã và đang tiếp tục thích ứng an toàn, kiểm soát tốt tình hình diễn biến của dịch bệnh là việc tích cực ứng dụng CNTT và tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI) vào hoạt động phòng, chống dịch Covid-19.
"Hành trình không chạm" kiểm soát người ra, vào tỉnh
Từ năm 2020, khi đại dịch Covid-19 mới xuất hiện và bắt đầu có những tác động tiêu cực ảnh hưởng trực tiếp tới Quảng Ninh, tại tất cả các cửa ngõ ra, vào tỉnh, lực lượng chức năng và các địa phương đã tiến hành lập chốt cứng để kiếm soát. Nếu như trước đây, các chốt kiếm soát được vận hành bởi sự phối hợp của đông đảo lực lượng chức năng và các tình nguyện viên, đảm nhận từng khâu trong hệ thống công việc, như: Ra hiệu lệnh dừng xe, kiểm tra giấy tờ tùy thân, đo thân nhiệt, hướng dẫn khai báo y tế, đóng dấu kiểm định... thì mới đây, Quảng Ninh đã đưa vào vận hành thí điểm hệ thống tự động kiểm soát người ra, vào tỉnh trên cơ sở ứng dụng CNTT tiên tiến, hiện đại, có tích hợp AI.
Ngày 29/9/2021, việc kết nối đồng bộ dữ liệu và vận hành hệ thống tự động kiểm soát người ra, vào tỉnh được triển khai thí điểm tại chốt kiểm soát thông tin Trạm thu phí cầu Bạch Đằng (TX Quảng Yên). Theo đó, thay vì cán bộ tại chốt phải dùng điện thoại cá nhân để quét mã QR và kiểm tra thông tin của người dân khi qua chốt như trước, hệ thống mới này được lập trình tự động kiểm soát người ra, vào bằng các camera tự động. Khi người dân đưa mã QR vào vị trí quy định, camera sẽ tự động quét và tiếp nhận thông tin dữ liệu, giấy tờ tùy thân truyền đến máy tính. Dữ liệu cá nhân cơ bản thu thập được sẽ được AI của hệ thống đối soát với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, duyệt thông tin, kiểm soát tự động người đến từ các vùng có nguy cơ, gửi thông tin cảnh báo tới cán bộ trực chốt và điều tiết phương tiện vào khu vực kiểm tra chi tiết.
Sau một thời gian vận hành thử nghiệm, hệ thống kiểm soát thông tin thông minh hiện đã được áp dụng thêm ở các chốt kiểm soát khu vực cổng tỉnh (TX Đông Triều) và cầu Đá Bạc (TP Uông Bí). Nhờ hệ thống kiểm soát thông tin mới này, chỉ cần mất tối đa 2 phút, người điều khiến phương tiện đã có thể qua trạm mà không cần tốn quá nhiều thời gian khai báo.
Việc tất cả dữ liệu của người qua chốt đều được tự động cập nhật chuyển tới cán bộ kiểm soát đã giúp giảm số lượng nhân sự tại các trạm kiểm soát, đồng thời rút ngắn thời gian kiểm tra thông qua việc tra cứu thông tin trên hệ thống máy tính và quan trọng hơn cả là hạn chế nguy cơ lây lan dịch bệnh khi lực lượng trực không phải tiếp xúc nhiều với người dân qua chốt.
Không chỉ rút ngắn thời gian khai báo thông tin, hạn chế tiếp xúc gần, công nghệ AI của hệ thống còn tự thu thập toàn bộ dữ liệu thông tin y tế, lịch trình di chuyển, nơi đi, nơi đến, hình ảnh khuôn mặt, chuyển trực tiếp về cho công an địa phương và 177 xã, phường, thị trấn trên địa bàn toàn tỉnh thông qua hệ thống điện tử riêng. Việc này giúp các địa phương sớm nắm bắt thông tin chủ động triển khai các công tác hậu kiểm an toàn.
Được biết, để có thể đưa vào vận hành hệ thống kiểm soát tự động này, các ngành Y tế, Công an, Thông tin và Truyền thông cùng các địa phương đã phối hợp thực hiện chuẩn hóa dữ liệu đảm bảo đúng, đủ và “sạch” trên nền tảng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; tích hợp ứng dụng được Công ty CP Công nghệ Hanet xây dựng, kết nối đồng bộ, đầy đủ mọi thông tin của người dân. Đây được coi là bước đột phá nhất trong việc ứng dụng CNTT vào phòng chống dịch mà Quảng Ninh là một trong những địa phương đi đầu thực hiện đúng theo tinh thần của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19, Bộ Y tế, Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông.
Trong thời gian tới, để hệ thống hoạt động ổn định hơn nữa, các lực lượng chức năng của tỉnh sẽ tiếp tục hoàn thiện việc xác minh thông tin cá nhân còn thiếu, không đúng với thông tin công dân trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; xác thực và cập nhật thông tin cá nhân đã (được xác minh) trên nền tảng; xác nhận giá trị pháp lý của dữ liệu kết quả tiêm chủng và dữ liệu các F0 khỏi bệnh (đã được xác minh thông tin)...
Việc đi đầu trong thực hiện đồng bộ từ tỉnh tới cơ sở giải pháp tích hợp ứng dụng CNTT trên nền tảng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư của Quảng Ninh không chỉ phục vụ đắc lực cho yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới, bám sát phương châm “3 trước, 4 tại chỗ”, chủ động từ xa, từ sớm, từ cơ sở, lấy phòng dịch là ưu tiên, mà còn phù hợp với yêu cầu xây dựng chính quyền số, kinh tế số và xã hội số mà tỉnh đang tích cực thực hiện.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong phòng, chống dịch
Cùng với việc kiểm soát thông tin người ra, vào tỉnh bằng ứng dụng CNTT trên nền tảng tích hợp dữ liệu, để thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả tình hình dịch bệnh trên địa bàn, hiện Quảng Ninh cũng đang tích cực triển khai mạnh mẽ và đồng bộ việc ứng dụng CNTT trong tất cả các ngành, lĩnh vực trọng điểm.
Là một trong những ngành quyết định rất lớn đến thành, bại không chỉ trong công tác phòng chống dịch mà còn là công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân, ngay từ rất sớm, ngành y tế của tỉnh đã chủ động ứng dụng các thành tựu CNTT vào phòng chống dịch. Tại các bệnh viện, cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh, công tác phân luồng, sàng lọc từ cổng ra, vào được thực hiện, giám sát chặt chẽ 24/7. Người đến khám bệnh, người chăm sóc người bệnh và các trường hợp khác đến bệnh viện phải đi qua khu vực sàng lọc để khai báo y tế điện tử qua mã QR, đo thân nhiệt, sát khuẩn tay nhanh tại các vị trí thuận lợi, đóng dấu kiểm soát, tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về phòng chống dịch của Bộ Y tế.
Tại Bệnh viện Bãi Cháy, việc triển khai ứng dụng CNTT trong phòng chống dịch bệnh được đơn vị đẩy mạnh thực hiện, đồng thời khuyến khích người dân đăng ký khám bệnh trực tuyến, đăng ký lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 qua website: www.benhvienbaichay.vn, tổng đài chăm sóc khách hàng 1900.969694 hoặc ứng dụng zalo, trả kết quả khám online... Qua đó, đã chủ động kiểm soát, bố trí số lượng người bệnh thăm khám, lấy mẫu xét nghiệm dịch vụ, đảm bảo giãn cách an toàn, đặt lịch hẹn phù hợp cho các trường hợp còn lại, hạn chế nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh. Bệnh viện cũng thực hiện cấp mã khai báo y tế QR riêng cho mỗi khoa, phòng. Hằng ngày, toàn bộ y, bác sĩ, nhân viên, người bệnh, người chăm sóc tại các khoa, phòng, đều phải thực hiện quét mã khai báo y tế QR tại các vị trí quy định.
Nhờ làm tốt việc ứng dụng CNTT trong phòng chống dịch, kiểm soát thông tin, lịch trình di chuyển, tiếp xúc nội viện, đầu tháng 11 vừa qua, khi phát hiện 1 trường hợp F0 tại bệnh viện, mọi quy trình phòng chống dịch đã được Bệnh viện Bãi Cháy nhanh chóng triển khai thực hiện đúng kịch bản, phương án được xây dựng trước mà không gặp bất cứ vướng mắc nào. Trường hợp F0 nhanh chóng được chuyển đến cách ly, điều trị tại Bệnh viện số 2; tất cả các khu vực trường hợp F0 đi qua đều được khử khuẩn nhanh chóng; toàn bộ các trường hợp tiếp xúc gần đều được rà soát, tổ chức xét nghiệm sàng lọc... mà không gây ảnh hưởng đến công tác khám, chữa bệnh của bệnh viện.
Cùng với ngành y tế, ngành giáo dục với đặc thù không chỉ đảm bảo kiến thức, chương trình học, mà còn chăm lo về an toàn sức khỏe cho hàng trăm nghìn học sinh, cũng đã và đang tích cực ứng dụng các thành tựu của CNTT trong phòng chống dịch. Điển hình như tại Trường Tiểu học Hạ Long (TP Hạ Long), từ đầu tháng 11/2021, hệ thống camera thông minh có tích hợp AI do Công ty CP Công nghệ Hanet xây dựng đã được lắp đặt và vận hành, nhằm kiểm soát hiệu quả thông tin của học sinh và giáo viên, phục vụ cho công tác phòng chống dịch.
Chỉ trong vòng 1 giây khi có người đi qua, hệ thống camera này sẽ tự động thu thập dữ liệu khuôn mặt được đồng bộ với hệ thống cơ sở dữ liệu về học sinh, giáo viên của nhà trường. Trường hợp có người không đeo khẩu trang, hoặc đeo chưa đúng cách, hệ thống sẽ phát ra cảnh báo nhắc nhở. Trong trường hợp có ca mắc Covid-19, khuôn mặt của F0 sẽ được đối chiếu trên hệ thống và thông báo được ngay về địa điểm, thời gian mà F0 đã đến tại những nơi đặt camera.
Với hệ thống 11 camera thông minh được lắp đặt tại tất cả các vị trí trọng yếu của trường, hình ảnh, thông tin của hơn 1.900 học sinh, giáo viên trong trường sẽ được thu thập, truyền, lưu trữ và xử lý theo thời gian thực trên hệ thống để thầy, cô giáo trong trường và các ngành chức năng nắm bắt, quản lý, xử lý tình huống khi phát sinh trường hợp khẩn cấp.
Cùng với Trường Tiểu học Hạ Long, hiện hệ thống camera thông minh cũng đang được lắp đặt thí điểm tại Trường THCS Kim Đồng và sẵn sàng nhân rộng ra các trường khác trên địa bàn TP Hạ Long cũng như toàn tỉnh sau khi rút kinh nghiệm vận hành, điều chỉnh hệ thống. Bên cạnh hệ thống thông minh này, ngành GD&ĐT cũng đang tập trung thực hiện việc kiểm soát, thu thập thông tin giáo viên và học sinh bằng mã QR để phục vụ công tác quản lý và xử lý các tình huống khi cần thiết; chia sẻ thông tin, tuyên truyền các biện pháp phòng, chống dịch tới giáo viên, phụ huynh và học sinh thông qua mạng xã hội, trang web của trường, tạo thành kênh thông tin nhanh chóng cập nhật các chỉ đạo, hướng dẫn, trao đổi giữa các nhà trường và gia đình trong công tác phòng, chống dịch Covid-19...
Việc chủ động triển khai ứng dụng CNTT trong phòng chống dịch Covid-19 với tốc độ nhanh, đạt chất lượng, hiệu quả thực chất đã và đang giúp Quảng Ninh tiếp tục thích ứng linh hoạt và kiểm soát hiệu quả những diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 trên địa bàn. Tuy nhiên, các ứng dụng CNTT hay trí tuệ nhân tạo vẫn chỉ là những công cụ hỗ trợ giúp công tác phòng chống dịch được lãnh đạo, chỉ đạo và vận hành trơn tru, hiệu quả từ cấp tỉnh tới cấp cơ sở, điều quan trọng nhất trong phòng, chống dịch vẫn là nhận thức, ý thức của người dân.
Trao đổi về vấn đề này, Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Trọng Diện chia sẻ: Việc ứng dụng CNTT, đặc biệt là ứng dụng AI trong thời gian gần đây đã giúp tỉnh Quảng Ninh tiếp tục thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 theo đúng tinh thần Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ. Trong thời gian tới, các hệ thống ứng dụng CNTT và AI hiện đại sẽ tiếp tục được triển khai tại những địa điểm công cộng tập trung đông người như trung tâm hành chính công, bệnh viện, trường học trên địa bàn tỉnh. Đây được coi là giải pháp trọng yếu trong công tác phòng chống dịch của tỉnh trong giai đoạn mới. Tuy nhiên, hệ thống CNTT, trí tuệ nhân tạo chỉ là công cụ hỗ trợ, hoạt động trên hệ thống cơ sở dữ liệu, mấu chốt vẫn nằm ở nhận thức và ý thức của người dân trong công tác phòng chống dịch. Ngoài việc nghiêm túc thực hiện các khuyến cáo của ngành y tế trong phòng chống dịch, mọi người dân cần phải có trách nhiệm với chính bản thân mình và gia đình, cộng đồng, khai báo y tế đầy đủ, trung thực, góp phần tạo dữ liệu “sạch” để các hệ thống CNTT, AI hoạt động hiệu quả, chính xác.
Song Hà
Liên kết website
Ý kiến ()